Theo bà con chăn nuôi, muốn có sản phẩm chất lượng cao thì phải chăm sóc thật tốt để những chú lợn này thấy sung sướng, hạnh phúc...
Ở chung cư, đi thang máy...
Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long ở Thanh Oai (Hà Nội) là người đầu tiên ở Việt Nam đưa ra và thực hiện ý tưởng xây nhà cao tầng để nuôi lợn. “Từ năm 2006, khi đưa ra ý tưởng đó, bản thân tôi cũng bị không ít người phản đối vì họ cho rằng đó là tối kiến, phản khoa học và rất tốn kém, nhưng tôi vẫn quyết làm và giờ đã thành công” - ông Long nhớ lại.
Bà Liên chăm sóc đàn lợn giống tại trang trại ở Sóc Sơn (Hà Nội). ảnh: Hải Đăng |
Đến thăm trang trại và được tận mắt chứng kiến việc chăn nuôi lợn trên nhà tầng và di chuyển bằng thang máy của ông Long, chúng tôi cảm thấy rất thú vị. Từ khi các “ông lợn” mới sinh đến khi trưởng thành đều được sống trong “chung cư” được đãi ngộ với chế độ đặc biệt gồm cám hữu cơ, nước máy...
Đến khi lợn được xuất chuồng, khách chỉ cần đánh xe chờ ở cổng, các công nhân của trang trại sẽ đưa các “ông lợn” di chuyển qua cầu trên cao, vào thang máy đến bàn cân điện tử trước khi vào xe.
“Mọi thứ tại trang trại của tôi đều được thiết kế, lập trình rất khoa học nên việc chăm sóc, bán hàng không cần tốn nhiều nhân công mà vẫn đảm bảo chất lượng và thu nhập” - ông Long chia sẻ.
Ông Long cho biết, khu “chung cư lợn” của ông không chỉ đem lại môi trường trong lành cho lợn mà còn tiết kiệm được chi phí điện nước trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, lợn được nuôi ở tầng 2, tầng 3, môi trường sẽ thoáng hơn không bị quẩn mùi hôi thối đặc trưng có trong chăn nuôi lợn và tiết kiệm được kinh phí trong xây dựng như mái, hệ thống hầm khí biogas... “Qua hơn 10 năm chăn nuôi song trang trại của tôi chưa từng xảy ra dịch bệnh” - ông Long kể.
Các chuồng nuôi được đầu tư hệ thống quạt gió hiện đại. Ảnh: Hải Đăng |
Ăn tảo xoắn, nghe nhạc...
Trang trại của anh Nguyễn Văn Minh ở huyện Kim Bảng (Hà Nam) cũng nổi lên bởi phương pháp chăn nuôi lợn đặc biệt. Thường thì thức ăn của lợn phần thô gồm có ngô, cám gạo, phần tinh có bột cá, bột huyết nhưng nay anh Minh thay phần tinh ấy bằng đạm của động vật ngoại lai: ốc bươu vàng. Ốc sau khi đập giập được đem vào lò sấy rồi nghiền nhỏ thành bột để phối trộn với cám, ngô làm thức ăn cho lợn.
Lợn nuôi kiểu này sau 6 tháng mới xuất chuồng được thay vì chỉ 4 tháng theo kiểu nuôi công nghiệp, nhưng chất lượng thịt thơm ngon và an toàn hơn hẳn nên giá bán thịt hơi cũng cao hơn khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Cùng với đó, anh Minh còn nghiên cứu tìm mua thêm tảo xoắn về phục vụ... đàn lợn. Tảo xoắn là loại thực phẩm chức năng có công dụng chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch rất tốt cho con người nên anh Minh nảy ra ý tưởng cho lợn ăn. Cứ mỗi ngày người uống 2 viên thì lợn uống 1 viên. Lúc đầu thử nghiệm cho lợn ăn tảo biển trong suốt quá trình nuôi 6 tháng liền nhưng giá thành đội lên thành 10 triệu đồng/con, khó bán, nên sau đó anh chỉ cho ăn trong khoảng 2 tháng đầu tiên.
Công nhân kiểm tra thẻ nái (thẻ ghi nhật ký chăn sóc lợn nái) tại HTX Hòa Mỹ (Thanh Oai, Hà Nội) |
“Cho ăn bình thường, lợn 6 tháng xuất chuồng; cho ăn tảo biển vẫn 6 tháng xuất chuồng một lần, chất lượng thịt cũng ít có sự thay đổi đáng kể, tuy nhiên khả năng đề kháng của chúng lại gia tăng đáng kể. Lợn con vừa rời vú mẹ thường hay ốm yếu, nhưng kể từ khi được uống tảo biển thì không phải sử dụng đến kháng sinh nữa” -anh Minh chia sẻ.
Anh Minh rất mê nhạc cổ điển, nhất là Chopin. Anh nghĩ âm nhạc “xoa dịu” những ồn ào, vất vả, mưu toan của cuộc sống, tác dụng với người như vậy thì chắc với lợn cũng thế. Vậy là anh thử nghiệm cho chúng nghe nhạc cổ điển hàng ngày và điều anh rút ra là “thấy chúng cũng ngoan và thích thú hơn”.
Bà Phạm Thị Thanh – chủ trang trại nuôi lợn 2.000m2 ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng đang áp dụng cách thức đặc biệt: Cho lợn ăn giun quế, bã bia, rau xanh, thảo dược… Tất cả được xay trộn lẫn và nấu chín trước khi cho lợn ăn.
Cùng với đó, bà Thanh còn lắp một giàn nghe nhạc Pháp (dòng nhạc nhẹ nhàng, êm ái) giúp lợn xả stress cho chất lượng thịt giàu dinh dưỡng nhất có thể. Mỗi năm, trang trại này cung cấp cho thị trường Thủ đô gần 100 tấn thịt lợn thương phẩm VietGAP, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, đối với vật nuôi sinh sản, yếu tố di truyền chỉ chiếm 10%-30%, tác động của các yếu tố khác như thức ăn, nước uống, chăm sóc, môi trường… sẽ ảnh hưởng rất lớn. Còn đối với vật nuôi lấy thịt thì yếu tố di truyền cao hơn, đến 40-50%. Âm thanh nhẹ nhàng sẽ khiến vật nuôi không bị stress, thoải mái và phát triển tốt. |
(Theo Dân Việt)