Trong thời gian gần đây, một số tuyến đường quê đã được trang bị hệ thống đèn năng lượng mặt trời để chiếu sáng thay vì đèn đường dùng điện lưới.
Góp phần vào thực hiện hiệu quả tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Một tuyến đường tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, dài hơn 1 km, có chưa đến 20 hộ dân, sau khi xin ý kiến các gia đình trong thôn, đoạn đường này được thiết kế 23 bóng đèn.
Sau khi hệ thống đèn đường chạy bằng năng lượng mặt trời lắp đặt xong, từ đầu tháng 6 đến nay, bốn nhánh đường khác trong thôn đã lắp đặt theo mô hình này và đưa vào sử dụng với trụ sắt cao 6 mét, chi phí thêm 400.000 đồng mỗi trụ và khoảng cách lắp đặt mỗi đèn cách nhau 25 mét. Các thôn khác đang tham khảo mô hình của thôn Hòa Trung và đang tiến hành triển khai.
Ông Nguyễn Đình Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, cho biết chính quyền xã rất hoan nghênh mô hình thắp sáng giao thông nông thôn bằng đèn năng lượng mặt trời của thôn Hòa Trung. "Việc thắp sáng bằng đèn năng lượng mặt trời cho các con đường trong thôn là hành động thiết thực. Bên cạnh việc giúp người dân dễ dàng sinh hoạt, mô hình này cũng tăng cường an ninh nông thôn, góp phần vào thực hiện hiệu quả tiêu chí xây dựng nông thôn mới", ông Vượng nhận định. "Chính quyền xã rất ủng hộ nếu có các tuyến đường khác sử dụng hệ thống đèn tương tự trong tương lai".
Đèn năng lượng mặt trời đã được triển khai ở 5 tuyến đường
Từ những khó khăn trong quá trình vận động xã hội hóa và thu tiền điện chiếu sáng ở các tuyến đường giao thông công cộng, huyện Xuân Lộc đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại một số nơi.
Tại xã Xuân Định, mô hình đèn đường năng lượng mặt trời đã được triển khai ở 5 tuyến đường với chiều dài khoảng 5km theo hình thức xã hội hóa, người dân đóng góp 50%, huyện hỗ trợ 50%. Hiện tại, Uỷ ban nhân dân xã đang vận động nhân dân đóng góp để triển khai mô hình chiếu sáng công cộng bằng năng lượng mặt trời ở 5 tuyến đường khác.
Đường Mã Vôi - Bưng Cần, ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai khi trời nhá nhem tối thì hệ thống đèn được bật sáng.
Tuyến đường dài 2km và cứ 30m lại có một đèn chiếu sáng. Điểm độc đáo của các trụ đèn này là không phải kết nối với hệ thống đường lưới điện quốc gia, đèn có thể sáng suốt đêm, ngay cả khi bị cúp điện, người dân được đi lại an toàn và thuận tiện mà không phải đóng tiền sử dụng điện hằng tháng.
Điện mặt trời chiếu sáng đường quê NTM Xuân Lộc |
Hơn 3 năm trước, nhiều tuyến đường nông thôn trong vùng được huyện đầu tư công trình đèn chiếu sáng. Thời gian đầu, người dân đóng tiền đều đặn hằng tháng. Nhưng càng về sau, việc thu tiền càng khó. Không chỉ tiền điện, ngay cả việc vận động người dân đóng tiền để thay bóng đèn hư hỏng, tu sửa các trụ điện gãy đổ cũng gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế này, chính quyền địa phương đã hình thành ý tưởng lắp đặt đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng các tuyến đường giao thông công cộng. Từ tháng giữa năm 2019 đến nay, người dân ấp Hòa Bình không phải đóng tiền điện chiếu sáng đường. Mỗi tháng một lần, sẽ có người kiểm tra kỹ thuật các bóng đèn, trường hợp bóng hỏng, không sáng sẽ gọi công ty đến thay thế bóng mới.
Hiệu ứng của công trình điện năng lượng mặt trời còn góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm điện, giữ gìn tài sản chung của người dân. Hiện tại, hằng ngày, người dân đảm nhận việc bơm nước tưới cho công trình đường hoa liên ấp. Ngoài ra, họ còn tham gia với ban ấp nhắc nhở người dân bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia tổ hòa giải của ấp.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Xuân Lộc cho biết, một số nơi trên địa bàn huyện đã và đang triển khai mô hình lắp điện mặt trời ở các tuyến đường giao thông nông thôn theo hình thức xã hội hóa chính quyền và nhân dân cùng làm hoặc các ban ấp tự vận động làm. Điển hình là các xã Bảo Hòa, Xuân Định. Bên cạnh đó, bà con nhân dân cũng tích cực tham gia xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu đáp ứng tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp, khu dân cư kiểu mẫu cho nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực tế cuộc sống đã cho thấy, việc ứng dụng đèn năng lượng mặt trời thay cho đèn điện lưới đối với các hệ thống thắp sáng công cộng ở nông thôn là đáng khích lệ vì có nhiều ưu điểm, như độ sáng cao, dễ vận hành, không cần kéo dây điện và hạn chế tình trạng chập điện.
Trần Hằng