Sau một năm 2021 giá cổ phiếu tăng mạnh, CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) tiếp tục thu hút sự chú ý trên thị trường chứng khoán với thương vụ một đại gia kín tiếng bỏ 4.200 tỷ đồng mua gần 42 triệu cổ phiếu Sudico (SJS) từ Tổng công ty Sông Đà.
Cụ thể, CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát đã mua thành công lô cổ phiếu SJS được đấu giá tại HNX, giá 102.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền chi ra khoảng 4.258 tỷ đồng.
Sau giao dịch, An Phát sở hữu 36,65% vốn SJS và trở thành cổ đông lớn từ ngày 27/4.
Trên thị trường, cổ phiếu SJS ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp và hiện ở mức giá 80.500 đồng/cp. Hồi tháng 7/2021, Tổng công ty Sông Đà từng lên kế hoạch thoái vốn Sudico với giá khởi điểm 80.000 đồng/cổ phiếu nhưng bất thành.
Sudico từng là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trên sàn chứng khoán thời kỳ 2007-2010. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp này chìm xuống với nhiều dự án dở dang và dòng tiền hàng nghìn tỷ bị đọng ở dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh và Khu đô thị mới Hòa Hải - Đà Nẵng.
Nhiều năm gần đây, Sudico không có tiền trả cổ tức, phải khất nợ.
Hiện, SJS vẫn ghi nhận khoản phải trả khác là cổ tức lợi nhuận phải trả gần 475 tỷ đồng, gồm các khoản cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2016 đến 2020. HĐQT SJS công bố sẽ thay đổi thời gian trả cổ tức năm 2016 (tỷ lệ 10%) và năm 2017 (tỷ lệ 10%) từ ngày dự kiến 31/12/2021 sang thời điểm mới là 30/12/2022.
Lý do điều chỉnh là do tình hình tài chính còn khó khăn nên công ty chưa có đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông như đã thông báo. Sudico cho hay nguồn thu tại dự án khu đô thị mới Nam An Khánh và các dự án khác bị chậm trễ thanh toán.
Đây là lần thứ 7 SJS trì hoãn việc thanh toán cổ tức cho cổ đông. Vào giữa năm 2019, HOSE từng phải nhắc nhở và đề nghị doanh nghiệp giải trình về nguồn tiền để chi trả cho việc này.
Mặc dù khó khăn về dòng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trì trệ cổ tức, cổ phiếu SJS vẫn ghi nhận mức tăng tốt. Trong năm 2021, cổ phiếu SJS tăng gần 3 lần, từ mức 28.000 đồng/cp lên gần 80.000 đồng/cp.
CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát là doanh nghiệp mới thành lập năm 2016, có trụ sở tại Cầu Giấy, Hà Nội. Trong năm 2021, An Phát đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 120 tỷ lên 1.800 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT của An Phát là ông Phạm Thành Huy. Ông Huy cũng là người đại diện theo pháp luật của CTCP Mặt trời Sông Hồng, một doanh nghiệp bất động sản tại Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I, giới doanh nghiệp bất động sản đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án, gần bằng con số ghi nhận được suốt cả năm 2017, 2018. Lĩnh vực BĐS của Việt Nam vẫn là mảng hút dòng tiền lớn.
Giằng co quanh ngưỡng 1.350 điểm
Theo VDSC, thị trường suy yếu trên nền thanh khoản thấp cho thấy sự thiếu quyết đoán ở lực cầu, tuy nhiên lực cung cũng chưa quá mạnh mẽ. Do đó, dự kiến VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.330- 1.340 điểm, tạm thời vùng này vẫn có khả năng hỗ trợ cho chỉ số. Mặc dù có thể được hỗ trợ nhưng nhìn chung nhịp hồi phục của thị trường đang đối diện với nhiều rủi ro.
Theo YSVN, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.350 điểm với khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường có thể sẽ biến động hẹp kéo dài và dòng tiền sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nếu các chỉ số ít biến động hẹp trong hai phiên giao dịch tới. Điểm tiêu cực là lực cầu ở vùng giá cao vẫn suy yếu cho thấy thị trường sẽ chưa có động lực tăng trưởng mạnh và kịch bản “sideways” có khả năng xảy ra cao. Tuy vậy, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng mạnh cho thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận đang dần gia tăng và các nhà đầu tư ngắn hạn đã bớt bi quan.
Chốt phiên 4/5, chỉ số VN-Index giảm 18,12 điểm xuống 1.348,68 điểm. HNX-Index giảm 4,86 điểm xuống 360,97 điểm. Upcom-Index giảm 0,28 điểm lên 104,02 điểm. Thanh khoản đạt 16,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 14,5 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.
V. Hà