Thứ lấp lánh mê hoặc

Mỗi năm, vào hai ngày 8/3 và 20/10, nhiều phụ nữ được tặng quà. Nhiều phụ nữ mong được tặng quà. Nhiều phụ nữ chờ đợi được nhận quà. Nhiều phụ nữ đòi hỏi được tặng quà. Chỉ một chữ “được” đã khái quát cả tinh thần ngày 8/3 thực tại: Tương quan giữa kẻ cho và kẻ nhận là tương quan giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, kẻ ban phát và kẻ thụ nhận.  

Người ta thường nói rằng, những món quà tặng chị em trong Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam là để thể hiện sự yêu thương – trân trọng – biết ơn – tôn vinh… công lao, đóng góp của phụ nữ cho gia đình và xã hội.

tangqua1.jpg
Ảnh minh họa: PX

Tôi thì thấy hơi kỳ cục mỗi lần được đàn ông (có khi là cả phụ nữ) tặng quà cho mình trong những ngày này. Món quà thường nhắc tôi nhớ tới mấy câu vè hài hước, kiểu “hôm nay mồng tám tháng ba, tôi giặt hộ bà cái áo của tôi…”.

Cái ánh kỳ ảo tỏa ra khi một đàn ông từ tốn và hơi căng thẳng nâng món quà, một phụ nữ hơi bối rối, xúc động chìa tay nhận, hấp dẫp cả chính người trong cuộc, hẳn bắt nguồn từ vô thức giống loài đã phân định trên cơ sở sức mạnh cơ bắp thành hai phái mạnh và yếu.

Thứ lấp lánh mê hoặc ấy được nuôi dưỡng cháy sáng bằng phức cảm tích tụ qua hàng triệu năm lịch sử loài người. Nếu có lúc nào đó xuất hiện một phụ nữ phá vỡ trật tự xã hội, trở thành người đứng đầu, thì cũng chỉ là hiện tượng cá biệt, tồn tại trong một khoảng ngắn ngủi như tích tắc trong chiều dài thăm thẳm của thời gian.     

Còn đường để tiến, là chưa đến đích

Khi những người phụ nữ Mỹ đứng lên đấu tranh đòi quyền bình đẳng với nam giới, cốt tủy là vì vị thế “việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau” trong xưởng dệt. Đó là khởi nguồn của Ngày Quốc tế Phụ nữ, không phải là sự phù phiếm lộng lẫy của những bó hoa, những món quà.

Một phụ nữ có bằng thạc sĩ, ấp ủ giấc mơ giảng viên đại học, nhưng chồng cô chỉ muốn cô làm bà mẹ toàn thời gian. Tôi biết hơn một phụ nữ như thế.  

Một trăm năm lịch sử của ngày 8/3 là quá ngắn ngủi so với hàng ngàn năm lịch sử loài người hiện đại, nhưng quãng thời gian đó đã mang lại những thay đổi khó có thể hình dung cho vị thế của phụ nữ trong nhiều xã hội.

Hình dung từ lúc phụ nữ Pháp bị cấm mặc quần (1800) cho tới lúc (2021) nhiều đàn ông và phụ nữ Đức tham gia cuộc biểu tình ủng hộ quyền để ngực trần của phụ nữ, có thể thấy nhận thức về giới đã tiến những bước dài thế nào. Nhưng còn đường để tiến, nghĩa là vẫn chưa đến đích!

Về ngày 8/3 và 20/10, nhiều người nói vui: Mỗi năm, phụ nữ có 2 ngày, 363 ngày khác là của đàn ông. Hay nói theo kiểu vui khác: Mỗi năm, phụ nữ có 2 ngày được tôn vinh, đàn ông chẳng có ngày nào. Thật bất công cho đàn ông!

Và thế là, trong nỗ lực bình đẳng giới, chúng ta đã phủ lên ngày 8/3 và 20/10 ngào ngạt hương thơm, muôn hồng ngàn tía quà và hàng ngàn lời chúc tụng ướp đầy mật ngọt.

Lớp trang trí đẹp đẽ đến nỗi phụ nữ mãn nguyện khi được là “phái yếu” và ngoan ngoãn ở yên trong đó. Nên cô gái trẻ khó chịu khi được một người đàn ông nhường ghế trên xe bus lại thành thiểu số.