Sophee Langerman (26 tuổi) đang đạp xe đạp ở khu phố Lakeview ở Chicago (Mỹ) vào một ngày đẹp trời tháng 6 thì bị một chiếc ô tô rẽ phải vượt đèn đỏ và tông vào, lúc đó cô đang đi gần lề đường nơi có vạch đường dành cho người đi bộ.

May mắn Langerman thoát khỏi chấn thương nghiêm trọng, nhưng chiếc xe đạp bị ô tô chèn lên gây hư hỏng. Ám ảnh với vụ tai nạn, Langerman có lý do để mong muốn chấm dứt "đặc quyền" đã diễn ra hàng thập kỷ tại nhiều thành phố ở Mỹ, nơi đã áp dụng luật phương tiện được rẽ phải khi gặp đèn đỏ.

Sự gia tăng đáng kể số vụ tai nạn chết người hoặc làm bị thương người đi bộ và người đi xe đạp đã dẫn đến vô số thay đổi về chính sách và cơ sở hạ tầng ở Mỹ, nhưng động thái muốn cấm rẽ phải khi gặp đèn đỏ đang nhen nhóm ở một số thành phố đã thu hút các quan điểm trái chiều.

Hội đồng thành phố Washington DC năm ngoái đã thông qua lệnh cấm rẽ phải nơi đèn đỏ và sẽ có hiệu lực vào năm 2025. Thị trưởng New Chicago Brandon Johnson cũng hưởng ứng và kêu gọi “hạn chế rẽ phải khi đèn đỏ”, nhưng hiện chưa rõ New Chicago liệu có tiếp bước theo Washington DC hay không. Ann Arbor, Michigan, một thị trấn đại học nhộn nhịp hiện đã cấm rẽ phải khi gặp đèn đỏ ở khu vực trung tâm thành phố. Giới chức San Francisco gần đây đã tổ chức bỏ phiếu để xem xét cấm rẽ phải nới có đèn đỏ trên toàn thành phố và các thành phố lớn khác như Los Angeles, Seattle và Denver cũng đã xem xét các lệnh cấm tương tự.

Langerman cho rằng nên sớm ban hành luật cấm thay vì để người lái xe tự quyết định có rẽ phải nơi đèn đỏ hay không, bởi họ sẽ bị phân tâm trước một thói quen được cho là an toàn lâu nay.

Nhưng Jay Beeber, giám đốc điều hành chính sách tại Hiệp hội Lái xe Quốc gia, một tổ chức vận động dành cho người lái xe, nói rằng sẽ là “sai lầm” nếu ban hành những lệnh cấm chung như vậy. Bởi nó không thể khiến giao thông an toàn hơn.

Ông trích dẫn một nghiên cứu sắp tới của Hiệp hội, phân tích dữ liệu các vụ va chạm ở California từ năm 2011-2019 và phát hiện ra rằng những người lái xe rẽ phải khi đèn đỏ chỉ gây ra khoảng 1 trường hợp tử vong cho người đi bộ và ít hơn 1 trường hợp tử vong cho người đi xe đạp trên toàn tiểu bang, xét trung bình theo 2 năm một lần.

Jay Beeber nói: "Sự thật đằng sau phong trào đòi cấm rẽ phải này là một phần trong kế hoạch nhằm biến việc lái xe trở nên khốn khổ và khó khăn nhất có thể, để mọi người chán và không muốn lái xe nữa”.

Tất nhiên, những người ủng hộ an toàn đã phản bác lập luận trên.

right on red bans.jpeg
Một biển thông báo không được rẽ phải khi gặp đèn đỏ, nhưng dường như vẫn bị lái xe ô tô phớt lờ. 

