- Trong khi điểm chuẩn đại học 2017 của các trường tăng so với năm ngoái, thì điểm chuẩn của các trường sư phạm không nhiều biến động, thậm chí một số trường còn giảm.


Điểm chuẩn 12,75 là... bao nhiêu điểm?

Khi Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) công bố điểm chuẩn, nhiều người ngỡ ngàng vì con số này ở mức rất thấp. Tất cả các ngành đào tạo sư phạm như Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hoá học có điểm chuẩn là 12,75 (quy chuẩn). Một số ngành khác như Sư phạm Toán học, Sư phạm Địa lý cũng chỉ ở mức 16-16,5 điểm. 

Nhiều thành viên trên diễn đàn của trường bày tỏ sự bất ngờ với mức điểm chuẩn thấp kỷ lục của trường. 

{keywords}
Điểm chuẩn của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế)

Anh N.P.T đặt câu hỏi “Trong khi điểm chuẩn các trường năm nay ở mức rất cao; có những thí sinh thi 30 điểm chưa đậu, có thí sinh 29,5 điểm còn rớt đại học; các ngành công an, quân đội, kinh tế, kỹ thuật máy tính, báo chí, du lịch toàn trên 26 điểm nhưng một ngành rất "danh giá" như sư phạm lại thấp hơn cả điểm sàn Bộ GĐ-ĐT. Vì sao nên nỗi?”.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao điểm chuẩn của Trường ĐH Sư phạm Huế ở dưới mức điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định...

Để trấn an, chủ diễn đàn đã đưa ra lời giải thích “Do cách tính điểm năm nay theo thang điểm 30, khác với các năm trước theo thang 40 nên nhiều bạn cho rằng điểm thấp. Thực tế, điểm chuẩn có thấp nhưng không đến nỗi”.

Lý giải vấn đề này với VietNamNet, ông Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế khẳng định, điểm chuẩn trường công bố một số ngành là 12,75 (quy chuẩn) nhưng không có nghĩa là tổng ba môn xét tuyển dưới điểm sàn như nhiều người nhầm lẫn.

Ông Phương cho biết đó đó là cách tính riêng của điểm xét tuyển năm nay khi nhập vào phần mềm của Bộ. Theo đó, điểm quy chuẩn của từng ngành xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = ((môn 1 x 2 + môn 2 + môn 3) x 3)/4 + điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó môn 1 là điểm môn chính, còn môn 2 và môn 3 là điểm các môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển. Như vậy với điểm quy chuẩn là 12,75 thì tương đương với điểm môn chính thấp nhất là 1,25, và điểm tổng ba môn tương đương thấp nhất là 15,5 điểm. 

Còn điểm không quy chuẩn được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = môn 1 x 2 + môn 2 + môn 3 + điểm ưu tiên (nếu có) (tức là môn chính nhân 2).

Điểm chuẩn các ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Huế thấp nhất là 15,5 (bằng điểm sàn), chứ không phải dưới điểm sàn" - ông Phương khẳng định.

Điểm chuẩn không dưới điểm sàn, nhưng ông Phương cũng thừa nhận điểm chuẩn các ngành sư phạm năm rất thấp. So với điểm chuẩn năm 2016, dễ nhận thấy nhiều ngành sư phạm của trường có chuẩn giảm mạnh như ngành Sư phạm Toán giảm 5,5 điểm, Sư phạm Hoá giảm 3 điểm. 

Tôi nghĩ những người vào sư phạm đều rất tâm huyết và đều muốn trở thành giáo viên. Chúng tôi vẫn đang cố gắng thay đổi mọi thứ từ giáo trình đến chương trình đào tạo để đáp ứng cho người học” – Ông Phương cho biết.

Trường sư phạm lớn không nhiều biến động

Trong khi đó, điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dao động trong khoảng từ 17,5 đến 27,75 điểm, nhưng mức thấp nhẩt của ngành đạo tạo sư phạm là 18 điểm. So với năm ngoái, điểm chuẩn các ngành đào tạo sư phạm của trường đều tăng từ 1-2 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm dạy Toán bằng tiếng Anh.

