Thịt lợn được xếp vào loại thịt đỏ không lành mạnh. Tuy nhiên, đây là nguồn cung cấp một số chất dinh dưỡng nhất định, protein chất lượng cao. Nếu ăn ở mức độ vừa phải, thịt lợn có thể là bổ sung tốt cho chế độ ăn uống lành mạnh.
Dinh dưỡng
100g thịt lợn nấu chín chứa 297g calo, 26g chất đạm, 21g chất béo, không có chất xơ, đường, carbohydrates. Thịt lợn là nguồn cung cấp chất đạm, vitamin B1, B3, B6, B12, sắt, kẽm, phốt pho, selen.
Vitamin B1 cần thiết cho một loạt các chức năng của cơ thể, hàm lượng B1 trong thịt lợn cao hơn các loại thịt đỏ khác như thịt bò và cừu. Vitamin B6 và B12 tốt cho sự hình thành tế bào máu và chức năng của não.
Theo Webmd, thịt lợn còn là nguồn cung cấp sắt được hệ tiêu hóa của con người hấp thụ rất dễ dàng. Selen hỗ trợ chức năng tuyến giáp. 170g thịt lợn có đủ lượng selen khuyến nghị hằng ngày.
Thịt lợn nạc, nấu chín hoàn toàn, ăn ở mức độ vừa phải có thể mang lại những lợi ích nhất định.
Bảo dưỡng cơ bắp
Protein chất lượng cao trong thịt lợn là các axit amin hoàn chỉnh, giúp tạo cơ bắp mới. Khi già đi, chúng ta mất khối lượng cơ, điều này có thể dẫn đến các tình trạng như thiểu cơ - thoái hóa cơ nghiêm trọng.
Hấp thụ protein có trong thịt lợn có thể làm chậm hoặc đảo ngược tình trạng thiểu cơ. Thói quen ăn uống này có khả năng duy trì các mô cơ khỏe mạnh mà bạn đang có.
Tăng hiệu suất cơ bắp
Thịt lợn chứa axit amin beta-alanine, giúp cơ thể bạn hình thành hợp chất carnosine rất quan trọng đối với cơ bắp. Các nghiên cứu đã chỉ ra bổ sung beta-alanine liều cao được thực hiện trong 4-10 tuần dẫn đến mức tăng 40-80% lượng carnosine trong cơ bắp của một người.
Hàm lượng carnosine cao có liên quan đến giảm mệt mỏi và hiệu suất cơ bắp cao hơn.
Bên cạnh đó, ăn thịt lợn cũng để lại những tác hại, đặc biệt khi bạn tiêu thụ nhiều.
Chứa nhiều natri và chất béo bão hòa
Thịt lợn giàu một số vitamin và chất dinh dưỡng quan trọng nhưng cũng có thể chứa nhiều natri và chất béo bão hòa, hai yếu tố nên tránh trong chế độ ăn uống lành mạnh.
Nếu đang ăn kiêng ít natri do lo ngại về sức khỏe tim mạch và/hoặc tránh chất béo bão hòa, bạn nên tiêu thụ các loại thịt nạc, ít qua chế biến nhất có thể.
Một số sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn như thịt xông khói có chứa sulfat hoặc sulfit, chất bảo quản hóa học mà bạn nên hạn chế hết mức.
Cách bạn chế biến thịt lợn sẽ ảnh hưởng đến hàm lượng chất béo. Thay vì chiên, hãy chọn nướng, luộc. Tốt nhất là tránh các sản phẩm nhiều chất béo như thịt xông khói. Hãy chọn loại nạc hơn được chế biến tối thiểu và có hàm lượng protein cao.
Có thể chứa ký sinh trùng
Ăn thịt lợn chưa nấu chín dễ dẫn đến nhiễm ký sinh trùng. Sán dây lợn xâm nhập cơ thể con người là một loại ký sinh trùng đường ruột đôi khi gây bệnh dẫn tới đau đầu, khó thở, động kinh, hôn mê.
Một bệnh khác phát sinh từ cách chế biến trên là nhiễm giun tròn thường nhẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể trở nên nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong, đặc biệt ở người lớn tuổi.