Sự kiện Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ chính thức được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tại Phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO mới đây đã khẳng định, giá trị “dòng chảy âm nhạc” của người Việt hàng nghìn năm qua luôn được trân trọng, bảo tồn và phát huy.

 

Mở rộng không gian di sản thế giới

Ngay khi biết tin Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được UNESCO vinh danh, chúng tôi tìm đến gặp Phó giáo sư, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam - đơn vị triển khai sưu tầm, nghiên cứu và lập hồ sơ Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Ông Đặng Hoành Loan là một trong những thành viên góp mặt ngay từ những chuyến điền dã, sưu tầm, nghiên cứu đầu tiên (năm 2010) về ĐCTT tại hơn 20 tỉnh phía Nam. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan chia sẻ niềm vui, Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được thế giới vinh danh, đã góp phần mở rộng không gian di sản thế giới ở Việt Nam.

{keywords} 

Đến nay, chưa có tài liệu nào xác định được năm cụ thể ra đời của ĐCTT. Dựa theo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân thì ĐCTT hình thành vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xuất phát từ những nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống ca Huế. Trên đường đi họ dừng chân ở các tỉnh duyên hải miền Trung, từ đó ca Huế mang thêm chút âm hưởng xứ Quảng. Vào đến miền Nam, ĐCTT không còn giữ nguyên chất ca Huế mà thay đổi rất nhiều để thích nghi theo thị hiếu, thẩm mỹ phù hợp với nếp sống mới.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết, tuy ĐCTT ra đời hơn 100 năm - khá ngắn so với các loại hình trước đó đã được UNESCO vinh danh như ca trù, quan họ, nhã nhạc cung đình Huế… Song, tuổi đời của ĐCTT không ảnh hưởng đến lập hồ sơ, bởi UNESCO đã phân loại di sản thành di sản nghệ thuật đại diện và di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Quan trọng nhất là chúng ta khẳng định được giá trị của ĐCTT - một loại hình nghệ thuật cổ truyền được nhân dân nuôi dưỡng và mở rộng không gian trình diễn. Và ngày nay, nó đang có sức sống mãnh liệt trong dân. Bằng chứng là đi khắp vùng đất Nam Bộ, từ TP Hồ Chí Minh tới các miệt vườn Bạc Liêu, Mỹ Tho, Đồng Tháp, Cần Thơ… hay Cà Mau, mọi người có thể bắt gặp bất cứ ở đâu những “gánh” hát ĐCTT, những CLB ĐCTT chuyên nghiệp. Với sức sống lan rộng và bền vững như vậy, khó có loại hình nghệ thuật dân gian nào mà lại có tới gần 2.500 CLB như nghệ thuật ĐCTT. Chính vì vậy, hồ sơ ĐCTT Nam Bộ hiện hữu số lượng tỉnh, thành phố góp mặt nhiều nhất từ trước đến nay: 21 tỉnh, thành phố cả vùng Đông và Tây Nam Bộ.

Là “đặc sản” của nhân dân Nam Bộ, nhưng từ những năm 1930 của thế kỷ trước, ĐCTT đã theo người Nam Bộ đi ngược ra miền Trung, miền Bắc “sinh sôi, nảy nở” - bằng chứng là ở rất nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc có các nhóm hát ĐCTT, đoàn cải lương - loại hình sân khấu được sáng tạo từ ĐCTT. Như nhận định của GS Trần Văn Khê, ở đâu có người miền Nam, thì ở đó có ĐCTT. ĐCTT theo chân người Việt sang Pháp, sang Mỹ, Canada… Ở các nước tiên tiến với đa dạng các loại hình nghệ thuật, âm nhạc cả cổ điển lẫn hiện đại, nhưng mỗi khi ĐCTT vang lên qua tiếng đàn, giọng ca của người Việt lại có sức hút người nghe đến kỳ lạ!

