- Thông tư 30 đã qua hai năm thực hiện. Tuy nhiên, trong cách vận dụng ở các trường có khác nhau dẫn đến có ý kiến nghi ngờ về kết quả nhận được. Cũng đã có phụ huynh "ngơ ngác" vì giấy khen từng mặt cuối năm...

Theo quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 30, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. 

{keywords}

Một giờ học tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An), nơi áp dụng cách đánh giá theo Thông tư 30 (Ảnh: Hạ Anh)

Nội dung đánh giá gồm: quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực như: tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề; sự hình thành và phát triển một số phẩm chất như: chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục, trung thực, kỷ luật, đoàn kết...

Phụ huynh ngơ ngác

Sau buổi họp phụ huynh tổng kết năm học 2015-2016, Cầm tờ giấy khen cuối năm học của con gái học lớp 1, anh Đ.D (Hà Nội) ngớ người với dòng chữ khen: “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”, vì chưa từng thấy danh hiệu này bao giờ.

{keywords}
Giấy khen cuối năm của học sinh tiểu học khiến phụ huynh ngơ ngác.

Anh Đ.D chia sẻ: "Mình thật không hiểu con được khen mặt gì nữa. Thật hoang mang quá!". Trên giấy khen ghi rõ trường Tiểu học Tân Phương, Ứng Hòa, Hà Nội khen thưởng ngày 25/5/2016 do Hiệu trưởng Trần Thị Tám ký.

Ở một trường tại quận trung tâm của TP Hà Nội, nhiều phụ huynh đứng giữa sân trường với vẻ mặt thẫn thờ sau buổi họp phụ huynh. Nguyên do là nhiều người thấy có nhiều điểm chưa ổn trong cách đánh giá, khen thưởng con em mình.

Một phụ huynh đặt vấn đề: Với kết quả 10 toàn diện các môn và duy nhất điểm 9 tiếng Việt, tham gia nhiệt tình và đầy đủ tất cả những hoạt động tập thể của lớp, nhưng kết quả cháu không được khen một mặt nào. Vậy khi thực thi thông tư "nhân văn" này -  thầy cô có nghĩ về những đứa trẻ miệt mài cả năm chỉ mong cuối năm có được một lời khen ngợi, động viên kịp thời của thầy cô?

"Tôi đã đặt câu hỏi vì sao một bạn có điểm thi không khác con mình nhưng được khen 2 môn. Còn con mình thì không, trong khi bạn ấy không tham gia các hoạt động tập thể, thì cô giáo đã không thể thuyết phục tôi bằng câu trả lời, con của bạn cả năm học chưa tốt chỉ có kết quả thi là tốt" - lời vị phụ huynh. 

Do đó, thay vì mong muốn nhân văn không gây áp lực cho các em thì lại đưa đến sự thiếu công bằng, nếu cả năm học chưa tốt thì điểm thi cả 2 học kỳ toàn 9,10 là điều không tưởng. Mặt khác, nếu sự thực như thế, cháu xứng đáng nhận giấy khen vì cả năm đã có cố gắng trong học tập theo đúng tinh thần Thông tư 30. 

Anh Huy Quang, phụ huynh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội có con học lớp 2 chia sẻ: "Đúng ra cũng có một số nơi có cái giấy khen viết khác nhau nhưng cơ bản vẫn chia thành mấy loại kiểu trung bình, khá, giỏi và vẫn nặng về tính hình thức, cách nhận xét như vậy cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích".

Con được hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập nhưng theo anh Huy Quang cơ bản đánh giá theo Thông tư 30 ở phần khen thưởng không khác gì so với trước đây. Nhiều người thấy khó hiểu, chẳng hạn một số cơ quan muốn khen thưởng các con, cũng không phải ai cũng biết để mà phân biệt và trao thưởng. "Nếu đã là đánh giá thì không nên đề tên với cái tên gọi "Giấy khen" - anh Huy Quang nêu ý kiến.

Theo Thông tư 30 việc đánh giá cuối năm của học sinh, giáo viên cần hướng dẫn học sinh bình bầu lẫn nhau, có tham khảo ý kiến phụ huynh nhưng theo anh Huy Quang: Trong buổi họp phụ huynh, cô không thông báo kết quả từng em mà nói ngắn gọn là theo giấy khen đã phát, phụ huynh tự biết con mình ở mức nào. Phụ huynh không được tham khảo ý kiến trước khi quyết định hình thức khen thưởng của con"

"Tôi tin nếu giáo viên quan tâm sẽ đánh giá đúng, sát với từng em" - anh Huy Quang cho biết.

Được toàn điểm 9,10 nhưng không được khen - vì sao?

Chia sẻ với VietNamNet, một giáo viên tiểu học ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết để đánh giá cuối năm cho học sinh nhà trường đã có nhiều cuộc họp để thống nhất với nhau bảng tiêu chí đánh giá học sinh. 

Trước đó, mẫu phiếu tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh, có các lựa chọn cho phụ huynh tích vào về đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực, ví dụ như ý thức tự phục vụ bản thân, khả năng giao tiếp, tự học ở nhà,…đã đươc trường phát ra.

