{keywords}
 

Vẫn năng động và tích cực như xưa, nhưng ngày nay đang có một sự thay đổi đáng kể về cách mà các nhà khoa học Mỹ tiến hành nghiên cứu của mình. Chính xác hơn là ai đang trả tiền cho những nghiên cứu của họ.

Một nghiên cứu gần đây đã theo dõi sự nghiệp của hơn 100.000 nhà khoa học trong vòng 50 năm và phát hiện ra rằng, một nửa trong số các nhà khoa học từng làm việc cho trường đại học đã rời bỏ giới học thuật chỉ sau 5 năm. Có một sự gia tăng đáng kể trong những năm qua: Theo nghiên cứu được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia, các nhà khoa học vào những năm 1960 làm việc trong tháp ngà trung bình khoảng 35 năm.

Staša Milojević - giáo sư ĐH Indiana cũng là tác giả chính của nghiên cứu - gọi hiện tượng này là “cánh cửa xoay vòng”.

Tiền bạc là một trong số nguyên nhân giải thích cho sự thay đổi này. Sức hấp dẫn về mặt tiền bạc của các doanh nghiệp trở nên khó cưỡng đối với nhiều học giả. Trong lĩnh vực robot – nơi mà cơ hội nghề nghiệp ngoài giới học thuật là lớn nhất thì sự ra đi của các nhà khoa học nhiều hơn lĩnh vực thiên văn học – nơi mà nhu cầu của ngành công nghiệp thấp hơn một chút. Tuy nhiên, bất chấp mối tương quan này, những cơ hội bên ngoài cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự sụt giảm nhân lực trong giới học thuật.

Một nguyên nhân khác giải thích cho hiện tượng này là sự xuất hiện của một “lực lượng lao động thời vụ” trong các trường đại học. Thay vì thay thế những học giả đã nghỉ hưu bằng các nhà khoa học toàn thời gian thì trường đại học tạo ra những vị trí trợ lý và thuê các nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, trợ lý nghiên cứu để lấp đầy.

Lý do cuối cùng liên quan đến nguyên tắc đơn giản về cung cầu: các trường đại học đang sở hữu nhiều nghiên cứu sinh hơn là các vị trí có biên chế lâu dài. Đội ngũ nghiên cứu sinh giúp việc cho phép các nhà khoa học tập trung vào các dự án riêng nhiều hơn là giảng dạy và chấm bài.

Ý nghĩa của hiện tượng “cánh cửa xoay vòng” rất khó dự đoán. Nhưng điều chắc chắn là khoa học hàn lâm và khoa học công nghiệp là 2 lĩnh vực rất khác biệt.

Nghiên cứu trong công nghiệp có xu hướng khám phá những ý tưởng hứa hẹn mang lại lợi nhuận trong thời gian ngắn. Nó được kỳ vọng mang lại những kết quả hữu hình. Trong khi đó, nghiên cứu hàn lâm cởi mở hơn với vấn đề vì sự phát triển của chính nền khoa học, được truyền cảm hứng từ sự tò mò và uy tín học thuật, không kỳ vọng phải có tính ứng dụng sớm và có thể không mang lại lợi ích rõ ràng ở thời điểm hiện tại nhưng có thể trong tương lai lâu dài (hoặc cũng có thể không). 

Một thứ là khoa học vì lợi ích của khoa học, còn thứ kia là khoa học vì lợi ích kinh tế.

Theo quan điểm của các nhà khoa học thì cả 2 con đường này đều có những lợi ích riêng. Klodjan Stafa – một nhà khoa học thần kinh – từng bỏ giới hàn lâm để làm việc cho Estee Lauder – cho rằng, làm việc cho ngành công nghiệp được đãi ngộ tốt hơn, được hỗ trợ nhiều hơn và được coi trọng ý tưởng hơn, so với sự cô lập và bó buộc của nghiên cứu hàn lâm.

Trái lại, Nick Feamster – một nhà khoa học máy tính của ĐH Princeton thì cho rằng “làm một giáo sư có lẽ là công việc tốt nhất mà một người có thể có”. Giáo sư có sự tự do để thực hiện những mạo hiểm trong nghiên cứu, được hướng dẫn và học hỏi từ sinh viên, được tiếp cận dễ dàng với những tư tưởng đối lập của giới chuyên môn. Tất cả điều đó đều là đặc quyền của giới hàn lâm.

Nguyễn Thảo (Theo Pacific Standard)

"Giáo sư quần đùi": Kiên trì sẽ giúp mình hạnh phúc!

"Giáo sư quần đùi": Kiên trì sẽ giúp mình hạnh phúc!

-GS Trương Nguyện Thành nói rằng tâm thế và tính kiên trì sẽ giúp mình vượt qua để có cuộc sống bình an và hạnh phúc.