Theo nghiên cứu của Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thị hiếu công chúng ngày càng thay đổi, các sản phẩm truyền thông truyền thống chỉ sử dụng chữ viết đơn thuần khó có thể tiếp cận được với số đông công chúng.
Để khắc phục điều này, các tài liệu truyền thông dự thảo chính sách có thể lựa chọn hình thức tài liệu truyền thông trực quan (thông điệp kết hợp cả chữ viết, hình ảnh, đồ hoạ hoặc các phương tiện trực quan khác như video clip, mega-story…) hướng đến thu hút và tác động mạnh mẽ tới đa giác quan của người tiếp nhận, đặc biệt là kênh thị giác, nhằm tăng hiệu quả truyền bá và trao đổi thông tin dự thảo chính sách giữa cơ quan truyền thông và công chúng trong chu trình xây dựng chính sách công.
“Các yếu tố thị giác có thể gây ra những tác động mạnh đối với con người thông qua những dấu ấn chúng để lại trên não bộ. Đây là một trong những lý do khiến tài liệu truyền thông trực quan về dự thảo chính sách xuất hiện nhiều trong các kế hoạch truyền thông tổng thể để làm đậm nét thêm thông điệp truyền thông, tăng cường tần suất tác động và khả năng ghi nhớ thông điệp cần truyền tải. Việc lặp đi lặp lại thông điệp cộng thêm với tính năng ghi nhớ và lưu giữ thông tin sâu từ các tài liệu trực quan tạo nên hiệu quả tác động lớn đối với đối tượng cần truyền thông”, nghiên cứu của Khoa Tuyên truyền phân tích.
Tài liệu truyền thông trực quan về dự thảo chính sách có 3 đặc điểm riêng trong cách truyền tải thông điệp tới công chúng mà chủ thể truyền thông cần nắm được để thiết kế hình thức và biên soạn nội dung phù hợp. Đó là, truyền tải thông điệp một cách ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể và nhanh chóng; có khả năng tạo ấn tượng và tác động mạnh vào cảm xúc của đối tượng; giúp đối tượng ghi nhớ thông điệp và lưu giữ thông tin tốt hơn.
Nhằm giúp các chủ thể truyền thông phát huy hiệu quả của tài liệu truyền thông trực quan, mới đây, Khoa Tuyên truyền đã nghiên cứu và hoàn thiện chuyên đề “Kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách thông qua một số tài liệu truyền thông trực quan”.
Trong đó nêu rõ: Kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông trực quan về dự thảo chính sách thực chất là chuỗi hoạt động bao gồm các khâu lần lượt từ lên ý tưởng, thiết kế, soạn thảo nội dung và phát hành tài liệu truyền thông trực quan về dự thảo chính sách.
Kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông trực quan về dự thảo chính sách giúp cho chủ thể truyền thông lựa chọn loại hình tài liệu phù hợp với mục tiêu, đối tượng và chiến lược truyền thông; định hướng các bước tiến hành cơ bản nhất để xây dựng tài liệu hiệu quả, chất lượng, từ đó rút ngắn thời gian tiến hành, đảm bảo tiến độ của kế hoạch truyền thông.
Có nhiều cách để phân loại tài liệu truyền thông trực quan, dựa vào các tiêu chí khác nhau: Mục đích sử dụng, nội dung chủ đề, loại hình công nghệ sử dụng trong sản xuất, phương pháp tiếp cận và tiếp nhận thông điệp...
Một số dạng tài liệu truyền thông trực quan phổ biến có thể kể tới: Tờ rời, tờ gấp, khẩu hiệu, áp phích, infographic, bảng quảng cáo điện tử, video clip, mega story... Trong đó, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, áp phích là những loại hình sản phẩm truyền thông trên nền tảng công nghệ in ấn truyền thống. Infographic, bảng quảng cáo điện tử là những sản phẩm truyền thông mới đang ngày càng phổ biến, được sản xuất và sáng tạo bằng công nghệ hiện đại. Video clip và Mega story là những loại hình tài liệu truyền thông đa phương tiện được xây dựng trên nền tảng truyền thông số.
Chuyên đề nghiên cứu của Khoa Tuyên truyền cũng khuyến nghị khá chi tiết chiến lược sử dụng các tài liệu truyền thông trực quan về dự thảo chính sách.
Theo đó, nên sử dụng khi cần phổ biến thông tin đến đông đảo đối tượng, khi muốn nhấn mạnh thông điệp, tăng tần suất, hiệu suất tiếp nhận thông điệp về dự thảo chính sách đến đối tượng mục tiêu.
Nên sử dụng song song với các loại hình truyền thông và các kênh truyền thông khác, trên cơ sở đối tượng đã có hiểu biết nhất định về nội dung dự thảo chính sách.
“Hiệu quả của tài liệu không chỉ phụ thuộc vào thiết kế, nội dung thông điệp của tài liệu mà phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược sử dụng. Các yếu tố như: Đặc trưng của đối tượng mục tiêu; thời điểm phát hành tài liệu; địa điểm phát hành; tần suất sử dụng... có tác động lớn đến hiệu quả truyền thông, cần được tổ chức nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng trong xây dựng kế hoạch truyền thông”, nghiên cứu chuyên đề của Khoa Tuyên truyền lưu ý.