"Tôi tự hỏi không biết mình cưới vợ hay là đi ở đợ suốt 4 năm qua? Người ta bảo dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về, vợ tôi có chịu nghe đâu mà dạy dỗ?

Em có tay, có chân thì tự làm đi, mệt quá!”. Tôi bực bội bỏ ra ngoài, mặc cho “cục vàng” của tôi ngồi khóc hu hu. Thật sự là tôi không biết phải làm sao để trị cho tiệt gốc cái tật nhõng nhẽo của cô vợ mình.

Thúy Mai bảo thèm phở. Trời đang mưa gió ì đùng mà tôi cũng phải đội áo mưa xuống tận đường Pasteur để mua cho nàng tô phở. Về đến nhà, tôi đi thay quần áo, trở ra vẫn thấy cái gà mên còn nguyên trên bàn.

Vợ tôi ngồi chồm hổm trên ghế, thấy tôi ra thì chỉ tay rồi cười lỏn lẻn: “Lấy tô trút ra dùm em”. Tới nước này thì tôi hết chịu nổi. Sau câu quát của tôi, Thúy Mai phụng phịu, sau đó rươm rướm nước mắt, sau đó nữa thì khóc thành tiếng.

{keywords}

Ảnh minh hoạ

Chúng tôi quen nhau 2 năm, yêu nhau 2 năm, sau đó mới cưới. Lần đầu tôi gặp Thúy Mai, nàng 20 tuổi, đang học năm thứ hai đại học. Tôi rất thích cô gái gốc Huế có mái tóc dài, khuôn mặt trái xoan, mắt đen láy, dáng đi thanh thoát, giọng nói nhẹ nhàng. Thích đến nỗi suốt ngày tôi cứ luẩn quẩn theo nàng. Kết quả là không có chàng trai nào dám đến gần người đẹp của tôi. Thế nhưng đến khi ra trường tôi mới chính thức ngỏ lời yêu Thúy Mai. Nàng đồng ý nhưng cũng làm mình, làm mẩy đủ điều và đổ thừa vì tôi mà chẳng có ai dám yêu nàng. Thì mục đích của tôi là vậy mà.

2 năm sau, khi công việc ổn định, chúng tôi cưới. Thực hiện "cam kết" trước khi cưới, dù là con trai út, tôi vẫn xin phép ba mẹ cho ra ở riêng. Trước khi chúng tôi dọn đi, mẹ tôi nói: "Tao coi bộ con vợ mày nó nhõng nhẽo lắm nghen, liệu mà dạy dỗ, uốn nắn chứ không khéo thì mày thành đứa ở trong nhà nghe con". Tôi phải công nhận mẹ tôi có con mắt tinh đời. Tuy vậy tôi cười, nói lướt đi: "Ở riêng rồi tự khắc phải làm thôi, mẹ yên tâm".

Mãi sau này tôi mới hiểu hết ý tứ trong câu nói của mẹ. "Đứa ở" tức là người giúp việc, là phải làm hết mọi thứ trong nhà. Đêm đầu tiên ở nhà mới, thú thật là cả hai có "quá đà" một chút nên sáng ra mệt đừ. Tôi thương vợ nên dù mệt vẫn lò dò dậy sớm nấu ăn sáng. Không ngờ điều đó lại được Thúy Mai mặc định tôi là người phải nấu bữa sáng cho vợ.

Đến bữa trưa, do vẫn còn mệt nên vợ tôi không chịu ra ngoài ăn cơm tiệm. Thế là tôi lóc cóc đi mua cơm hộp về cho hai vợ chồng. Điều đó cũng được vợ tôi mặc định: nếu có những ngày không nấu cơm nhà thì tôi là người đi mua cơm hộp!

Tuần lễ đầu tiên, có thể nói là thiên đàng của cuộc sống vợ chồng bởi chúng tôi còn nghỉ phép sau ngày cưới. Tuy không đi tuần trăng mật nhưng cuộc sống của hai vợ chồng trong căn nhà nhỏ cũng rất ngọt ngào. Tất nhiên là tôi chiều vợ hết cỡ, chẳng để nàng làm động móng tay; nàng gọi là tôi có mặt, nàng sai bảo là tôi làm ngay.

