Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số biện pháp cải thiện tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt-Trung.
Gần 1 vạn tài, phụ xe phơi sương, hứng nước từ cục lạnh… vạ vật chờ thông quan ở Lạng Sơn. Ảnh: Kiên Trung |
Hiện nay, mặt hàng tồn chủ yếu (chiếm tới 80-90%) tại các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc là hàng nông sản và thủy sản. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 1,58 tỷ USD, chiếm 34% trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này sang Trung Quốc (4,9 tỷ USD). Với thời gian thông quan lên đến 20-30 ngày như hiện nay, hầu hết hàng hóa nông, thủy sản này sẽ bị hỏng, dự kiến phải đổ bỏ, không còn khả năng tiêu thụ.
Ngoài ra, theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, tình trạng quá tải ở mọi bến bãi, cửa khẩu cộng với tốc độ thông quan chậm còn ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu khác, đặc biệt là hànglinh kiện điện tử, hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước (như lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ với ván bóc, gỗ bóc…), mà hiện các doanh nghiệp đang rất cần để gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký dịp cuối năm.
Một số tập đoàn sản xuất hàng điện tử lớn nhất Việt Nam cho biết, do linh kiện không thể nhập về qua cửa khẩu đường bộ theo kế hoạch mà lại không thể dừng dây chuyền sản xuất nên các doanh nghiệp đã phải ứng phó tạm thời bằng cách chuyển sang các phương thức vận chuyển khác tốn kém hơn như đường hàng không với chi phí đắt hơn 76% (chưa tính phụ phí dịch bệnh 15%).
Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng biện pháp này thì mức độ rủi ro bị chậm hàng, dừng hàng vẫn là rất cao, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại lớn nếu phải dừng dây chuyền sản xuất.
Ban IV đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đối với hàng hóa hiện đang ùn tắc tại các cửa khẩu, Chính phủ xem xét tiến hành một cuộc trao đổi cấp cao hơn giữa hai bên để cùng nhận diện nút thắt và đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp với mục tiêu là khẩn trương giải phóng lượng hàng hóa và xe tồn tại các cửa khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu hai nước dần trở lại bình thường trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Theo đó, đề xuất lãnh đạo Chính phủ xem xét trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc để bố trí cửa khẩu thông quan riêng cho hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước so với hàng nông, thủy sản; Phối hợp lực lượng chuyên môn hai nước để bàn giao theo đợt, giải phóng các xe hàng, công-ten-nơ, tài xế đang “kẹt” tại cửa khẩu hai bên.
Bên cạnh hoạt động đàm phán, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét giao các địa phương có các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid tại khu vực đệm này. Việc này nhằm phát hiện sớm và cách ly người/vật mắc covid ngay tại đầu vùng đệm, không để xảy ra tình huống phát hiện người/vật mắc covid-19 ở điểm giáp biên dẫn tới hành động “đóng biên tức thời” của phía Trung Quốc.
Đối với hàng nông sản sắp thu hoạch và chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ trong dịp cận Tết, Ban IV đề xuất Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương thông tin, làm việc với các địa phương trên cả nước để dừng tạm thời các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu, hướng dẫn người nông dân trì hoãn thu hoạch (nếu có thể) hoặc tiếp tục bảo quản tại kho, để chờ giải phóng bớt hàng ùn ứ hiện tại thì mới tiếp tục đưa hàng mới về các cửa khẩu...
Lương Bằng
Tắc hàng sang TQ : Buôn bán theo cách cũ, Việt Nam gánh phần thiệt
Tổng cục Hải quan cho biết nông sản xuất sang Trung Quốc vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.