- Nội dung này được đưa ra trong dự thảo nghị định quy định về chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội.

Nghị định khi được ban hành quy định về chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo học ngành đào tạo giáo viên tại các trường trung cấp, CĐ, ĐH và các cơ sở đào tạo được phép đào tạo giáo viên.

Tín dụng sư phạm là chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên sư phạm để hỗ trợ chi trả chi phí đào tạo phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học ngành đào tạo giáo viên.

Nguyên tắc vay và hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm như sau:

Việc cho vay tín dụng phải bảo đảm đủ để trả học phí và chi phí sinh hoạt cho toàn khóa học của học sinh, sinh viên.

Học sinh, sinh viên không phải trả khoản vay tín dụng nếu làm việc trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định.

Học sinh, sinh viên sư phạm trong trường hợp không công tác trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp theo thời gian quy định tại Nghị định này thì có trách nhiệm hoàn trả khoản vay tín dụng.

{keywords}
Dự kiến theo Luật Giáo dục sửa đổi, sinh viên sư phạm sẽ vay tín dụng thay vì được miễn học phí như trước đây. Ngoài học phí, sinh viên được vay tiền sinh hoạt tối đa 3,5 triệu đồng/tháng.

Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên sư phạm được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.

Điều kiện vay vốn là học sinh, sinh viên sư phạm phải cam kết làm việc trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định; Học sinh, sinh viên sư phạm đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay; Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của cơ sở đào tạo; Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của cơ sở đào tạo về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Mức vốn cho vay phải đảm bảo đủ để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí cho học sinh, sinh viên sư phạm trong toàn khóa học.

Cụ thể về học phí, mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học.

Sinh hoạt phí: để chi trả chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian đào tạo, tối đa 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học, tương đương 30 - 35 triệu/1 năm (định mức này vận dụng mức sinh hoạt phí cho lưu học sinh Lào và Campuchia diện Hiệp định học tập tại Việt Nam theo Thông tư số 140/2014/TT-BTC ngày 24/9/2014 của Bộ Tài chính).

Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng.

Cùng đó có thể điều chỉnh mức cho vay trong trường hợp chính sách học phí của Nhà nước có thay đổi và giá cả sinh hoạt có biến động.

Lãi suất cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên sư phạm là 0,5%/tháng.

Học sinh, sinh viên ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu trong thời gian 5 năm sẽ không phải hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp, sinh viên không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải thực hiện hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Kinh phí hoàn trả sẽ bao gồm: Khoản vay tín dụng và lãi suất của khoản vay.

Về hoàn trả và thu hồi khoản vay tín dụng, chậm nhất trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền, học sinh, sinh viên sư phạm hoặc gia đình người học có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền vay tín dụng sư phạm cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm hoặc gia đình người học không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả khoản vay tín dụng thì Ngân hàng Chính sách xã hội có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.

Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm hoặc gia đình người học chậm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm theo thời hạn thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.

Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm không vay tín dụng sư phạm mà tự đóng học phí trong thời gian theo học tại trường sư phạm, sau này nếu làm trong ngành sư phạm đủ thời gian 5 năm sẽ được bồi hoàn chi phí đào tạo. Mức bồi hoàn chi phí đào tạo bằng mức cho vay tín dụng quy định.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) mà Chính phủ trình Quốc hội cho hay: quy định không thu học phí của sinh viên ngành sư phạm theo Luật Giáo dục hiện hành đã không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn; số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí lớn nguồn nhân lực sư phạm. Nếu thu học phí của sinh viên sư phạm giống như các ngành học khác thì nhà trường sẽ có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện khác để bảo đảm chất lượng giáo dục. Ban soạn thảo đã bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục vào khoản 3 Điều 83 dự thảo Luật Giáo dục. Mặt khác, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các chính sách nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

Còn theo Bộ GD-ĐT, phương án trên sẽ đảm bảo để các trường sư phạm vẫn có thể thu hút người giỏi vào học, đồng thời tạo được sự công khai, minh bạch, bình đẳng trong việc thu và sử dụng học phí sư phạm so với các ngành học khác.

Hiện, Bộ GD-ĐT đang rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là mạng lưới các trường sư phạm, đồng thời phối hợp với các trường sư phạm để tính toán chi phí đào tạo cho 1 sinh viên sư phạm theo khối ngành, thực hiện giao chỉ tiêu và kinh phí cho các trường sư phạm. Tiến tới sẽ cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng đào tạo trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo để các trường đảm bảo đủ nguồn thu để chi trả chi phí đào tạo và đầu tư phát triển trường; tiếp theo sẽ phối hợp với các trường để tính toán đến phương án đảm bảo đầu ra (việc làm) cho sinh viên nhằm giảm tình trạng làm trái ngành, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Thanh Hùng

Sinh viên sư phạm hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học

Sinh viên sư phạm hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, sinh viên các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học.

Đề xuất sinh viên sư phạm đóng học phí, vay tín dụng

Đề xuất sinh viên sư phạm đóng học phí, vay tín dụng

Chiều 12/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.