Được định hướng thành tổ hợp vui chơi giải trí và sự kiện đẳng cấp quốc tế, hoạt động theo mô hình công viên mở, Công viên Kim Quy khi hoàn thành được kỳ vọng sớm trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân thủ đô và du khách.
Khởi công gần 6 năm vẫn chưa thể triển khai
Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ban hành tháng 2/2022 khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền TP. Hà Nội đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, TP. Hà Nội đang ráo riết thúc đẩy tiến độ các dự án chậm tiến độ trên địa bàn thủ đô, như công viên Kim Quy (Đông Anh), công viên Hello Kitty….
Khởi công cuối năm 2016, đến nay Công viên Kim Quy vẫn chưa thể triển khai. Tại phiên giải trình về đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô sáng 25/4, trả lời về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của dự án công viên lớn bậc nhất Hà Nội, lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Về công viên Kim Quy, quy hoạch đã thực thi xong và hiện nay không vướng gì vấn đề quy hoạch, chủ yếu là vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng”.
Theo đại diện Sun Group, dự án Công viên Kim Quy hiện đã bàn giao giải phóng mặt bằng 97% diện tích trên tổng quy mô 101ha. Đến cuối tháng 4/2022, ngoài phần lớn diện tích bằng phẳng đã bàn giao, hiện còn nhiều mộ phần lớn nhỏ chưa được di dời, nằm rải rác trên mặt bằng tổng thể, gây khó khăn đến việc triển khai đồng bộ các hạng mục dự án. Công viên Kim Quy cũng chỉ là một trong số rất nhiều dự án lớn nhỏ bị ảnh hưởng tiến độ khi triển khai trên đất có nhiều mộ phần, do liên quan tới yếu tố tâm linh.
“Khó khăn vướng mắc lớn nhất đã qua”
Theo chủ đầu tư Sun Group, tập đoàn này dự kiến sẽ dành 10 nghìn tỷ đồng để xây dựng Công viên Kim Quy thành điểm hẹn văn hóa, một trong những công viên công nghệ thực tế ảo quy mô hàng đầu châu Á. Đặc biệt, Công viên Kim Quy sẽ được xây dựng theo mô hình công viên mở, du khách vào cửa miễn phí, chỉ phải trả tiền khi chơi trò chơi hoặc sử dụng dịch vụ.
“Ý tưởng công viên mở không hề mới, nhưng đây là tâm huyết của Sun Group cùng với các đơn vị thiết kế cũng như thành phố Hà Nội, để đem tới cho thủ đô một điểm đến văn hóa xứng tầm quốc tế nhưng cũng là điểm đến để bất cứ ai, khi có nhu cầu, đều có thể tận hưởng những giá trị mà Công viên Kim Quy mang tới”, ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Sun Group chia sẻ.
Đại diện Sun Group hé lộ, Công viên Kim Quy sẽ quy tụ nhiều trò chơi lần đầu tiên có mặt tại châu Á, điển hình như roller coaster gỗ 2 làn trượt. Tại đây còn có show diễn trên mặt nước “độc nhất vô nhị” với sân khấu hình rùa nổi từ dưới nước lên, lấy cảm hứng từ truyền thuyết Kim Quy và Hoàn Kiếm. Rất nhiều công trình kiến trúc tại công viên sẽ trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo nhân dân thủ đô và du khách, chẳng hạn như Làng gốm ánh sáng được kiến tạo bởi các mảnh ghép từ gốm màu (mosaic)…
Sun Group đã mời nhiều tên tuổi lớn trên thế giới tham gia tư vấn thiết kế công viên đặc biệt này, như Forrec’s- Công ty thiết kế hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và hoạt động tại 30 nước trên thế giới, chuyên thiết kế và quy hoạch các công viên chủ đề, công viên nước… sẽ thiết kế tổng thể toàn bộ công viên. KTS lừng danh Bill Bensley sẽ phụ trách thiết kế phân khu Phượng Hoàng. Franco Dragone’s - thương hiệu 70 năm kinh nghiệm của Ý, cha đẻ của những show diễn nổi tiếng toàn cầu như Lido- Paris Merveilles- show cabaret hoành tráng ở Champs-Élysées (Paris- Pháp), hay The house of dancing Water tại Macau… sẽ là đơn vị đảm trách thiết kế các show diễn tại khu vực Kim Quy.
“Với thiết kế độc đáo, được thực hiện bởi những nhà tư vấn hàng đầu thế giới, Công viên Kim Quy sẽ là ngôi sao mới, có thể nói là sáng nhất trong hệ thống các công viên Sun World của Tập đoàn Sun Group”, đại diện Sun Group cho biết.
Đồng thời, đại diện Sun Group cũng khẳng định, “Hội tụ những tên tuổi lớn, cùng với các đối tác xây dựng hàng đầu tại Việt Nam, công viên Kim Quy sẽ trở thành một biểu tượng mới của Hà Nội, trên hành trình trở thành điểm đến văn hóa, vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam”.
Theo đại diện Sun Group, tập đoàn đã dành gần 700 tỷ đồng cho công tác GPMB dự án. Đối với 3% diện tích còn tồn đọng, UBND huyện Đông Anh đã và đang cùng chủ đầu tư xúc tiến làm việc, thuyết phục, động viên các gia đình có mộ phần nằm trên diện tích cần bàn giao di dời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho thi công.
Theo đại diện chủ đầu tư, những khó khăn vướng mắc lớn nhất đã qua, hiện công tác giải phóng mặt bằng đang tiếp tục được thúc đẩy với nhiều biện pháp quyết liệt.
“Bằng kinh nghiệm đã thực hiện nhiều dự án công viên giải trí tầm cỡ quốc tế trên khắp Việt Nam như Sun World Ba Na Hills, Công viên châu Á - Asia Park, Sun World Halong Complex, Sun World Hon Thom Nature Park… và với những nỗ lực đẩy mạnh công tác chuẩn bị hồ sơ cấp phép cho dự án này, Sun Group sẽ dồn nguồn lực, nhanh chóng triển khai và đưa công viên vào khai thác trong vòng 2 năm, kể từ khi được cấp phép”, ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Sun Group khẳng định.
Doãn Phong