Theo Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, nhiều năm nay tại Việt Nam và Trung Quốc rộ lên trào lưu uống sừng tê giác chữa từ ung thư tới liệt dương. Nhưng thực chất, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo.

Bác sĩ Vũ đã từng tiếp nhận một bệnh nhân nhà giàu, anh ta đã sử dụng sừng tê giác nhâm nhi hàng ngày như thức uống bổ dưỡng cơ thể nhưng cuối cùng vẫn mắc ung thư gan và qua đời ở tuổi 50. Hay trường hợp khác, bệnh nhân chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn sớm. Bệnh nhân được con trai tặng sừng tê giác. Hàng ngày, ông ngồi mài sừng tê giác ra uống và chỉ sau 3 tháng từ giai đoạn sớm, ung thư đã di căn vào xương, não. 

bac sĩ Vu .jpg
Bác sĩ Vũ (bên trái) trong một chương trình tọa đàm về bảo vệ động vật hoang dã. 

 Bác sĩ Vũ khẳng định, tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong sừng tê giác chỉ có chất sừng (keratin), các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng sừng tê giác chẳng có gì đặc biệt, vẫn thành phần chủ yếu là chất sừng giống như sừng trâu, sừng bò, móng ngựa và móng tay - móng chân của người.

Trong khi đó, người ta coi sừng tê giác trở thành một vị thuốc rất đắt tiền, dành cho giới nhà giàu, thể hiện đẳng cấp. Vì vậy, tê giác bị săn lùng, bị tận diệt một cách không thương tiếc để ngày nay được nêu trong sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cùng quan điểm, Giáo sư Nguyễn Bá Đức - Nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cũng cho biết, sừng tê giác hoàn toàn không thể chữa bệnh. Giáo sư Đức cho rằng, chúng ta cần bảo tồn các loại động vật hoang dã, nhất là các loài đã vào danh sách Đỏ. Hiện nay, chữa ung thư hay các bệnh khác đều có thuốc có tác dụng dược lý đã được nghiên cứu và chứng minh. Từ bỏ quan niệm chữa bệnh bằng sừng tê giác là cách mỗi người góp phần bảo tồn động vật hoang dã, giữ gìn đa dạng sinh học.

Theo Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam (WCS), hiện có năm loài tê giác trên thế giới: tê giác Ấn Độ, tê giác trắng, tê giác đen, tê giác Sumatra và tê giác Java. Tê giác được tìm thấy trên khắp lục địa châu Á và châu Phi, mặc dù vậy, quần thể tê giác đang giảm mạnh ở cả hai lục địa này.

Báo cáo Tình hình tội phạm và thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam, giai đoạn 2020-2021, tại Việt Nam, tê giác Java được khẳng định là đã tuyệt chủng vào năm 2011. Nạn săn bắt trộm là mối đe dọa lớn nhất đối với các quần thể tê giác. Tê giác bị săn bắt chủ yếu để lấy sừng phục vụ cho mục đích trang trí hoặc làm thuốc y học cổ truyền.

Tuy nhiên, phân tích thành phần có trong sừng tê giác, cộng đồng khoa học và các cơ quan bảo tồn chứng minh rằng sừng tê giác được tạo ra từ keratin (chất tương tự được tìm thấy trong tóc và móng tay người), do đó không có giá trị về mặt y học. 

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ, đồng thời là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sừng tê giác giữa châu Phi và châu Á. Tê giác là loài đứng thứ 6 trong số hơn 50 loài, nhóm có khối lượng bị bắt giữ nhiều nhất tại Việt Nam giai đoạn 2020-2021.

Thúy An và nhóm PV, BTV