Sau khi đăng tải quan điểm của chị Việt Anh về chuyện ngoại tình qua hai bài viết "Vợ không có quyền lên án người thứ 3 cướp chồng", "Ai bảo các chị thích lấy chồng đẹp trai, tài giỏi?", có rất nhiều độc giả gửi phản hồi về VietNamNet.
Rất nhiều độc giả bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình với quan điểm của chị Việt Anh, một tiến sĩ kinh tế, người đã nhiều năm nghiên cứu về hôn nhân, gia đình cả quốc tế và Việt Nam, và đề nghị chị Việt Anh tiếp tục tranh luận. VietNamNet đã chuyển phản hồi của độc giả và nhận được phúc đáp của tác giả Việt Anh.
Độc giả:
- Chị nói đúng "tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc" nhưng đó là hạnh phúc trọn vẹn chứ không phải thứ hạnh phúc vụng trộm, "cướp'' hoặc vay mượn của người khác! Bao đời nay tình cảm vợ chồng luôn được mọi người công nhận, còn tình cảm của người thứ ba luôn phải lén lút và vụng trộm. Bởi tình cảm vợ chồng được xã hội, pháp luật và gia đình công nhận.
- Mọi người có quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng không phải bằng cách cướp đi hạnh phúc của gia đình người khác.
Việt Anh: Chế độ một vợ một chồng mới có ở Việt Nam từ khoảng 70 năm nay chứ không phải từ bao đời như bạn nghĩ. Trước đó “trai năm thê bảy thiếp” là thường. Chế độ ấy có thể không phải là hình thái hôn nhân cuối cùng. Hiện nay ở phương Tây việc chung sống không kết hôn là phổ biến, hôn nhân có đăng ký ngày một suy giảm. Vai trò của giấy kết hôn ngày một kém. Việt Nam có thể cũng giống phương Tây trong tương lai gần.
Ảnh minh họa. |
Người Việt quá coi trọng hình thức cho nên cứ nghĩ rằng cứ có giấy đăng ký kết hôn là hạnh phúc. Nhiều cặp vợ chồng không còn tình yêu nữa nhưng ra đường cứ phải làm ra vẻ hạnh phúc. Thật ra, hạnh phúc hay không chỉ có chính bản thân người đó biết, bạn đời thậm chí cũng không biết. Thế nên mới có chuyện Tom Cruise bị sốc khi Katie Homes đòi li dị, bởi anh ta không biết Katie nghĩ gì trong đầu suốt một thời gian dài.
Chuyện công khai hay lén lút không nói lên một cặp đôi có hạnh phúc hay không. Ví dụ, hai vợ chồng đã ly thân, hoặc một người bị bệnh nặng, yếu sinh lý, hoặc đơn giản là quá chán nhau nhưng không bỏ được nhau vì lý do con cái thì cái gia đình đó không còn hạnh phúc trọn vẹn nữa. Và một người hoặc cả hai sẽ đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài. Như tôi đã giải thích, ngoại tình không phải là tội theo pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của nhiều quốc gia phát triển. Chỉ “chung sống như vợ chồng với người đã có gia đình” mới là phạm pháp. Xã hội không thể biết được một cặp đôi có thật sự hạnh phúc hay không bởi xã hội không thể chui vào đầu mỗi cá nhân để biết họ thật sự nghĩ gì.
Người Việt cần học tập phương Tây, bớt tin vào những thứ hình thức. Cần phải nghĩ rằng đời tư của người khác là bí mật mà mình không biết rõ. Không tùy tiện giả định rằng người ta đang kết hôn thì chắc chắn người ta đang hạnh phúc trọn vẹn.
Nhiều thứ tình cảm ngoại hôn rất đáng trân trọng, nếu không thì đã không có những bộ phim kiểu như “Cây cầu quận Madison”. Đàn ông là những sinh vật có lý trí. Nếu ông ta không thích thì chẳng ai cướp được ông ta đi đâu cả. Ông ta là người quyết định với ai và khi nào ông ta có hạnh phúc.
Độc giả: Tôi sợ chị Việt Anh quá: "Những người lên án chẳng qua không hiểu rằng chuẩn mực của xã hội Việt Nam chính là ngoại tình." Nói như chị, hóa ra chuẩn mực của xã hội Việt Nam thật xấu xa như thế sao? Con người ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, nhưng đạo đức con người sẽ giúp con người không chỉ sống bản năng và bất chấp đau khổ của người khác như thế. Đồng ý là mỗi gia đình mỗi cảnh, nhưng nếu hết yêu thương thì li dị, rồi muốn mưu cầu gì không ai cấm cả!
