Vẫn loay hoay khởi động
Trước khi có dịch, đôi ba tháng một lần, nhóm của Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) gồm mấy người bạn chơi thân với nhau, lại rủ nhau đi phượt. Gọi là phượt nhưng cả nhóm đam mê chinh phục những điểm đến khó, phải vượt rừng, băng suối hay leo qua những con núi dốc dựng ngược, như chinh phục đỉnh Phanxipăng, leo đỉnh Lảo Thẩn săn mây Y Tý (Lào Cai), đỉnh Chiêu Lầu Thi (Hà Giang),...
“Chiều thứ 6 chúng tôi xuất phát từ Hà Nội, đến tối muộn Chủ nhật lại về để thứ Hai đi làm. Đi nhiều lần rồi nên cả đoàn tự rút ra kinh nghiệm làm sao đảm bảo an toàn, cộng với sự hướng dẫn của thổ dân nên cũng yên tâm”, anh Dũng chia sẻ.
Khách nội địa đi du lịch mạo hiểm thường theo các nhóm nhỏ (ảnh viettrekking) |
Gần đây, du lịch mạo hiểm được rất nhiều du khách quan tâm và lựa chọn. Thế nhưng, khi đi các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn,... nhiều nhóm khách ưa “cảm giác mạnh” vẫn tự tổ chức đi rồi thuê người dân bản địa dẫn đường, phục vụ mang đồ, nấu nướng,...
Tại miền Trung, đặc biệt là tại Quảng Bình, tour khám phá hệ thống hang động phát triển khá rầm rộ, chuyên nghiệp, thu hút đông khách. Trong khi đó, khu vực Đông Bắc tuy rất có tiềm năng nhưng TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch (Tổng cục Du lịch), nhận xét, du lịch mạo hiểm vẫn chưa tìm được chỗ đứng. Đa phần vẫn ở dạng các tour du lịch mạo hiểm kết hợp du lịch truyền thống; nhân lực chất lượng chưa cao, chưa được đào tạo chuyên nghiệp.
Chưa kể, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt với du lịch mạo hiểm tại Đông Bắc còn non trẻ và còn nhiều điểm yếu. Cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực cũng đòi hỏi các địa phương phải đầu tư cao cho loại hình sản phẩm du lịch này.
Một ví dụ điển hình là Hà Giang. Tiềm năng của địa phương rất lớn, song các sản phẩm du lịch mạo hiểm mới ở giai đoạn đầu. Theo Sở VH-TT&DL Hà Giang, tỉnh mới chỉ có 2 dự án phát triển du lịch mạo hiểm đã và đang được đầu tư, gồm: Dự án dù lượn tại huyện Hoàng Su Phì và Dự án sản phẩm vui chơi giải trí đu dây hành trình trên cao (zipline) tại Khu nghỉ dưỡng Pa Piu, huyện Bắc Mê.
Tại Cao Bằng, các đơn vị, cá nhân khai thác dịch vụ du lịch mạo hiểm đa số tự phát hoặc quy mô nhỏ lẻ. Do địa phương chưa có hướng dẫn, quy định rõ ràng nên nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm phải tạm dừng hoạt động.
Leo đỉnh Lảo Thẩn (Lào Cai) để săn mây được nhiều nhóm khách ưa thích (ảnh hoileonui) |
Đội ngũ hướng dẫn viên, phục vụ du lịch tại các địa phương cũng là thách thức. Rất ít hướng dẫn viên bản địa đáp ứng được yêu cầu, hầu hết chỉ tham gia được với vai trò là người vận chuyển (porter).
Ông Cao Quốc Chung, Phó giám đốc Chi nhánh VIDOTOUR tại Hà Nội, cho rằng, du lịch mạo hiểm vùng Đông Bắc vẫn đang ở giai đoạn đầu, thậm chí được xem là “vùng trũng” du lịch, chưa được các nhà đầu tư chú trọng xây dựng, phát triển để khai thác sản phẩm du lịch. Nhưng cũng nhờ thế mà tiềm năng vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, là tiền đề để các nhà quản lý địa phương nghiên cứu quy hoạch, mời gọi đầu tư, xây dựng sản phẩm.
