Theo TS. Trà Văn Tung, giảng viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, hiện nay, ngành chăn nuôi heo đóng một vai trò quan trọng trong nguồn cung cấp thịt cho nhu cầu lớn của xã hội. Tuy nhiên, theo sự phát triển của ngành công nghiệp này, đã xuất hiện một lượng lớn chất thải từ chăn nuôi heo, phân heo, xác heo chết và nước thải tắm rửa heo. Vấn đề này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sinh quyển nói chung.
Hiện tại, với phân heo, đa phần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường.
Các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn cũng thu gom và đưa vào bể biogas, tuy nhiên, khí biogas này thường không được sử dụng mà đa phần thải bỏ trực tiếp ra ngoài môi trường, gây phát thải khí thải nhà kính. Nước thải sau biogas đưa vào hệ thống xử lý nước thải, nhưng bể biogas tích tụ lâu ngày sẽ gây ra hiện tượng tăng nồng độ Nitơ trong nước thải, có thể đạt đến 800 hay 1000 mg/L có thể vượt cao hơn, gây khó khăn cho hệ thống xử lý nước thải vì không đạt được chất lượng nước thải đầu ra. Khí Nitơ này khi xử lý bằng phương pháp tripping sẽ phát thải khí NH3 gây ô nhiễm môi trường.
Một số ít sử dụng phân heo sản xuất phân compost. Tuy nhiên trong quá trình ủ phân compost bằng vi sinh vật sẽ phát sinh một số hợp chất hữu cơ phát thải vào môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Với xác heo chết, theo quy định hiện hành là đốt bỏ. Tuy nhiên, một số trang trại hay hộ chăn nuôi vứt bừa bãi ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Ngay cả việc đốt bỏ xác heo cũng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn tài nguyên.
“Trong bối cảnh này, việc tái chế chất thải từ chăn nuôi heo thành phân bón không chỉ là một giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, mà còn mang lại nhiều lợi ích khác”, TS. Trà Văn Tung nhận xét.
Ông Tung cũng chỉ rõ những lợi ích mang lại của việc tái chế chất thải từ chăn nuôi heo: Giúp giảm áp lực phát thải lên môi trường và tận dụng tối đa tài nguyên; Giảm thiểu phát thải khí thải nhà kính từ việc sử dụng phân hóa học; Có thể chuyển hóa chất thải thành những sản phẩm có giá trị cao hơn, phục vụ lại các hoạt động sản xuất khác; Cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững trong tương lai; Giúp người nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư cho sản suất và nâng cao hiệu quả kinh tế…
Theo mô hình tái sử dụng chất thải trang trại chăn nuôi heo do TS. Trà Văn Tung nghiên cứu, có thể sản xuất các sản phẩm khác nhau từ nguồn thải chăn nuôi heo. Cụ thể, xác heo chết sẽ được thu gom và thủy phân thu hồi axit amin và các thành phần khác. Phân heo được chiết xuất thu hồi axit amin, axit fulvic, axit humic và các thành phần khác. Phần còn lại của phân heo sau khi chiết thu hồi các hợp chất nêu trên sẽ được sử dụng làm phân bón gốc hữu cơ (việc sản xuất phân hữu cơ từ phân heo theo phương pháp này giúp giảm thiểu phát thải các hợp chất hữu cơ bay hơi vào môi trường như phương pháp ủ phân compost, bên cạnh đó quy trình sản xuất phân hữu cơ cũng nhanh hơn so với các phương pháp khác). Dung dịch thu được từ thủy phân xác heo chết và chiết xuất các hợp chất hữu cơ từ phân heo sẽ được phối trộn chung làm phân bón lá, có thể bổ sung thêm các thành phần đa vi lượng. Phần xương heo dùng để sản xuất ra bột phốtphat canxi, đây là thành phần rất quan trọng trong việc điều chế các chất bổ xương. Ngoài ra, thành phần axit amin được thu hồi từ xác heo chết và phân heo có thể được thu hồi để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thức ăn cho tôm cá, nâng cao giá trị cho sản phẩm tái chế.
Nước thải từ trang trại chăn nuôi heo được tái sử dụng tưới cho vườn rau có sử dụng biochar để hấp thu các chất từ thải, các chất thải này sẽ được các vi sinh vật có trong biochar phân hủy và là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.
Mô hình của TS. Tràn Văn Tung được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu sự cố chất thải từ chăn nuôi heo.
Để phát huy hiệu quả của mô hình này trong thực tiễn, TS. Trà Văn Tung đề xuất các cơ quan chức năng tổ chức các chương trình đào tạo và huấn luyện nghề để bà con nông dân nâng cao kỹ năng quản lý và chăm sóc động vật, cũng như sử dụng hiệu quả các phương tiện và công nghệ mới trong ngành chăn nuôi heo; Khuyến khích và hỗ trợ triển khai các giải pháp thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, xử lý chất thải và quản lý phân bón…