Tổng số điện thoại thông minh xuất xưởng trên toàn cầu vào năm 2022 dự kiến giảm 3% so với năm ngoái, ước khoảng 1,36 tỷ chiếc, theo báo cáo của Counterpoint Research.
Tình hình nguồn cung chung dự kiến dần cải thiện vào năm 2022 so với năm trước, nhưng một số bộ phận phụ kiện vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt. Ngoài ra, một số nguyên nhân khiến sức tiêu thụ smartphone có thể giảm bao gồm: lạm phát, phong toả tại Trung Quốc, khủng hoảng Ukraine - Nga.
Những khó khăn như trên khiến hãng nghiên cứu dự báo về sự suy giảm của thị trường smartphone trong năm nay.
Khách trải nghiệm sản phẩm trong một sự kiện mở bán điện thoại tại Việt Nam. (Ảnh: Hải Đăng) |
Tại Việt Nam, số liệu từ GfK cho thấy sau đợt tăng trưởng mạnh về lượng smartphone bán ra kể từ tháng 10/2021 đến hết Tết Nguyên đán, nhu cầu điện thoại thông minh bắt đầu giảm kể từ tháng 2/2022 so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng kinh tế sau dịch bệnh, một số nhà bán lẻ cho hay người dân thắt chặt chi tiêu hơn, khiến nhóm điện thoại 3-5 triệu đồng bán chạy, thường xuyên hết hàng.
Trên thế giới, Counterpoint nhận định cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với Covid-19 - với việc đóng cửa các thành phố và thậm chí toàn bộ khu vực - đã và đang làm chậm nền kinh tế của nước này. Việc này gây ra phản ứng dây chuyền trên nền kinh tế toàn cầu do các nhà máy của Trung Quốc bị đóng cửa và chi phí hậu cần tăng cao.
Thêm vào đó, tâm lý người tiêu dùng gần đây chùng xuống đáng kể do sự bất ổn kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng, một phần đến từ cuộc chiến Ukraine-Nga kéo dài.
Trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ tăng, các nền kinh tế mới nổi cũng phải đối mặt với tình trạng thâm hụt vốn và lạm phát.
Lượng smartphone bán ra có thể bị giảm vào năm 2022. (Nguồn: Counterpoint) |
Dù tổng lượng smartphone bán ra giảm xuống, song kỳ vọng riêng của điện thoại hỗ trợ 5G tăng lên. Peter Richardson, Phó Chủ tịch tại Counterpoint Research, cho biết, về lâu dài sẽ có sự chuyển dịch ổn định từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh và điện thoại thông minh 3G/4G sang 5G.
Do các bên nỗ lực phổ biến thiết bị 5G giá phải chăng nên thị trường toàn cầu cho thiết bị 5G dự kiến sẽ cho thấy sự tăng trưởng lành mạnh và đóng vai trò là động lực quan trọng của toàn ngành.
“Tuy nhiên, xu hướng lạm phát toàn cầu gần đây đang ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng và chi phí sản xuất của điện thoại thông minh cao lên sẽ tạo rủi ro cho thị trường điện thoại thông minh năm 2022”, ông Peter nhận định.
Dù đưa ra nhận định thị trường sụt giảm, nhưng chuyên gia đánh giá triển vọng nửa cuối năm có thể sẽ khả quan. Liz Lee, nhà phân tích cao cấp của Counterpoint, cho biết vào cuối tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp để đưa ra các biện pháp đối phó ổn định kinh tế quy mô lớn. Chính phủ nước này dự kiến thực hiện các chính sách tích cực hơn nhằm kích thích nền kinh tế trong nửa cuối năm.
“Bên cạnh đó, chúng tôi tin rằng việc ra mắt điện thoại thông minh nắp gập, dẫn đầu là Samsung, sẽ có thể kích cầu ở phân khúc cao cấp”, bà Liz nói thêm.
Hải Đăng
Smartphone sụt giảm, các hãng tăng cường bán phụ kiện tại Việt Nam
Các hãng tại Việt Nam bắt đầu chú trọng đến mảng phụ kiện trong bối cảnh smartphone bão hoà và nhu cầu khách hàng đang tăng với một số thiết bị thông minh.