Đừng để tiềm năng bị “ngâm” mãi
Nghiên cứu của Research DIVE cho thấy, năm 2019 quy mô của thị trường du lịch mạo hiểm thế giới là 609 tỷ USD và dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 1.796 tỷ USD vào năm 2027, tương đương tỷ lệ tăng trưởng hàng năm vào khoảng 15%.
Châu Âu vốn là thị trường chủ đạo của du lịch mạo hiểm, chiếm 30% lượng khách đến châu Á. Mỗi năm, khoảng 100 triệu lượt khách châu Âu tham gia tour mạo hiểm, trong đó nhiều nhất là khách Đức và Anh.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch mạo hiểm, thu hút khách quốc tế, khu vực Đông Bắc vẫn còn rất nhiều hạn chế. Ông Cao Quốc Chung đánh giá, hạ tầng kết nối giao thông tại đây còn yếu, duy nhất chỉ có đường bộ nên để tiếp cận điểm đến, du khách phải bỏ ra từ 6-8 tiếng, tức 1 đến 2 ngày đường cho việc đi và về; các nhà đầu tư lớn chưa xuất hiện, dẫn tới các sản phẩm thô, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí thiếu an toàn, tính hấp dẫn và hiệu quả thấp.
Khách Tây Âu và Bắc Mỹ thường chọn du lịch mạo hiểm có độ khó cao, trung bình 15-30 ngày/chuyến đi (ảnh trekking tour) |
Hơn nữa, chưa có sự liên kết năng động và tích cực với các tổ chức/truyền thông/doanh nghiệp uy tín trong việc xây dựng và tổ chức các sản phẩm du lịch mạo hiểm theo dạng phong trào hoặc định kỳ.
Cơ chế, chính sách lựa chọn và cấp phép khai thác du lịch mạo hiểm tại các địa phương cũng chưa được quan tâm thỏa đáng. Nhiều điểm đến tiềm năng có vẻ như vẫn còn được “găm giữ”, chưa “chọn mặt gửi vàng” nhà đầu tư xứng đáng, để tiềm năng bị ngâm mãi.
Ngược lại, một số vốn quý lại được trao gửi cho nhà đầu tư không xứng tầm, vừa lãng phí tài nguyên vừa gây tổn hại đến môi trường sinh thái và tính bền vững của điểm đến, như việc xẻ núi xây chùa Lũng Cú hay dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn, cộm cán nhất là nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama ở Mèo Vạc mãi chưa giải quyết xong, ông Chung dẫn chứng.
Do đó, để thúc đẩy phát triển du lịch mạo hiểm tại các tỉnh Đông Bắc, Viện Nghiên cứu Du lịch đề xuất tăng cường liên kết giữa Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch với cơ quan quản lý các địa phương trong công tác xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch mạo hiểm.
Sở VH-TT&DL Hà Giang kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào du lịch mạo hiểm; rà soát, đánh giá tính khả thi và định hướng đúng đối với loại hình du lịch mạo hiểm có tiềm năng phát triển. Đồng thời, có cơ chế để tránh sản phẩm du lịch mạo hiểm trùng lắp giữa các địa phương, như tour dù lượn hầu như tỉnh nào cũng tổ chức.
Ngọc Hà
Ăn chơi thời Covid-19, bốn dạng khách sẵn sàng chi tiền
Du lịch hạng sang, du lịch MICE, du lịch cộng đồng và du lịch tại chỗ là 4 lĩnh vực tiềm năng mà du lịch nội địa Việt Nam có thể tập trung khai thác để tồn tại và phát triển hậu Covid-19.