Sống sâu kể về hành trình tìm về chính mình và hạnh phúc của Tuệ Lạc, một nữ Phật tử 8x được NXB Công Thương giới thiệu “Cuốn sách của một vị cư sĩ đã từ bỏ sự nghiệp triệu đô của mình”, thu hút sự quan tâm của độc giả.
- Chào Tuệ Lạc, là một độc giả, tôi cũng rất tò mò về “Sống sâu” và việc từ bỏ sự nghiệp triệu đô của chị. Chị có thể “hé lộ” một chút về lựa chọn này?
Vâng, đúng như anh nói, đây là một sự lựa chọn, là tôi tự chọn con đường này cho mình. Có lẽ mỗi chúng ta rồi cũng có những thời khắc bất chợt được “ngộ”, đó là những mốc thời gian quan trọng trong đời khi quyết định chọn một ngã rẽ, một hướng đi, một con đường phù hợp hơn với giá trị cốt lõi của bản thân.
Khi đủ may mắn tìm thấy sứ mệnh hay lý tưởng sống chúng ta sẽ mạnh dạn đưa ra những lựa chọn sống vì điều gì, cần buông bỏ những thứ gì, nên rẽ về hướng nào, sống ra sao cho xứng đáng.
- “Sống sâu” là tựa sách thật ấn tượng. Lâu nay nhiều người bàn về sống nhanh, sống chậm, sống tử tế… Vậy sống sâu là một khái niệm như thế nào?
Đó là một khái niệm kết hợp khéo léo tất cả những khái niệm sống tích cực lại với nhau. Để sống đủ sâu, ta phải biết sống với chánh niệm trong mọi việc mình làm, cần sống trong sự tỉnh thức, phải biết rõ mình đang làm gì, nói gì. Để luôn cảm nhận bản thân và cuộc sống ở một góc độ sâu, mỗi người phải biết sống “chất” để không tự biến cuộc đời mình trở nên nhàm chán, vô vị.
Phải biết sống giá trị vì mỗi cuộc đời ta chỉ đi qua duy nhất một lần mà thôi; cũng cần sống tử tế, sống thiện lành để gieo nhiều duyên lành và được hạnh phúc. Phải biết sống không quá nhanh - không quá chậm, đủ cảm nhận được sự an lạc mà vẫn hiệu quả.
Áp dụng khái niệm sống sâu - deep living, tôi tin mỗi người có thể trở thành một phiên bản sâu sắc, chất lượng, "deep” (sâu) nhất của chính mình.
- Điều gì quan trọng nhất đối với chị lúc này?
Xin được phép trả lời bằng hai câu trong cuốn sách của tôi:
"Nếu có việc đầu tư nào chúng ta cần làm vào lúc này thì đó chính là đầu tư cho chiều sâu của tâm thức".
"Có vô số việc ta có thể chọn làm trong mỗi ngày cuộc đời mình, sao ta không chọn làm việc lớn, lợi mình lợi cả chúng sinh".
- Có nhiều người sẽ nghĩ từ bỏ sự nghiệp khi mình còn có thể cống hiến - đó là sự chạy trốn, điên rồ. Có ai đặt câu hỏi này với chị?
Có lẽ nên phân biệt giữa việc buông những ham muốn vật chất quá độ, biết đủ, không tham với sự trốn chạy hoặc cách sống thụ động.
Tôi nghĩ khi chúng ta buông bỏ những thứ thừa thãi cũng là để dọn chỗ trống và dành thời gian quý giá của mình cho những điều quan trọng và ý nghĩa hơn. Tôi xin được trích dẫn chia sẻ trong sách của mình:
"Quả thật là ngay khi buông tay, ta liền có tất cả rồi, ta có đủ thời gian để nhìn xa hơn, nghĩ lớn hơn, sống sâu hơn, ta có đủ tử tế để quan tâm, chăm sóc gia đình và mọi người, ta có đủ sức khỏe và sự minh mẫn để làm được nhiều việc cho đời, ta có đủ thảnh thơi để sống hạnh phúc, ta có đủ an nhiên để sống tự tại… Có dám buông ta mới thật sự trở nên giàu có".
Ngược lại với sự trốn chạy, không màng thế sự, tôi không ngày nào là không suy nghĩ về việc được cống hiến, được làm những việc lớn - lợi mình lợi cả chúng sinh.
- Với chị, hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc là khi ta được sống, được làm những việc theo những cách phù hợp với lý tưởng sống, giá trị sống hay còn gọi là Ikigai (một khái niệm trong văn hóa Nhật Bản, đề cập đến thứ/ điều gì đó mang lại cho mỗi người ý thức về mục đích, lý do tồn tại trong cuộc sống) của chính mình.
- Vậy theo chị, làm sao có được một cuộc sống thực sự hạnh phúc?
Hãy tìm một lý do chính đáng để sống, đừng sống cuộc đời này mà không biết tại sao.
Bên cạnh đó, hãy biết làm những việc thật giản đơn làm cho mình mỉm cười, đừng để cơm áo gạo tiền khiến cho tâm hồn ngày càng cằn cỗi đến nỗi bản thân quên mất cách sống sao cho hạnh phúc.
- Chị sẽ lại viết tiếp? Và chị bật mí một chút về tác phẩm của mình?
Nếu như Sống sâu 2 được tôi viết tiếp và xuất bản, cuốn sách ấy cũng không có những lời ngọt ngào hoa mỹ mà chỉ một chiếc đèn pin cũ kỹ cùng một cái nắm tay. Và tôi sẽ đưa bạn ra khỏi những góc tối tăm sâu khuất nhất của thế gian này.
Ảnh: NVCC