Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, doanh số smartphone đang trên đà suy giảm trông thấy. Lượng smartphone bán ra tại Trung Quốc và Ấn Độ từng có thời điểm bùng nổ trong khoảng một thập kỷ trước. Ước tính đã có hàng trăm triệu khách hàng mua smartphone lần đầu tiên trong suốt 10 năm qua.

Tuy nhiên khi thị trường bão hòa và nhu cầu người tiêu dùng không còn cao, sự suy giảm là điều đã được dự báo từ sớm. Đó là chưa kể, người tiêu dùng tại các thị trường phương Tây như Mỹ và Châu Âu cũng dần hình thành tâm lý "ăn chắc mặc bền" và hạn chế nâng cấp smartphone quá sớm.

Vậy thực tế, nguyên nhân gì đã khiến nhiều người tiêu dùng bắt đầu nảy sinh tâm lý thận trọng và ít nâng cấp smartphone đời mới hơn so với trước kia. Hãy cũng điểm qua một số lý do được trang Android Authority liệt kê dưới đây:

Với tâm lý người tiêu dùng, ít ai có thể tưởng tượng có một ngày mức giá của một chiếc smartphone như Galaxy Note8 hay iPhone X có thể chạm tới ngưỡng 1000 USD.

Nhưng dưới góc độ của các nhà phân tích thị trường và nhà sản xuất, việc smartphone ngày càng trượt giá và số tiền phải bỏ ra cho một chiếc smartphone cao cấp như vậy không có gì lạ. Một phần bởi chi phí nhân công, nguyên vật liệu và công nghệ mới ngày càng tăng.

Mặt khác, việc đẩy giá cao của một số thương hiệu đã định hình trong lòng công chúng như Apple còn là cách để thể hiện sự đẳng cấp của sản phẩm.

Nhưng rõ ràng ở chiều ngược lại, đại bộ phận người tiêu dùng không hề muốn một chiếc smartphone ngày càng đắt, đặc biệt không phải ai cũng đủ hầu bao để chạy theo những chu kỳ nâng cấp đắt đỏ theo năm, 18 tháng hay 24 tháng như vậy.

Nếu bạn nghĩ rằng, chỉ vì không đủ tiền mua smartphone cao cấp, người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua những mẫu smartphone giá rẻ hoặc tầm trung. Suy nghĩ đó dường như không hề đúng hoàn toàn. Có một thực tế rằng, nhiều người vẫn muốn sở hữu những chiếc smartphone đắt tiền và cao cấp hơn.

Dữ liệu thống kê từ một hãng phân tích cho thấy, 1/8 smartphone bán ra trong Q3/2017 sở hữu mức giá trên 900 USD, cao gấp đôi so với Q3/2016.

Nói cách khác, người tiêu dùng dường như vẫn muốn mua những chiếc điện thoại đắt tiền hơn nhưng họ sẽ cố trì hoãn "sự thèm muốn" đó cho tới khi cảm thấy đủ dư giả.

Một yếu tố khác cũng tác động tới tâm lý của người mua là mức giá, mẫu mã của những mẫu smartphone giá rẻ, tầm trung ngày càng hấp dẫn, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy, chu kỳ nâng cấp tại thị trường này đang ngày càng trở nên dài hơn. Điều này chủ yếu do tác động của các hãng sản xuất nội địa Trung Quốc như Oppo, Vivo và Xiaomi.

Là các thương hiệu nội địa nên chi phí sản xuất thấp, giá cả cạnh tranh hơn và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ những điều đó. Ở các phân khúc cao cấp, Apple và Samsung vẫn vững vàng với những chiếc smartphone giá ngàn đô nhưng không phải ai cũng sẵn sàng bỏ tiền nâng cấp.

Trong khi đó ở phân khúc tầm trung và giá rẻ, nơi những tay chơi mới như Oppo, Vivo, Xiaomi thỏa sức làm mưa làm gió, xu hướng nâng cấp smartphone dường như lại khá nhộn nhịp và thường xuyên hơn.

Sự khác biệt về công nghệ giữa các đời smartphone đang ngày càng bị thu hẹp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến suy nghĩ muốn lên đời dế yêu của nhiều người chỉ vừa chớm nở đã nhanh chóng vụt tắt.