{keywords} 

Sức sống lan tỏa mãnh liệt của đờn ca tài tử

GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đều có chung nhận định, ĐCTT hơn trăm năm qua đã được người dân yêu mến. Vì yêu mến loại hình nghệ thuật này, nên cho đến nay, dù chưa nhận được nhiều cơ chế, chính sách từ các cấp quản lý văn hóa, nhưng ĐCTT vẫn luôn được người dân bảo tồn và phát huy tốt.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cũng cho biết, trong quá trình điều tra điền dã, nhóm lập hồ sơ đã phát hiện và phân loại được 24 CLB và 4 dàn nhạc chơi ĐCTT xuất sắc, trong đó dàn nhạc tài tử của Tòa thánh Cao Đài (Tây Ninh) là chơi chuẩn nhất. Đặc biệt hơn, các nhà sưu tầm tìm được 8 tập tài liệu của 8 danh cầm và tìm được bài Ngũ châu, bài Tứ bửu bằng chữ nhạc cổ truyền. Đó là những tư liệu quý giá của ĐCTT góp vào những hạng mục quan trọng của việc lập hồ sơ.

Ban đầu, việc lập hồ sơ ĐCTT khiến nhiều nhà nghiên cứu e ngại, bởi nó là loại hình “âm nhạc cổ truyền muộn”, lan rộng ở nhiều địa phương, nên khá nhiều ý kiến trái chiều, rằng lối chơi ĐCTT chỉ là ngẫu hứng, không chuyên nghiệp. Nhưng qua quá trình nghiên cứu, lý giải khoa học, “tài tử” có nghĩa là người có tài; chữ “tài tử” còn hàm chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình làm kế sinh nhai.

GS Trần Văn Khê cho hay, nhạc tài tử chơi ngẫu hứng, nhưng phải ghi nhớ trong đầu để chơi. Ví dụ như “xàng” trong ĐCTT không dùng ký âm của phương Tây để diễn tả được, không ký âm được, mỗi lần chơi đều khác nhau, nếu ký âm thì cũng chỉ ghi lại một giai đoạn thôi. Không thể nhìn vào ký âm để chơi, vì ĐCTT từ tĩnh sang động… Tuy chỉ có khoảng 20 “bản tổ” - bản do các bậc thầy sáng tạo, có niêm luật chặt chẽ, nhưng trong mỗi câu, nhịp điệu của ĐCTT người diễn có thể thêm thắt các âm, thoải mái sáng tạo… “Nói một cách nào đó, ĐCTT là một loại hình âm nhạc cần “tri thức thưởng thức”, người chơi phải thả hồn vào từng âm giai, người nghe phải hiểu tiếng lòng của ngón đờn. Càng nghe càng hiểu thì thấy càng hay và say mê là như thế. Nghe để buồn, để vui với một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo này đã gắn kết với những thân phận đi mở cõi” - GS Trần Văn Khê khẳng định.

Theo ông Lê Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, từ năm 1997, khởi nguồn từ liên hoan ĐCTT được Viện Âm nhạc tổ chức tại phía Nam đã góp phần khơi thông mạch nguồn của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đến việc nghiên cứu, lập hồ sơ di sản, ĐCTT đã được thổi bùng lên, lan rộng khắp thôn, ấp, làng, xã các tỉnh phía Nam. Liên tiếp sau đó, các tỉnh, thành phố phía Nam đã có ý thức tổ chức các cuộc liên hoan, thành lập các CLB ĐCTT, tạo nên “sân chơi” nghệ thuật cổ truyền rộn ràng trong dân. Và việc ĐCTT được UNESCO vinh danh khẳng định giá trị truyền thống của cha ông đã, đang và sẽ luôn được người dân gìn giữ và phát huy.

Từ những năm 1960, GS Trần Văn Khê đã giới thiệu ĐCTT của Việt Nam với UNESCO qua băng thu âm của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Năm 1972, một đĩa nhạc ĐCTT tương tự đã được thực hiện với phần trình tấu của GS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Những đĩa ĐCTT này đều nằm trong danh sách đĩa nhạc bán chạy nhất và được nhận giải Phê bình âm nhạc của Pháp.

 Theo Quân đội nhân dân