- Ngay sau khi giới thiệu dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2016, tối 18/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời VietNamNet về những thay đổi lần này.
MỜI ĐỘC GIẢ XEM, ĐÓNG GÓP DỰ THẢO QUY CHẾ TUYỂN SINH ĐH-CĐ 2016
Tối 18/2, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2016 với dự kiến 12 điểm sửa đổi, bổ sung so với năm 2015. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xung quanh những thay đổi lớn trong tuyển sinh ĐH-CĐ 2016.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. (Ảnh: VietNamNet) |
Năm nay Bộ đã xem xét rất kỹ từ khâu nộp đơn, hình thức xét tuyển, quyền của các nhà trường, rồi về chính sách ưu tiên,...
Đầu tiên là việc các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.
Trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành các trường xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Quy định như vậy để tránh có trường tuyển thí sinh không đủ ở phương thức này lại dồn chỉ tiêu sang cho phương thức khác đã xảy ra như năm 2015.
Năm nay học sinh sẽ không phải nộp hồ sơ tại trường. Mỗi em có mã đăng ký riêng. Các em đăng ký online hay qua bưu điện chỉ cần ghi mã đó, không cần hồ sơ lích kích như trước vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí đi lại cho phụ huynh và thí sinh.
Khắc phục việc rút nộp hồ sơ gây lộn xộn như năm ngoái, năm nay thí sinh ở đợt đăng ký xét tuyển đợt I sẽ được nộp ở 2 trường mỗi trường 2 ngành. Các đợt tiếp theo các em được nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng.
Đối với các trường xét tuyển theo nhóm như các đại học quốc gia, các đại học vùng, các trường tổ chức xét tuyển theo nhóm để tránh ảo các em đăng ký trong các ngành của nhóm trường này. Nếu trường xét tuyển riêng thì chỉ được 2 nguyện vọng 2 ngành.
Trong nhóm thì các em được đăng ký các ngành của nhóm trường đó, ví dụ em muốn học 2 ngành kinh tế của 2 trường kinh tế trong nhóm đó thì đăng ký được, không khống chế phải cùng một trường như trước.
Năm nay khi quy định mỗi em có 2 nguyện vọng ở 2 trường có thể xảy ra ảo. Vì vậy các trường cần quy định thời gian nhận Giấy báo kết quả thi của thí sinh. Mỗi em chỉ có 1 giấy này và chỉ sử dụng khi làm thủ tục nhập học.
Ví dụ các trường quy định trong thời gian từ 5-7 ngày phải nộp giấy này (bản gốc) để khẳng định các em học trường đó. Quá hạn trên xem như các em không chấp nhận vào học ở trường đó và trường sẽ gọi bổ sung tiếp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Năm nay Bộ cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn hoặc bằng trước, các trường có thể chủ động ngưỡng xét đầu vào phù hợp, tránh trường nào cũng điểm sàn trở lên gây lộn xộn cho khâu xét tuyển, gây phức tạp
Chế độ ưu tiên cũng sẽ khắc phục nhầm lẫn năm ngoái, tránh tình trạng thí sinh hiểu không đúng, đăng ký khu vực và đối tượng tư tiên không đúng, có em từ đạt thành rớt.
Thay đổi chính sách ưu tiên; giữ nguyên mức điểm cộng
Cụ thể chính sách ưu tiên sẽ sửa đổi khắc phục những bất cập nào của mùa tuyển sinh 2015, thưa Thứ trưởng?
Ví dụ như Bộ quy định đối tượng ưu tiên theo khu vực sẽ được quy định thêm: thí sinh người dân tộc thiểu số phải sống tối thiểu 18 tháng trong thời gian học phổ thông ở xã khu vực 1 mới được hưởng đối tượng khu vực 1.
Trước đây ta không có quy định này. Các em sống bất kỳ đâu, chỉ cần dân tộc thiểu số là hưởng khu vực 1 sẽ không công bằng với em thiểu số, sống ở vùng khó khăn.
Về khu vực, năm nay quy định rõ hơn, các em khu vực 1 có thể học ở 1 trường phổ thông không phải xã địa phương mình mà có thể học bất kỳ một trường nào ở nơi chứa 1 xã khu vực 1 thì các em được hưởng ưu tiên khu vực 1. Như vậy các em rất rõ, không nhầm lẫn như năm ngoái, gây hiểu nhầm, khai không đúng.
Tại sao Bộ vẫn giữ mức điểm chênh lệch ưu tiên là 1 điểm với thí sinh thuộc các đối tượng liền kề và 0,5 điểm giữa các khu vực liền kề cho thí sinh trong khi điểm của thí sinh đã làm tròn đến 0,25 thưa ông?
Bộ đã tham khảo ý kiến Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Ủy ban dân tộc, các cơ quan hữu quan và nhận được đề nghị giữ nguyên không thay đổi mức điểm ưu tiên này vì còn nhiều thí sinh ở các vùng khó khăn, cuộc sống chưa được nâng cao. Thay đổi như vậy không công bằng cho các em.
Trước đây đã có đề nghị rút mức điểm chênh lệch xuống 0,5 nhưng như vậy sẽ thiệt thòi cho đối tượng dân tộc, vùng khó khăn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ sẽ ban hành quy chế chính thức sau 30 ngày lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, thí sinh và phụ huynh. |
Văn Chung (thực hiện)