Công nghệ OLED đang được dùng rộng rãi trên smartphone vì nhiều ưu điểm, như tương phản ấn tượng, màu đen sâu, mỏng hơn và nhẹ hơn LCD. Tuy nhiên, các điện thoại màn hình OLED đang sử dụng phương pháp giảm độ sáng màn hình là Pulse Width Modulation (PWM).

Cách này khác với màn hình LCD sử dụng DC dimming, và nó khiến cho một số người dùng cảm thấy khó chịu. Vậy chúng khác nhau như nào? Tại sao PWM lại khiến một nhóm nhỏ trong chúng ta khó chịu còn DC dimming thì không?

PWM hoạt động như thế nào?

Công nghệ này hiểu đơn giản là thay đổi độ rộng của các xung ánh sáng, từ đó tăng hoặc giảm độ sáng màn hình. Tần số của xung ánh sáng thường rất cao - 200Hz trở lên - khiến mắt người không thể nhận ra từng xung riêng lẻ. Do vậy, chúng ta sẽ tiếp nhận lượng ánh sáng trung bình mà các xung này phát ra.

Tai sao dien thoai man hinh OLED co the khien ban moi mat, dau dau? hinh anh 1
Cơ chế PWM trên màn hình OLED smartphone.

Trạng thái màn hình tắt hay bật thực ra được con người nhận định bằng lượng ánh sáng tiếp nhận được. Còn khi bạn giảm độ sáng màn hình, thực ra lại là trạng thái tắt kéo dài nhiều hơn bật, lượng ánh sáng các xung tạo ra giảm đi nhiều nên chúng ta cho rằng màn hình đã tối đi.

Ở độ sáng 100%, bạn nhận thấy nó luôn sáng vì xung lúc đó rộng nhất. Khi giảm xuống mức 50%, tấm nền phát ra các xung ngắn hơn, chia làm nhiều quãng khiến lượng ánh sáng tiếp nhận giảm. Và nếu tiếp tục hạ độ sáng, biên độ xung sẽ càng ngắn lại, màn hình ở trạng thái tắt lâu hơn. Ở mức độ sáng cực thấp, giãn cách giữa các xung đủ lớn để chúng rời rạc và mắt người nhận ra. Lúc này, xảy ra hiện tượng nhấp nháy màn hinh (flicker).

Tai sao dien thoai man hinh OLED co the khien ban moi mat, dau dau? hinh anh 2
Thói quen dùng smartphone trước khi ngủ càng khiến hiện tượng nhấp nháy màn hình trở nên cực đoan hơn.

Đa phần mọi người không đủ nhạy cảm để nhận biết hiện tượng nháy màn hình này. Chỉ một nhóm nhỏ là cảm thấy khó chịu, mặc dù họ cũng không biết nguyên nhân từ đâu. Với nhóm này, flicker trong thời gian dài khiến mắt nhanh mỏi hơn, đau đầu hoặc đau nửa đầu. Đặc biệt với thói quen sử dụng smartphone màn hình OLED trong điều kiện thiếu sáng, hay vào quãng thời gian mà đáng lý mắt cần nghỉ ngơi - ví dụ trước khi đi ngủ - càng không tốt.

Vậy DC dimming là gì?

Thay vì tác động vào xung ánh sáng, DC dimming giảm độ sáng màn hình bằng cách trực tiếp điều chỉnh dòng điện cấp cho bảng mạch. Đối với màn hình LCD, bạn càng bơm năng lượng nhiều bao nhiêu thì độ sáng càng cao bấy nhiêu, chủ yếu là ánh sáng phát ra từ đèn nền. Còn với OLED, đa phần người ta vẫn dùng cách PWM ở trên.

Tại sao lại không áp dụng DC dimming sớm hơn? Nguyên nhân nằm ở việc LCD là màn hình truyền dẫn ánh sáng, còn OLED là màn hình tự phát sáng. Với OLED, khi bạn hạ cường độ dòng điện để hạ độ sáng, một đánh đổi lớn là màu sắc thường bị giảm độ chính xác do năng lượng cấp cho lớp chất hữu cơ giảm đi. Đó là điều mà các hãng sản xuất muốn tránh để người dùng không đánh giá sai về chất lượng hiển thị của sản phẩm.

Giải pháp là gì?

Thực tế, các hãng smartphone Trung Quốc đều đã xác nhận đang tìm hiểu cách giải quyết. Họ sẽ thử nghiệm và mang nó lên smartphone của mình một cách thích hợp.

Tai sao dien thoai man hinh OLED co the khien ban moi mat, dau dau? hinh anh 3
 

Còn trước mắt, nếu bạn có một cơn đau đầu, mỏi mắt kéo dài, liên quan tới việc sử dụng thường xuyên smartphone màn hình OLED vào buổi đêm, đừng vội đổ lỗi cho PWM. Hãy cố thay đổi chính bản thân mình vì dù sao đó cũng không phải thói quen tốt, kể cả với điện thoại có màn hình LCD.

Hãy thiết lập độ sáng màn hình ở mức phù hợp, đừng quá chênh lệch với ánh sáng xung quanh môi trường. Sử dụng ở nơi có đầy đủ ánh sáng thay vì cố trùm chăn rồi ‘dán mắt vào màn hình'. Cố giữ khoảng cách phù hợp, đừng nhìn điện thoại quá gần. Đừng vội sờ lấy smartphone ngay khi vừa ngủ dậy, khi mắt còn chưa điều tiết tốt sau giấc ngủ dài. Hãy rèn luyện thói quen lành mạnh khi dùng smartphone!