Kết quả là bây giờ vợ tôi như thế này: Nàng ngồi cạnh bình nước nhưng vẫn gọi "chồng ơi, chồng à rót nước cho em". Lên bàn ăn, tất nhiên là tôi nấu cơm, hôm nào tôi không gắp thức ăn cho vợ thì chắc chắn nàng sẽ "tuyệt thực" dù thức ăn ở ngay trước mặt. Khi tôi chở vợ đi đâu, trước khi nàng lên xe, nếu tôi không lau yên xe sạch sẽ thì nàng nhất định đứng mãi dưới đất. Hai vợ chồng đi vô tiệm ăn, tôi phải kéo ghế, xé khăn ăn, lấy đũa muỗng cho vợ; nếu không nàng cứ ngồi thiền cho đến khi thức ăn nguội lạnh. Buổi tối ngủ, tôi là người mắc mùng; sáng dậy tôi phải tháo mùng. Vợ đi siêu thị hay đi chợ thì nhất định là tôi phải đi theo để xách giỏ cho nàng. Đi làm về tới cửa là vợ tôi đứng réo um sùm cho đến khi tôi ra dắt xe dù những hôm không có tôi thì nàng vẫn tự dắt ngon lành. Vợ tôi nấu ăn ngon nhưng thỉnh thoảng mới vô bếp, khi đó tôi phải ngồi bên cạnh để nàng sai vặt...

Trong nhà, tôi chỉ giao cho Thúy Mai nhiệm vụ duy nhất là rửa chén nhưng ăn xong không bao giờ nàng rửa liền mà dồn lại 2-3 ngày rửa một lần. Tình cờ một bữa mẹ tôi qua thăm, thấy vậy, bà rầy một trận te tua. Vậy là Thúy Mai giận luôn mẹ tôi, cả năm nay không về. Mỗi lần tôi về nhà, mẹ tôi lại hỏi: "Con vợ mày đâu? Rầy nó có một chút mà nó giận không thèm nhìn mặt tao với ba mày. Có thứ con dâu nào như vậy chớ".

Tôi thật sự rất đau lòng nhưng không có cách gì nói cho vợ nghe. Nàng bảo, chuyện của hai vợ chồng tôi là chuyện riêng, không mắc mớ gì ba mẹ phải "dúng mũi" vào. Tôi bực tức nói: "Em càng ngày càng quá đáng. Riết rồi anh thấy mắc cỡ với các anh chị trong nhà quá". Vợ tôi sừng sộ: "Biết thế anh còn ưng em làm chi? Mẹ anh thật chẳng biết tôn trọng quyền tự do cá nhân của con cái. Chỉ có mấy cái chén chưa rửa mà làm chi dữ vậy?".

Tôi không muốn đôi co nhưng trong lòng không vui. Tuy vậy, do bác sĩ nói phải để cho tinh thần vợ tôi thật thoải mái thì nàng mới có thể sinh con cho tôi nên tôi đành nén giận bỏ qua hết mọi thứ. Nhưng sức người có hạn. Cho đến buổi tối đội mưa đi mua phở cho vợ thì tôi đã hết kiên trì. “Em có tay, có chân thì tự làm đi, mệt quá!”- tôi quát lên khi bị vợ bắt đổ phở ra tô và lấy đũa muỗng cho nàng.

Sau khi khóc hu hu một hồi, vợ tôi thay quần áo, xách xe bỏ về nhà cha mẹ ruột. Tôi gọi điện thoại, nàng chẳng thèm nghe. Tôi nhắn tin, nàng chẳng trả lời. Tôi gọi cha mẹ vợ thì mẹ vợ tôi bảo: "Vợ anh thì anh sang mà rước về chứ chúng tôi chỉ đưa một lần".

Tôi ăn hết tô phở vợ bỏ lại, lên giường trùm mền nghĩ ngợi mông lung. Tôi tự hỏi không biết mình cưới vợ hay là đi ở đợ suốt 4 năm qua? Người ta bảo dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về, vợ tôi có chịu nghe đâu mà dạy dỗ?

Bây giờ thì tôi mệt mỏi lắm rồi. Những trò nhõng nhẽo, vòi vĩnh của vợ hồi chưa cưới sao mà đáng yêu vậy. Còn bây giờ, khi những thứ ấy được nhân lên theo cấp số nhân thì tôi dần thấy chướng vô cùng. Một người phụ nữ 28 tuổi sao cứ như một đứa trẻ lên ba vậy? Mà thậm chí, không được như đứa trẻ lên ba...

Tôi nhẩm tính, từ trước tới nay, lần này vợ tôi giận lâu nhất. Là vì tôi không năn nỉ, làm lành. Thế nhưng ba mẹ vợ tôi hình như cũng chán cô con gái cưng của mình nên ngày nào cũng gọi điện bảo tôi sang đón. Tôi "dạ, dạ" rồi án binh bất động bởi vẫn chưa nghĩ ra cách gì để làm cho vợ tôi sống đúng tuổi 28 của mình...

(Theo NLĐ)