{keywords}
(Ảnh Lê Anh Dũng)

Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ngoại trừ ngành Sư phạm tiếng Nga, Sư phạm tiếng Pháp, Sư phạm Tin học có điểm chuẩn dưới 20, các ngành sư phạm khác đều có điểm chuẩn từ 23,5 trở lên. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Toán 26,25 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) có điểm chuẩn cũng "chấp nhận được". Ngoại trừ hai ngành Sư phạm Tin học và Sư phạm Sinh học có điểm chuẩn chỉ là 15,75 và 17,5, thì các ngành còn lại đều có điểm chuẩn từ 21,5 trở lên. Ngành Sư phạm Toán có điểm chuẩn cao nhất là 24,25 điểm. 

Điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng ở mức khá cao khi các ngành đào tạo sư phạm đều có mức điểm từ 20 trở lên như Sư phạm Tin, Sư phạm  Vật Lý, Sư phạm Hoá, Sư phạm Sinh (20,75 điểm). Riêng Sư phạm Toán học và Sư phạm tiếng Anh có điểm cao nhất là 24,25. Ngành Sư phạm Ngữ văn là 29 điểm (môn chính nhân hệ số 2).

Một số ngành sư phạm của Trường ĐH Cần Thơ như Sư phạm Toán, Sư phạm Hoá, Sư phạm Sinh, Sư phạm Văn cũng có điểm chuẩn dao động từ 21-24 điểm.

Sư phạm địa phương điểm thấp

Trong khi điểm chuẩn các trường đại học năm nay đều tăng, thậm chí có trường tăng tới 4-5 điểm, ngay cả các trường ĐH ngoài công lập cũng có trường tăng tới 6 điểm, thì ngành sư phạm ở các trường đại học địa phương điểm chuẩn lại rất thấp, đa số đều bằng điểm sàn.

Theo công bố của Trường ĐH Vinh, tất cả các ngành sư phạm đều lấy ở mức 15,5 điểm. Mức điểm chuẩn này của những ngành này thấp hơn năm ngoái 1,5 điểm.

{keywords}
Điểm chuẩn các ngành sư phạm- Trường ĐH Vinh

Ở phía Bắc, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) các ngành Sư phạm Địa lý, Sư phạm Lịch Sử, Sư phạm  Ngữ văn có điểm chuẩn nhỉnh hơn là ở mức 16-17 điểm. Các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Lý, Sư phạm Hoá, Sư phạm Sinh, Sư phạm Tin đều bằng sàn (15,5 điểm).

Tương tự, các ngành sư phạm của Trường ĐH Đồng Nai cũng có điểm khá thấp khi điểm chuẩn chỉ giao động từ điểm sàn tới 17 điểm. Hai ngành cao nhất của trường này là Sư phạm Toán và Sư phạm Văn 17 điểm.

Mức điểm chuẩn của các ngành sư phạm Trường ĐH An Giang cũng không khá hơn mấy. Ở trường này các ngành Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm  Địa Lý, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ Văn có mức điểm từ 18 đến 19, thì ba ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Lý, Sư phạm Hoá chỉ bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn điểm sàn.

Mức điểm chuẩn các ngành sư phạm của Trường ĐH Hải Phòng cũng không cao. Ngoại trừ hai ngành Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hoá, các ngành Sư phạm khác như Toán, Ngữ Văn, Địa lý cũng chỉ bằng hoặc hơn điểm sàn không nhiều.

"Điểm chuẩn các ngành sư phạm thấp là rất đáng ngại cho chất lượng giáo viên trong tương lai. Chất lượng đầu ra là kết quả của chất lượng đầu vào cộng với quá trình đào tạo. Trường đại học không thể đào tạo để sinh viên có đầu ra tốt nếu đầu vào quá kém.

So với các trường khác, điểm chuẩn của các trường sư phạm năm nay không cao, thậm chí một số trường rất thấp là tất yếu. Khi dư luận lên tiếng quá nhiều về việc thừa giáo viên và nhu cầu sử dụng giáo viên trong tương lai, đặc biệt giáo viên tiểu học và trung học sẽ phải cơ cấu lại là áp lực tâm lý rất lớn cho các gia đình cho con theo học sư phạm.

Mặt khác ngành sưu phạm không được dự báo nhân lực trong khi các ngành khác được dự báo nguồn nhân lực thường xuyên, đào tạo gắn với kinh tế đất nước có nhiều khởi sắc, trở thành ngành hót thì việc sinh viên từ chối ngành sư phạm là tất yếu".

(Nguyên lãnh đạo một trường sư phạm)

Lê Huyền