Mỹ là một trong số ít quốc gia lớn cho phép rẽ phải khi gặp đèn đỏ. Nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ Mỹ lo ngại rằng ô tô chạy không tải khi đèn dừng có thể gây ra khủng hoảng năng lượng, nên đã cảnh báo các bang vào những năm 1970 rằng họ có thể bị cắt ngân sách liên bang nếu cấm các phương tiện rẽ phải nơi có đèn đỏ, ngoại trừ những khu vực cụ thể, được đánh dấu rõ ràng. Mặc dù ngày nay, một điều luật từ quá khứ tương tự mang ý nghĩa tiết kiệm năng lượng là giới hạn tốc độ ở mức 55 dặm/giờ (khoảng 88 km/h) đã bị bãi bỏ từ lâu, nhưng quyền rẽ phải vẫn tồn tại.

Bill Schultheiss, giám đốc kỹ thuật của Toole Design Group, chuyên tư vấn cho các cơ quan giao thông công cộng, cho biết: “Đó là một ví dụ về chính sách không đi sát thực tế". “Nó có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở quá khứ, và thể hiện thái quá mà không tính đến toàn bộ hậu quả.”

Tuy nhiên, vẫn có những nơi trên nước Mỹ không cho phép rẽ phải ở khu vực đèn đỏ. Hầu hết các con phố ở New York đều có biển báo cảnh báo du khách rằng hành vi này bị cấm, nhưng thực tế vẫn chỉ là thiểu số so với nước Mỹ rộng lớn.

Theo một báo cáo quốc gia của Hiệp hội An toàn Đường cao tốc Mỹ, hơn 7.500 người đi bộ đã thiệt mạng vì bị ô tô đâm phải vào năm 2022, con số cao nhất kể từ năm 1981. Sự gia tăng đột biến, bao gồm tất cả các vụ tai nạn - không chỉ những vụ liên quan đến rẽ phải khi đèn đỏ, mà một phần còn do sự gia tăng các phương tiện lớn hơn như SUV và xe bán tải trên đường.

Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc phát hiện ra rằng khả năng người đi bộ thiệt mạng khi bị ô tô rẽ phải tông phải cao hơn 89% nếu xe gây tai nạn là loại bán tải và cao hơn 63% khi là xe SUV, do chúng có điểm mù lớn hơn, dẫn đến nguy cơ gây tử vong cao hơn. 

Cục quản lý an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia (NHTSA)trong một báo cáo năm 1994 gửi Quốc hội Mỹ đã dẫn dữ liệu va chạm trong 4 năm từ các bang Indiana, Maryland và Missouri và dữ liệu trong 3 năm từ Illinois, cho thấy đã có tổng cộng 558 vụ va chạm gây thương tích và 4 trường hợp tử vong do rẽ phải khi gặp đèn đỏ. Những người ủng hộ lệnh cấm chỉ ra rằng nghiên cứu này cho thấy sự nguy hiểm đã có trừ trước khi các phương tiện bùng nổ như hiện nay. Trong khi nghiên cứu mà Jay Beeber công bố lại đi ngược lại, ít nhất 96% thương tích của người đi bộ hoặc người đi xe đạp là nhẹ.

Dù còn tranh cãi nhưng đã có những nơi đi tiên phong, như thành phố Seattle năm nay đã đưa ra chính sách mặc định là cấm rẽ phải khi đèn đỏ. Điều này khiến các cư dân của Seattle cảm thấy nhẹ nhõm. Melinda Kasraie là một nạn nhân của tai nạn kể lại rằng bản thân đã phải phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối sau khi bị ô tô rẽ phải đâm trúng. Sau tai nạn, cô ấy phải từ bỏ công việc quen thuộc suốt 20 năm để chuyển đến một thị trấn nhỏ, bởi nỗi ám ảnh thường hiện hữu mỗi khi phải băng qua đường.

"Người lái xe đó chỉ cần dừng lại đợi 20 giây chờ đèn xanh bật lên, nhưng không, và 20 giây đó đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời của tôi", Kasraie nói.

Theo Carscoops

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên?  Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!