Năm 2019, Jony Ive, nhà thiết kế huyền thoại của Apple đã rời khỏi công ty sau gần 30 năm làm nên danh tiếng cho người khổng lồ công nghệ này cùng hàng loạt thiết kế sản phẩm đình đám. Đó là một cú sốc, nhưng đối với những người biết về sự việc này, sự ra đi đó là điều không thể tránh khỏi trước sự thay đổi trong văn hóa của công ty.
Mới đây, một bài viết trên New York Times dựa trên cuốn sách của Tripp Mickle có tựa đề "Hậu Steve: Apple đã trở thành công ty nghìn tỷ USD và đánh mất linh hồn của mình như thế nào" đã cho biết chi tiết hơn về nguyên nhân ra đi của Jony Ive. Đối với Ive, sự ra đi đó là kết cục của sự thất vọng kéo dài nhiều năm khi chứng kiến Apple chuyển mình từ một thực thể lấy thiết kế làm trung tâm thành một điều gì đó thực dụng hơn.
Cùng với Steve Jobs, Ive đã tạo nên chiếc máy tính huyền thoại iMac. Bộ đôi nổi tiếng này đã làm việc sát cánh bên nhau khi Jobs thường xuyên ghé thăm phòng thiết kế của công ty.
Sau khi ông Jobs qua đời và Tim Cook trở thành CEO của Apple, trải nghiệm của Ive ở công ty khác biệt dần theo thời gian. Ông Cook hiếm khi quan tâm đến thiết kế sản phẩm, thậm chí chỉ vài lần đến thăm phòng thiết kế trong quá trình tạo ra Apple Watch.
Sau khi Apple Watch thay đổi trọng tâm từ một sản phẩm thời trang sang sản phẩm hướng tới thể dục, ông Ive đã nói chuyện với ông Cook về sự mệt mỏi của mình và dự định rút lui khỏi hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, việc phải tranh luận với đồng nghiệp về việc thăng chức và quản lý hàng trăm nhân viên thay vì nhóm thiết kế chưa đến 20 người trước đây cũng làm ông Ive kiệt sức.
Sợ rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, ông Cook đã đưa Ive lên làm giám đốc thiết kế của Apple và giảm bớt trách nhiệm của ông. Tại thời điểm đó, rất ít người ở Apple biết về sự thất vọng và kiệt sức của Ive.
Sự thay đổi về chức vụ đã khiến Ive làm việc theo cách khác hẳn. Từ chỗ đánh giá sản phẩm gần như hàng ngày, giờ đây đôi khi Ive còn không đưa ra đánh giá thiết kế nào trong vài tuần.
Đối với dòng iPhone kỷ niệm 10 năm ra mắt, Ive đã gọi cả nhóm thiết kế phần mềm đến buổi đánh giá sản phẩm tại một câu lạc bộ ở San Francisco. Cuối cùng sau khi đến muộn gần 3 tiếng đồng hồ, Ive chỉ đánh giá các bản thiết kế và đưa ra các phản hồi, nhưng không đưa ra quyết định cuối cùng nào vào thời điểm đó.
Trong khi Ive gần như biến mất khỏi hoạt động công ty, ông Cook tiếp tục chuyển Apple theo hướng mới, bao gồm cả việc đưa cựu giám đốc tài chính của Boeing, James Bell làm giám đốc công ty thay thế cho nhà tiếp thị Mickey Drexler. Ive không ủng hộ sự thay đổi này khi bình luận "Ông ta chỉ là một trong số các tay kế toán đó."
Ông Cook cũng cho phép bộ phận tài chính có nhiều tiếng nói hơn – điều càng làm ông Ive khó chịu – khi chuyển sang kiểm toán cả các nhà thầu bên ngoài.
Về quyết định rời khỏi Apple của ông Ive, bài viết nói về một buổi tối tháng Sáu năm 2019, khi ông Ive tập hợp nhóm thiết kế của mình đến một buổi chiếu riêng bộ phim "Yesterday" – bộ phim được xem như "cuộc khám phá kéo dài 2 giờ về sự xung đột giữa nghệ thuật và thương mại."
Sau bộ phim, ông Ive nói với nhóm của mình: "Nghệ thuật cần không gian và sự hỗ trợ thích hợp để phát triển. Khi bạn trở nên to lớn, điều này đặc biệt quan trọng." Một ngày sau đó, nhóm thiết kế đuộc ông Ive thông báo với việc tòa nhà mới của Apple đã hoàn tất, thời gian của ông ở công ty cũng đã hết. Tuy nhiên, ông Ive cho biết sẽ tiếp tục làm việc với tư cách cố vấn cho công ty thông qua hãng thiết kế LoveFrom của mình.
Sau khi ông Ive rời đi, lần lượt những nhà thiết kế kỳ cựu khác của Apple cũng nghỉ việc. Sau đó, thiết kế đặc trưng của Apple dường như cũng lùi lại phía sau, nhường chỗ cho tính năng và hiệu suất. Các nhà thiết kế cho biết, thiếu vắng Ive đã thúc đẩy sự hợp tác nhiều hơn với các đồng nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật, nhưng cùng lúc đó, họ cũng đối mặt với áp lực chi phí nhiều hơn trong công việc.
(Tham khảo AppleInsider)
Apple đã trở thành bậc thầy quảng cáo như thế nào?
Apple có thể đối đầu với các nhà sản xuất khác như Samsung nhưng chưa bao giờ chạy đua giảm giá. Họ không cạnh tranh bằng giá và họ cũng không có lý do phải làm như vậy.