Việt Anh:Tôi đồng ý rằng trường học và truyền thông đại chúng vẫn cần phải giáo dục công dân về LÝ THUYẾT CHUNG: cố gắng không ngoại tình, bởi điều đó làm cho bạn đời đau khổ. Tuy nhiên nhu cầu tình cảm, sinh lý, khả năng kiềm chế, và hoàn cảnh gia đình của mỗi người mỗi khác. Thế nên mỗi người áp dụng lý thuyết đến đâu là việc riêng của họ, lương tâm họ tự phán xét. Giống như chúng ta được giáo dục dối trá là điều xấu, nhưng trên thực tế đối khi chúng ta vẫn phải nói dối. Những người ngoài cuộc nên chấp nhận sự đa dạng của cuộc sống, chấp nhận rằng hôn nhân là bí mật đời tư, và không tùy tiện lên án những người ngoại tình.
Độc giả: Thế ngoại tình có vi phạm đạo đức không? Giá trị cốt lõi của đạo đức xã hội là ở đâu? Giả sử ai đó lập ra một hội gọi là "ủng hộ ngoại tình" liệu xã hội có chấp nhận không? Nói gì cũng phải bàn đến vấn đề cốt lõi, đạo đức cơ bản. Không thể nào chấp nhận quan điểm của tác giả.
Việt Anh: Bạn kêu gọi chung chung “ủng hộ ngoại tình” thì ít người ủng hộ. Nhưng nếu bạn kêu gọi “ủng hộ ngoại tình khi gia đình không còn hạnh phúc, khi bản thân không còn hạnh phúc, khi bị lừa đảo, ép cưới, khi vợ chồng đã li thân” thì tôi tin sẽ có nhiều người ủng hộ. Chính vì xã hội không biết rõ về từng gia đình cho nên không nên tùy tiện lên án ngoại tình.
Tôi cũng không thấy ai thành lập hội “ủng hộ sự dối trá”, “ủng hộ sự tham lam”, “ủng hộ sự ích kỷ, nhưng hầu như tất cả chúng ta đều đã từng dối trá, tham lam, ích kỷ. Xã hội cần phải tuyên truyền những giá trị cao đẹp như trung thực, không tham lam, không ích kỷ. Tuy nhiên áp dụng vào từng trường hợp cụ thể như thế nào là việc riêng của mỗi người.
Nếu không hạnh phúc thì có nghĩa là vợ/chồng đang làm tổn hại đến lợi ích của người ấy. Ảnh minh họa |
Đạo đức thật ra là vấn đề lợi ích. Trong triết học không có khái niệm tốt xấu tự nó. Thông thường, khi một người làm tổn hại đến lợi ích của một người khác là xấu. Tuy nhiên, ta không thể biết rõ một người có thật sự hạnh phúc với vợ/chồng mình hay không. Nếu không hạnh phúc thì có nghĩa là vợ/chồng đang làm tổn hại đến lợi ích của người ấy. Người ấy đi ngoại tình là chuyện cân bằng lại lợi ích mà thôi.
Độc giả: Tôi là con của người bố ngoại tình để lại hậu quả (đứa con của nhân tình) cả mấy chị em tôi và đứa con kia đều chịu sự kì thị, soi mói của xã hội đến nỗi hồi nhỏ mọi người gặp chị em tôi hay đứa con kia là xì xầm bàn tán chúng tôi chẳng dám ngẩng đầu mà sống, đi học thì cúi đầu mà đi sợ người khác nhìn thấy. Đến giờ tất cả chúng tôi đã trưởng thành chị em chúng tôi có vẻ khá giả hơn, thành công hơn, nhưng nỗi đau ấy vẫn âm ỉ cả đời, giờ có gia đình rồi nhưng vẫn bị ám ảnh bởi người cha ngoại tình. Còn đứa con ấy cứ như là người thừa bị xã hội lên án, học hành không ra sao, tương lai cũng chẳng ra sao. Tôi chưa nói đến mẹ người đó gieo nhân thì con hái trái nhưng riêng việc bị người đời kì thị thì đứa con ấy mặc cảm, tự ti đã không ngóc đầu lên nổi rồi. Hết yêu thì li hôn, tôi tin ít có ai muốn níu giữ người không yêu mình chứ đừng cổ vũ việc ngoại tình.
Việt Anh: Nói như bạn thì ngay cả chuyện ăn cơm trước kẻng, không chồng có con, sống chung không kết hôn, yêu đương đồng tính, phá thai do thai nhi bị tàn tật, cũng phải chịu đựng những lời đàm tiếu cay nghiệt, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Trong khi cộng đồng tiến bộ thế giới lại cho rằng đó là quyền riêng của mỗi người.
Khi mà mọi người tự cho mình cái quyền soi mói, đàm tiếu, thậm chí chửi bới, mạt sát đời tư của người khác, nó thể hiện sự độc ác và lạc hậu. Đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Thay vì lên án ngoại tình, chúng ta cần phải cổ vũ cho việc coi hôn nhân, đời tư là bí mật. Coi việc hỏi han, đàm tiếu về đời tư của người khác là bất lịch sự.
Hôn nhân là việc riêng của hai người, không phải là việc của bố mẹ, thân quyến, họ hàng, làng xóm, chính quyền, hay đoàn thể, cho nên các đối tượng đó cũng không được quyền can thiệp.
Việt Anh