Trong các tiết sinh hoạt chung, học sinh được giáo viên đưa ra các tiêu chí và hướng dẫn bình bầu bạn dựa theo đó. Các em được đưa ra ý kiến và phản biện rất sôi nổi, hào hứng. Một học sinh có thể có nhiều điểm nổi trội nhưng giáo viên sẽ chỉ chọn ra điểm sáng nhất để viết vào giấy khen của con, không viết tràn lan.

"Tôi tin rằng nếu làm được như vậy thì mỗi học sinh khi cầm giấy khen đều biết và trân trọng những gì được ghi trong đó. Bố mẹ hay ai đó hỏi các em cũng sẽ vui vẻ kể lại quá trình mình đã phấn đấu, rèn luyện ra sao để được bình bầu như vậy" - cô giáo cho biết.

Một giáo viên ở Vĩnh Phúc cũng phân tích: Theo Thông tư 30, điểm số của học sinh chỉ là căn cứ để đánh giá học sinh Hoàn thành hay Chưa hoàn thành, không dùng để xếp loại. 

Việc xếp loại còn căn cứ vào năng lực, phẩm chất của cả quá trình của con, ví dụ như trên lớp con có ngoan, có tích cực giúp đỡ bạn bè không, có hay tham gia các hoạt động của các bạn hay không, sách vở đồ dùng có gọn gàng, ngăn nắp không, có thường xuyên đi học muộn không,…Do đó, có thể có trường hợp con được toàn điểm 10 bài Toán, tiếng Việt nhưng không được khen thưởng là vì vậy.

Tuy nhiên, với mục đích động viên học sinh vì sự tiến bộ của các em nên đa phần các trường tiểu học các em đều được khen thưởng. Bản thân mỗi giáo viên cũng thêm phần vất vả. Nhà trường nếu sát sao cũng cần có các cuộc họp với phụ huynh để tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu.

Bộ đã giao tự chủ cho nhà trường

Từ kinh nghiệm thực tế, một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ, theo Thông tư 30, hiệu trưởng sẽ quyết định tỷ lệ học sinh được khen toàn diện của trường. Căn cứ vào tỷ lệ này, tập thể lớp sẽ bình chọn với 3 tiêu chí: Về học tập, năng lực và phẩm chất. Giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của cả lớp rồi quyết định khen thưởng học sinh toàn diện.

Số còn lại, ở một số trường, sẽ xem xét, học sinh nào tích cực về mặt học tập, có thể có 4-5 điểm 9, điểm 10 thì biểu dương về tinh thần học tập, còn em nào có ý thức tốt thì tuyên dương về năng lực phẩm chất. 

Có nghĩa là em nào cũng được tuyên dương nhưng có điều, trong số để chọn tiêu biểu (học sinh xuất sắc trước đây), thì do hiệu trưởng từng trường qui định tỷ lệ sau đó tập thể lớp bình chọn.

Tuy nhiên, vì cách hiểu và áp dụng Thông tư 30 ở mỗi trường một khác nên mới có chuyện, ở trường này thì siết chặt, ít cháu được khen; nhưng lại có trường cháu nào cũng được khen: Cháu được khen toàn diện, cháu khen về hoạt động phong trào, cháu thì được khen về mặt học tập… Chính điều này gây nên những thắc mắc .

Với cách đánh giá mới này, nhiều giáo viên tiểu học cho biết họ có nhiều bức bối, phải cân nhắc nhiều yếu tố. Đơn cử như việc, đáng lẽ số lượng các cháu được khen thưởng trong tiêu chí xuất sắc phải cao hơn nhưng chỉ tiêu lại khống chế ở một mức nên phải lựa chọn, gây căng thẳng cho giáo viên. 

Nhiều em ở có thành tích học tập giống bạn nhưng lại không được khen thưởng gì cả…. Các cháu học tốt, nhiều năm là học sinh xuất sắc giờ bỗng dưng không lọt vào trong top những em được khen thưởng cũng buồn rầu, phụ huynh ức chế.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết,  việc “thay chấm điểm bằng nhận xét và đề ra các giải pháp giúp đỡ học sinh”- cách đánh giá này toàn diện hơn, phát huy khả năng của mỗi học sinh, khích lệ những học sinh yếu, kém tự tin hơn, hứng thú hơn trong học tập.

Qua nhận xét của các thầy cô giáo và sổ ghi chép của giáo viên chủ nhiệm thì thấy học sinh còn chưa hoàn thành yêu cầu học tập được quan tâm nhiều hơn rõ rệt so với trước.

Với việc đổi mới đánh giá này, giáo viên các môn chuyên biệt tuy thêm việc nhưng cũng thấy môn học của mình không phải môn phụ như quan niệm của nhiều người.

Bộ đã giao quyền tự chủ cho nhà trường, thầy cô giáo được phép linh hoạt, điều chỉnh nội dung học sao cho phù hợp với thực tế.

  • Văn Chung - Nguyễn Hiền