Cuộc tranh chấp tranh giành quyền điều hành tại Tập đoàn Trung Nguyên giữa vợ chồng ông bà chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên vốn thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Tài sản của Trung Nguyên trị giá bao nhiêu?
Thông tin mới nhất tại phiên xét xử ly hôn giữa 2 người, khối tài sản chung được định giá khoảng 7.750 tỷ đồng vẫn chưa thể phân chia. Bên cạnh các bất động sản có giá trị hàng trăm tỷ đồng và lượng tiền mặt, ngoại tệ, vàng bạc mà cả 2 người đang nắm giữ, thì số tài sản trên gắn mật thiết với giá trị tài sản mà Tập đoàn Trung Nguyên đang sở hữu.
Dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu thì số cổ phần trên có trị giá 5.654 tỷ đồng. Còn dựa theo báo cáo năm 2017, tổng tài sản của Trung Nguyên ở mức 5.696 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017.
Trong đó, vốn tự có của Trung Nguyên sau nhiều năm tích luỹ chiếm phần lớn với 4.641 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, chất lượng tài sản của Trung Nguyên là rất cao. Như vậy, trong trường hợp bên còn lại sẽ chuyển nhượng cổ phần sau khi toà có quyết định, thì giá trị của mỗi cổ phần Trung Nguyên sẽ có giá bao nhiêu?
Cơ cấu tài sản Trung Nguyên Group |
Hiện Tập đoàn Trung Nguyên vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, nắm quyền kiểm soát và điều hành 6 doanh nghiệp trong hệ thống gồm: CTCP cà phê Trung Nguyên Đắk Lắk (Trung Nguyên Group nắm 70%, ông Vũ 15%, bà Thảo 15%). CTCP hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên Group nắm 60%, bà Thảo 30% và 2 cổ đông khác 10%), CTCP Trung Nguyên Franchise (Trung Nguyên Group nắm 85%, ông Vũ nắm 15% cổ phần), Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê (Trung Nguyên Group chiếm 70%, ông Vũ 15%, bà Diệp Thảo 15%) và Công ty thương mại và dịch vụ G7.
Đặc biệt, trọng yếu nhất trong các công ty thành viên là cổ phần của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment). Bởi Trung Nguyên Investment đang nắm 70% cổ phần Trung Nguyên Group và có thể chi phối mọi hoạt động tại đây. Tại Trung Nguyên Investment, ông Vũ đang nắm 60% cổ phần, bà Thảo 30%, 2 cổ đông khác chiếm 10%.
Hiện tại, với số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, tương ứng 150 triệu cổ phiếu phổ thông (mệnh giá 10.000 đồng/cp), nếu làm phép định giá so sánh sẽ cho ra những con số tương đối.
Với mức lợi nhuận bình quân khoảng 600 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên mỗi cổ phần của Trung Nguyên là 4.000 đồng. Giả sử với mức định giá thông thường cho các doanh nghiệp cùng ngành với phương pháp giá trên thu nhập (PE) khoảng 20 lần thì mỗi cổ phần Trung Nguyên sẽ có giá 80.000 đồng/cp.
Với giả định như vậy, giá trị của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ được định giá ở mức khoảng 12.000 tỷ đồng. Hơn gấp đôi tổng tài sản của Tập đoàn này. Tuy nhiên, trên đây chỉ là đánh giá sơ bộ khi còn thiếu nhiều dữ liệu để có thể đánh giá toàn diện về giá trị của Tập đoàn này. Đặc biệt là định giá thương một thương hiệu có tuổi đời hơn 20 năm.
Kinh doanh có nguy cơ tiếp tục suy yếu nếu 'nội chiến' kéo dài
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Trung Nguyên cho thấy, bức tranh kinh doanh có phần xấu đi. Nếu loại trừ năm 2014 do Trung Nguyên có lợi nhuận bất thường do khoản lợi nhuận được kết chuyển từ các công con chủ chốt là Cà phê Trung Nguyên, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên tương đương với kết quả của năm 2015.
Trong hai năm 2016-2017, lợi nhuận của Trung Nguyên giảm so với trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí quản lý tăng lên mạnh cùng với việc công ty phải trích khấu hao vài chục tỷ đồng mỗi năm cho dàn siêu xe trị giá trăm tỷ đồng mà Trung Nguyên chi ra để thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt tặng sách cho sinh viên trên cả nước.
Hoạt động kinh doanh Trung Nguyên không tăng trưởng mấy năm liền |
Mặc dù vậy, bởi vì nhiều yếu tố mang tính nhất thời, việc tăng chi phí dẫn đến lợi nhuận suy giảm trong 2 năm 2016 – 2017 không phải là vấn đề mấu chốt. Điều quan trọng nhất ở đây đó chính là thị trường, thị phần mà doanh nghiệp này không thể tận dụng được trong những năm qua khi doanh số không tăng trưởng.
Không những vậy, nguy cơ mất dần thị phần vào tay những doanh nghiệp khác trên thị trường là rất lớn. Và khi những người chủ doanh nghiệp không thể tập trung cho hoạt động kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là Trung Nguyên sẽ về đâu? Tham vọng toàn cầu có thể thực hiện không khi mà ngay cả thị trường trong nước, cạnh tranh đã đến mức ngột ngạt.
Nếu trước đây, thị trường cà phê Việt chỉ vài cái tên chi phối như Trung Nguyên, Nescafe, Vinacafe… thì nay đã có sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Starbucks, The Coffee House, Highlands, Phúc Long, Passio…
Ngay cả các doanh nghiệp từ trước chỉ tham gia xuất khẩu nhân cà phê như Phúc Sinh cũng đã đầu tư nhà máy và cho ra đời các dòng sản phẩm cà phê nguyên chất Kcoffee, Blue Sơn La phục vụ cho cả trong nước và xuất khẩu…
Và trong khi Trung Nguyên giậm chân tại chỗ, thì 3 năm qua là quảng thời gian mà chuỗi cà phê Highlands Coffee tăng trưởng rất mạnh. Năm 2017, đơn vị này ghi nhận doanh thu 1.237 tỷ đồng, tăng đến 47% so với năm trước đó.
Do vậy, nhiều người lo ngại rằng, nếu xung đột nội bộ cứ kéo dài và công ty không tìm ra hướng phát triển đột phá mới thì nguy cơ bị các đối thủ cạnh tranh lấy dần thị phần là điều không tránh khỏi. Khi đó, giá trị tài sản của Trung Nguyên Group sẽ ở mức giá khác.
(Theo VTC News)