Đàn ông thất vọng - đó là một thực tế xảy ra với nhiều đôi vợ chồng trẻ. Thường thì người phụ nữ biết nên hy vọng gì ở hôn nhân. Họ biết khá rõ người chồng có thể đem lại điều gì và không thể đem lại điều gì. Nhưng đàn ông lại khác, họ nhìn hôn nhân bằng con mắt "ngây thơ" hơn, họ đặt quá nhiều hy vọng vào vợ mình, và do đó họ thất vọng nhiều hơn phụ nữ.
Vợ không giống mẹ
Nói chung trước khi lấy vợ, thường người đàn ông đều được mẹ chăm sóc. Sau khi kết hôn, vợ chồng sống riêng, điều đầu tiên đàn ông phát hiện là vợ không giống với mẹ, không thể trông chờ tất cả vào cô ta. Quần áo họ thay ra vất ở đâu, ngày hôm sau vẫn ở nguyên đó. Khay đá trong tủ lạnh mọi khi lúc nào cũng đầy ắp thì bây giờ rỗng không. Chẳng những thế, họ còn ngán ngẩm thấy vợ đem về một cặp tài liệu những việc đang làm dở ở cơ quan, rồi cắm đầu làm tiếp để mai nộp. Đã vậy, cô ta còn ta thán là ban ngày đã đi làm, về nhà lại phải nấu cơm, giặt giũ, sức lực kiệt quệ, Chủ nhật cũng chẳng được nghỉ ngơi vì còn phải dọn dẹp nhà cửa, đôi khi chồng còn rước bạn về cho mà hầu.
Nhưng mọi việc rồi cũng quen. Cũng có ông chồng nhận thức được người ta lấy nhau không phải chỉ để yêu nhau, vì nếu chỉ mục đích đó thì tốt nhất không nên cưới. Nhưng nói chung, nam giới vẫn thấy cuộc sống hôn nhân không giống như trước đây họ mơ tưởng. Lắm anh trông đợi ở vợ quá nhiều, đã là chủ gia đình rồi mà họ vẫn nghĩ mình là "đứa trẻ siêu việt", coi vợ như "mẹ"' luôn chăm sóc và hy sinh vô điều kiện cho mình, đồng thời lại vừa là người bạn tình thú vị đầy hấp dẫn. Chẳng bao giờ họ hiểu vợ muốn gì, giống như khi trước, họ có bao giờ biết mẹ cần gì.
Có con, càng thất vọng hơn
Người đàn ông không phải mang nặng đẻ đau nên thường mong có con, nhất là thằng cu để nối dõi. Đứa con trong tưởng tượng của họ giống hệt cậu bé trong tranh quảng cáo bột dinh dưỡng, gương mặt bụ bẫm hồng hào, nụ cười xinh xắn, mấy chiếc răng sữa trắng tinh. Ngoài ra, họ không tưởng tượng ra được gì nữa. Họ không hình dung được đứa bé đó có thể ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của mình như thế nào. Họ cũng không thể ngờ đứa bé đó chiếm toàn bộ tâm trí của vợ, đẩy họ ra khỏi tầm quan tâm của cô ta. Rất nhiều ông bố trẻ thừa nhận, khi có con, cuộc sống của họ khác quá xa so với những gì mà họ tưởng tượng trước đây.
Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, gần 80% các ông chồng trẻ than quá mệt mỏi từ khi đứa con ra đời. Không trách từ xưa các cụ đã nói: "Trai nuôi vợ đẻ gầy mòn". Nếu không phải một đêm thức dậy đến mấy lần vì con khóc oe oe thì cũng là hàng chục thứ hóa đơn điện, gas, điện thoại... đến đòi liên tục làm họ ăn không ngon, ngủ không yên. Chỉ cần con có những dấu hiệu khác thường khiến cả hai vợ chồng cuống gọi xe cấp cứu là có thể bay vèo nửa tháng lương; nguy cơ "viêm màng túi" luôn thường trực.
