Ngay cả trong tiết trời nóng nực cao điểm, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn không cần uống nước.
Cho con uống nước lọc là thói quen của rất nhiều mẹ Việt với quan niệm nước lọc rất lành, giúp bé sạch miệng, lại cung cấp thêm lượng chất lỏng vào cơ thể bé, nhất là trong tiết trời nóng bức, các mẹ thường sợ con bị mất nước. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không cần thiết và nếu cho bé uống quá nhiều nước sẽ dẫn đến hậu quả “khôn lường”.
Vì sao không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước?
Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu không cần thêm bất kì lượng nước nào nữa từ bên ngoài. Trong sữa mẹ đã chứa 88% là nước và cung cấp tất cả các lượng chất lỏng mà bé cần. Kể cả trong những ngày đầu tiên khi bé mới chào đời, trước khi sữa mẹ “về”, “sữa non” tiết ra từ vú mẹ đã giúp em bé hấp thụ đủ nước.
Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu không cần thêm bất kì lượng nước nào nữa từ bên ngoài. (Ảnh minh họa) |
Rất nhiều nghiên cứu khoa học về nhu cầu nước của trẻ đang bú sữa mẹ được thực hiện trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau, từ 22-41 độ C và độ ẩm từ 9-96%, tất cả những nghiên cứu này đều đi đến kết luận, sữa mẹ đã cung cấp đủ lượng chất lỏng cần thiết cho bé, kể cả trong thời tiết nóng ẩm khó chịu.
Viện Nhi Khoa Mỹ cũng khuyến cáo: “Không nên cho trẻ sơ sinh đang trong thời kì bú sữa mẹ uống các loại nước như nước lọc, nước đường glucose và các loại đồ uống khác, trừ khi có sự chỉ dẫn của bác sĩ do bé đang gặp vấn đề đặc biệt. Trong suốt 6 tháng đầu, kể cả trong thời tiết nóng bức, nước lọc và nước hoa quả là không cần thiết cho trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ mà còn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bé nhiễm độc hoặc dị ứng.”
Tương tự đối với trẻ uống sữa công thức, các chuyên gia cũng khuyên phụ huynh không cần phải cho con uống thêm nước lọc. Sữa công thức cũng đã cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho bé, kể cả trong tiết trời nóng bức.
Nguy cơ tiềm ẩn khi cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước
Tiêu chảy
Trẻ nhỏ hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa non yếu, dễ có nguy cơ bị tiêu chảy, nếu nguồn nước không đảm bảo đủ sạch. Trong khi đó, nguồn nước mà bé hấp thu trong sữa mẹ là sạch sẽ và đầy đủ nhất. Trẻ uống thêm nước có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn hai đến ba lần so với những trẻ chỉ bú sữa mẹ.
Suy dinh dưỡng, nhẹ cân
Nước không cung cấp calo nhưng khiến trẻ đầy bụng, biếng ăn, không thèm sữa, dẫn đến nhẹ cân, còi cọc. (Ảnh minh họa) |
Bé kém hứng thú với việc bú sữa mẹ hơn, mẹ vì thế mà cũng khó ra sữa, ít sữa hơn và sữa kém chất lượng hơn. Ngoài ra, nước không cung cấp calo nhưng khiến trẻ đầy bụng, biếng ăn, không thèm sữa, dẫn đến nhẹ cân, còi cọc.
Nhiễm độc nước
Thận của trẻ nhỏ còn chưa phát triển, cho bé uống quá nhiều nước khiến lượng sodium theo nước thoát ra ngoài cơ thể. Trẻ thiếu sodium dẫn đến các hoạt động của não bị ảnh hưởng. Biểu hiện đầu tiên của nhiễm độc nước là trẻ khó chịu, buồn ngủ, chóng mặt, tâm lí thay đổi, co giật. Nếu cha mẹ nghi ngờ con đã bị ngộ độc nước, phải liên lạc ngay cho bác sĩ.
Như vậy, đối với trẻ dưới trẻ 6 tháng tuổi và đang bú sữa mẹ hoàn toàn, các mẹ không cần và tốt nhất là không nên cho trẻ uống nước lọc. Với trẻ bú sữa công thức, có thể cho uống ngụm nhỏ tráng lưỡi sau ăn. Tuy nhiên khuyến cáo của các chuyên gia nhi là lượng nước không nên quá 30ml nước một ngày.
(Theo Khám phá)