Các doanh nghiệp lớn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế
Tổng cục Thuế vừa tổ chức Hội thảo “Quản lý thuế doanh nghiệp lớn tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” nhằm làm rõ về vai trò, ý nghĩa của các doanh nghiệp lớn đối với nền kinh tế và thực tiễn của công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn hiện nay tại Việt Nam.
Nhấn mạnh về vị trí, vai trò của khu vực doanh nghiệp này, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, tính đến ngày 01/01/2020, Việt Nam có 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động; số doanh nghiệp có quy mô vốn kinh doanh trên 500 tỷ đồng là 7.192 doanh nghiệp.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số thu ngân sách nhà nước của 561 doanh nghiệp lớn do Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn quản lý lũy kế 9 tháng năm 2020 đạt 195,62 nghìn tỷ đồng, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 65% so với cả năm 2019.
Hôm 23/11/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội thảo “Quản lý thuế doanh nghiệp lớn tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” nhằm làm rõ về vai trò, ý nghĩa của các DN lớn đối với nền kinh tế và thực tiễn của công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn hiện nay tại Việt Nam. |
Trên thực tế, mặc dù các doanh nghiệp lớn đã và đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một cơ chế, chính sách ưu tiên dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này; các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, lao động hay giải quyết các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh… thường ưu tiên các đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14).
Bên cạnh đó, công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế hay giải quyết vướng mắc, xử lý khiếu nại về thuế hiện nay tại cơ quan thuế cũng không phân biệt theo quy mô hay nhóm người nộp thuế lớn.
Việc giám sát, đôn đốc thi hành sau thanh tra - kiểm tra chưa kịp thời, xuất phát từ thực tế là các khoản truy thu qua thanh tra được nộp vào tài khoản của các Cục Thuế địa phương, nên Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn không chủ động nắm bắt được khi nào số tiền thuế truy thu nộp vào ngân sách nhà nước nếu không liên hệ với Cục Thuế hoặc đề nghị doanh nghiệp cung cấp chứng từ nộp tiền.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Việc quản lý các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, công ty đa quốc gia tập trung tại một đầu mối chuyên sâu, sẽ mang lại hiệu lực, hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế lớn/khách hàng lớn.
“Như trong lĩnh vực Hải quan có phân luồng quản lý hàng hóa nhập khẩu luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ. Hay đối với các hãng hàng không lớn trong nhóm Skyteam có chính sách ưu tiên khách hàng theo các hạng thẻ: Platinium, Gold, Titanium, Silver; tương tự là các ngân hàng cũng phải có chính sách ưu tiên hỗ trợ khách hàng lớn …”, TS Nguyễn Đình Cung đưa ra ví dụ.
Đòi hỏi công tác quản lý thuế cần được nâng cao
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, khi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, xuất hiện nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, không chỉ là các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn cả các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước. Việc phát triển ngày càng lớn mạnh của các doanh nghiệp lớn đòi hỏi công tác quản lý thuế cũng phải được nâng cao, cơ chế hỗ trợ nhanh, điều phối kịp thời.
Do đó, đại diện VCCI cho rằng, đã đến lúc ngành tài chính và hệ thống thuế cần tổ chức lại công tác quản lý thuế với doanh nghiệp lớn. Cần phải có một tổ chức chuyên sâu, đủ mạnh để quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp lớn thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. VCCI thấy rằng, Tổng cục Thuế cần phải coi các doanh nghiệp lớn, những người có đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước, là những khách hàng “VIP” để có sự phân loại, ưu tiên trong phục vụ.
“VCCI thống nhất cao với chủ trương, đề xuất nâng cấp Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế với đầy đủ các chức năng về quản lý thuế để thực hiện hiệu lực, hiệu quả, hỗ trợ thống nhất, kịp thời cho các doanh nghiệp lớn trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước. Việc nâng cấp này không làm tăng đầu mối, không làm tăng biên chế của ngành thuế, phù hợp với yêu cầu, thực tiễn khách quan trong công tác quản lý thuế hiện nay”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Diệu Linh