Khi dịch bệnh do chủng virus corona mới lây lan, nhiều báo cáo khoa học cho rằng, động vật hoang dã đã mang virus này và lây sang người. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể xác định virus này có thể đã lây qua dơi, tê tê hay một loài động vật hoang dã nào khác.
Các nhà khoa học cho rằng virus corona có thể lây qua động vật hoang dã
Một báo cáo quốc tế từ năm 2012 cho thấy, 56 mầm bệnh thường gặp có nguồn gốc từ động vật và đã gây ra 2,5 tỷ ca nhiễm, 2,7 triệu người tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Tiêu biểu phải kể tới bệnh dại, bệnh sốt Q, sốt xuất huyết, cúm gia cầm, Ebola và bệnh than.
Trong đó, những bệnh lây qua đường hô hấp là nguy hiểm nhất. Trên thế giới từng có những bệnh gây ám ảnh cho loài người như đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918 khiến 50 triệu người chết, dịch Cúm Hồng Kông năm 1968 khiến 700.000 người tử vong.
Để lý giải cho sự tàn phá khủng khiếp của các chủng virus có nguồn gốc từ động vật, giới khoa học đã đưa ra nhiều giải thuyết.
Virus từ động vật là những tác nhân lạ đối với hệ miễn dịch của con người
Muốn chống lại mầm bệnh nào, cơ thể con người phải được tiếp xúc và dần dần sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh đó. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch của chúng ta hoàn toàn xa lạ với Covid-19.
Hầu hết vi sinh vật và mầm bệnh sẽ bị tiêu diệt không lâu sau khi xâm nhập cơ thể người, nhưng chỉ cần một vài trong số đó sống sót cũng đủ gây tai họa cho vật chủ.
Động vật đủ “khỏe” để chống lại mầm bệnh, con người thì không
Hiển nhiên giới khoa học đã từng thắc mắc, vì sao virus có thể giết chết con người, trong khi động vật hoang dã lại không? Dù cùng là vật chủ, nhưng ảnh hưởng của “vật ký sinh” lên con người và động vật là khác nhau.
“Virus không tiêu diệt ngay vật chủ vì sinh mạng của vật chủ cũng là sinh mạng của virus. Khi vật chủ chết đi, chúng cũng sẽ không còn cơ hội lây lan sang cá thể khác. Thậm chí, một số loại virus đã thích nghi hoàn toàn và không hề gây hại tới vật chủ”, Giáo sư Christopher Coleman, chuyên gia về Miễn dịch tại ĐH Nottingham (Anh) cho hay.
Con người bị đánh bại bởi chính hệ miễn dịch của mình
Quá trình viêm nhiễm nói riêng và quá trình miễn dịch nói chung nhằm giúp bảo vệ con người. Thế nhưng trong một số trường hợp, phản ứng miễn dịch quá mạnh mẽ sẽ gây hiện tượng “quá mẫn”. Lúc này, các tác nhân miễn dịch tấn công chính cơ quan mà chúng bảo vệ, khiến cả hệ thống sụp đổ và khiến con người tử vong.
Ở một số loài vật lại không như vậy. Ví dụ như loài dơi, chúng có một cơ chế rất hoàn hảo giúp bản thân sống sót trước nhiều tác nhân. Hệ miễn dịch độc đáo của loài dơi đến nay vẫn được giới khoa học nghiên cứu.
Tóm lại, nhiều loài động vật mang trong mình mầm bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, việc thu hẹp không gian sống đã khiến động vật hoang dã tiếp xúc thường xuyên với con người hơn.
“Hơn 75% các bệnh truyền nhiễm mới có nguồn gốc từ động vật hoang dã”.
“Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là bảo vệ con người khỏi đại dịch Covid-19, sau đó tiến tới giải quyết vấn đề môi trường sống và đa dạng sinh học. Trong quá khứ, có rất ít mầm bệnh nguy hiểm lây từ thú rừng sang người.
Tuy nhiên, hiện nay không gian hoang dã ngày càng bị thu hẹp. Động vật có những tiếp xúc bất thường với con người, cho nên việc các dịch bệnh mới dễ dàng lây lan là điều không thể tránh khỏi”, Giám đốc môi trường của Liên Hiệp Quốc, bà Inger Andersen nói.
Trong quá khứ đã có Ebola, MERS, hiện tại có Covid-19 và trong tương lai sẽ có nhiều dịch bệnh khác nếu con người tiếp tục đẩy thiên nhiên vào đường cùng.
Trường Giang (Theo Medical News Today, The Guardian)
Ảnh chụp nCoV đang “giết chết” tế bào con người
Mới đây, các nhà khoa học đã công bố những hình ảnh quá trình nCoV phá hủy tế bào con người, làm sáng tỏ hơn sự nguy hiểm của chủng virus này lên cơ thể vật chủ.