Còn đâu những buổi chiều vợ chồng đi dạo bên nhau đầy lãng mạn. Ngay cả muốn ngồi nói chuyện cũng không được nữa, vì lúc nào đứa con cũng nhảy loi choi. Không ít người vợ chẳng còn mấy hứng thú chăn gối như trước. Có anh so sánh: đàn ông bắt đầu làm bố như người đang gặp một giấc mơ tuyệt đẹp bỗng nhiên bừng tỉnh. Nói chung, làm bố không phải là vai diễn ưa thích trong cuộc đời đàn ông, khi những giấc mơ từ thời sinh viên vẫn còn đó. Họ đã thầm ước 30 tuổi phải có nhà riêng, 35 tuổi phải là "cái gì đó" trong cuộc đời, 40 tuổi phải có một tài sản kha khá. Những mục tiêu đó cuốn họ đi trong khi vợ con níu họ lại.
"Người tôi yêu đó sao?"
Cô gái trẻ trung xinh đẹp ngày nào nói toàn những chuyện phim ảnh, văn thơ, nhạc họa, giờ cứ mở miệng ra là nói đến tiền. Chính họ cũng lần đầu phải đối diện với chuyện chi tiêu cho một gia đình, mới biết có nhiều khoản phải chi. Cô ta còn biết kêu ca với ai ngoài chồng? Chính phụ nữ cũng không ngờ khi cuộc sống có thêm một người đàn ông lại phức tạp đến vậy. Cứ dọn được chỗ này lại bày ra chỗ kia khiến không thể không vừa làm, vừa nói luôn mồm. Đó là chưa kể không ít người nghĩ bây giờ mình có chồng rồi còn trưng diện với ai, thay đổi đến nỗi chồng tưởng yêu một người lại lấy phải một người khác!
Đàn ông mới kết hôn thường chưa quen với tình trạng mình đã có một người vợ ở nhà, vẫn tưởng mình muốn đi đâu thì đi và muốn về lúc nào thì về. Nhất là những người lấy vợ muộn, đã quen hít thở bầu không khí tự do quá lâu, bây giờ bị "nhốt vào lồng" cảm thấy ngột ngạt. Có anh sau giờ làm việc vẫn không thể bỏ được thói quen ngồi quán bia với bạn bè. Nhưng rồi, quý ông vừa chia tay với những tiếng cười ha hả giữa bàn nhậu chưa lâu, phóng về đến nhà đã trông thấy bộ mặt nặng chình chịch của vợ, với bát đĩa ngổn ngang, con khóc ngằn ngặt và những lời phàn nàn không dứt. Anh ta cảm thấy mình không khác gì đang bay trên chín tầng mây bỗng rơi bịch xuống đất.
Chuẩn bị tâm lý để tránh sốc
Với nhiều người, khái niệm tình yêu và hôn nhân gần như đồng nghĩa. Vì có yêu mới kết hôn và đã là vợ chồng tất phải yêu nhau. Nhưng trong thực tế, hai khái niệm này là hai cực. Chúng ta kết hôn không chỉ vì tình yêu mà còn vì nhiều lý do khác. Chính vì thế, hôn nhân không thể lãng mạn như tình yêu. Nếu sau kết hôn, chúng ta vẫn đòi hỏi vợ chồng phải lãng mạn như đang yêu là phi thực tế. Nếu bạn muốn đôi môi vợ lúc nào cũng run rẩy như nụ hôn đầu và người chồng lần nào trở về nhà cũng với bó hoa trên tay thì chắc chắn bạn sẽ thất vọng.
Nghiên cứu cho thấy, khả năng thích nghi với hôn nhân của phụ nữ thường tốt hơn đàn ông. Bởi vì, sau kết hôn tuy cả hai vợ chồng cùng thay đổi, nhưng trong khi đàn ông không thay đổi bao nhiêu thì phụ nữ khác đi cả từ nội dung đến hình thức. Biết được điều đó sẽ rất có lợi cho các đôi vợ chồng trẻ. Người vợ sẽ biết cách để mình không thay đổi quá nhanh, để chồng đỡ bị "sốc" về tâm lý. Mặt khác, người đàn ông cũng chuẩn bị tinh thần để chuyển dần từ một chàng trai tự do hào hoa phong nhã thành người đàn ông cần mẫn chỉn chu, quen dần với hạnh phúc của người có vợ, khỏi nảy sinh ý nghĩ tiêu cực là biết thế cứ sống độc thân còn hơn!
Thanh Tùng (Chuyên gia tâm lý)