Những bước nhảy vọt lớn về công nghệ xử lý, dung lượng lưu trữ và chất lượng camera mà chúng ta thấy cách đây 3-4 năm giờ đã không còn.

"Camera chụp ảnh còn đẹp và nét như vậy thì tội gì phải nâng cấp" là tâm lý phổ biến của nhiều người chưa muốn mua smartphone mới

Mặc dù các nhà sản xuất vẫn đều đặn tung ra các tính năng mới qua mỗi lần nâng cấp, mặc dù vậy, chúng dường như chúng không đủ sức tác động đến trải nghiệm người dùng như trước. Đơn cử như các tính năng chống nước hoặc camera kép giờ đây đã không còn là điều quá xa lạ với nhiều người.

Ngay cả với tính năng chống nước hay thiết kế kim loại và kính, chỉ cần điểm lại những model smartphone cách đây 2-3 năm, bạn vẫn sẽ tìm được kha khá những cái tên như Xperia Z5 hay Galaxy S6.

Cả những đời iPhone gần đây đều đã có thể chống nước nhẹ

Nói như vậy đủ để thấy, khi mà chiếc smartphone của người dùng vẫn còn chip xử lý đủ mạnh, dung lượng bộ nhớ từ 32GB trở nên vẫn còn thừa thãi thì chắc chắn rằng, ít ai muốn nâng cấp smartphone mới nếu chúng không thực sự có điều gì đặc biệt và đủ thu hút.

Tuy các nhà sản xuất đang nỗ lực tung ra các chiêu bài thu hút mới như trợ lý ảo Google Assistant hay Alexa, Bixby để thu hút khách hàng. Nhưng rõ ràng, dưới góc độ người tiêu dùng hiện nay, chúng nhất quyết chưa phải là một trong những tiêu chí để khiến họ cân nhắc.

Phần cứng smartphone đã bắt đầu tới giai đoạn "trưởng thành" và người tiêu dùng có cơ sở để "tự răn" mình không nên nâng cấp smartphone quá sớm nếu không cần thiết.

Nhưng vẫn có những ngoại lệ khiến người tiêu dùng buộc phải thay đổi quyết định. Sau một thời gian, các bản cập nhật hệ điều hành iOS và Android sẽ không còn hỗ trợ cấu hình đời cũ. Đó là lý do buộc người dùng phải tính tới việc mua máy để có được trải nghiệm mới.

Nhờ công nghệ modem ngày càng tiên tiến, đặc biệt các hãng đi đầu như Qualcomm và MediaTek đều chú trọng phổ cập 4G tới mọi smartphone từ giá rẻ tới cao cấp. Bởi vậy, khi 4G đang trở thành tiêu chuẩn kết nối di động của cả thế giới, mọi người dùng từ bình dân tới cao cấp đều bình đẳng như nhau.

Lẽ dĩ nhiên, đây là một phần nguyên nhân khiến những người có suy nghĩ chỉ sử dụng điện thoại với mục đích nghe gọi, lướt web tốc độ cao không còn mấy quan tâm tới việc nâng cấp smartphone.

Nhưng công nghệ 5G chắc chắn sẽ trở thành yếu tố chính thúc đẩy doanh số smartphone tăng trở lại trong tương lai. Tất nhiên phải kèm theo điều kiện khi hạ tầng viễn thông đủ khả năng đáp ứng và có những nhà sản xuất đi tiên phong tích hợp modem 5G vào trong smartphone.

Quyết định mua smartphone phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó giá bán và tính năng công nghệ là hai yếu tố quan trọng nhất. Ngay cả khi không đủ các tiêu chí trên thì việc bỏ hầu bao cho một chiếc smartphone mới với màn hình đẹp và pin trâu hơn,…vẫn là một khoản đầu tư khá xứng đáng.

Nhưng trên hết, hãy cố gắng cân nhắc tất cả các tiêu chí trước khi quyết định mua máy mới. Bởi như đã nói ở trên, cấu hình, công nghệ mới trên smartphone đã bước vào giai đoạn bão hòa.

Nếu không thực sự muốn trải nghiệm một tính năng mới nào đó, hãy thử suy nghĩ theo chiều hướng "" với chiếc smartphone đang có và cố gắng chờ đợi cho tới khi bản thân cảm thấy bị thôi thúc nhất.