Khởi sắc vào thời điểm quan trọng

Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên ngày 22/11 và vẫn đang ở vùng cao lịch sử trong bối cảnh giới đầu tư tin vào những tín hiệu tích cực đến với thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế mới nhất cho người dân Mỹ.

Trên CNBC, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho hay một thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế mới đang “gần đến”. Chính trị gia người Mỹ thuộc đảng Dân chủ và là chủ tịch thứ 52 của Hạ viện Mỹ không ngần ngại nói rằng nếu không đạt được tiến triển thì bà đã không dành 5 giây cho những cuộc thảo luận này.

Cũng theo bà Pelosi, đây không phải điều gì khác ngoài việc bà chủ tịch Hạ viện nghĩ đó là một nỗ lực nghiêm túc. Bà tin cả hai phía Dân chủ và Cộng hòa đều muốn đạt được một thỏa thuận.

Trên thực tế, gói cứu trợ kinh tế này như một con dao hai lưỡi, nếu không có thái độ đúng đắn thì bất kỳ phía nào - đảng Cộng hòa hay Dân chủ - đều chịu ảnh hưởng thông qua lá phiếu của người dân Mỹ tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào 3/11 tới đây.

Dù rất quan trọng đối với cả hai phía, được đánh giá là sống còn nhằm ổn định đời sống của một bộ phận lớn người dân cũng như góp phần vực dậy nền kinh tế Mỹ, nhưng thỏa thuận vẫn giậm chận tại chỗ từ đầu tháng 7 tới nay.

{keywords}
Cuộc bầu cử Mỹ đã qua 3 vòng tranh luận.

Đương kim Tổng thống Donald Trump liên tục cáo buộc đảng Dân chủ không sẵn sàng làm những việc đúng đắn cho người lao động Mỹ hoặc nước Mỹ liên quan đến gói cứu trợ kinh tế này.

Trong khi đó, phía đảng Dân chủ của ứng cử viên Joe Biden liên tục ủng hộ gói cứu trợ kinh tế nhưng bất đồng với phía Cộng hòa ở nhiều khía cạnh, trong đó có quy mô của gói cứu trợ. Phía Dân chủ đề xuất gói cứu trợ lên tới 2.200 tỷ USD, cao hơn nhiều đề xuất của phía Cộng hòa. Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cũng cho rằng đảng Dân chủ cố tình trì hoãn mặc dù chính quyền ông Trump đã nâng đề xuất gói cứu trợ lên 1.900 tỷ USD.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vẫn đang tiếp tục thương lượng. Nhiều khả năng hai bên sẽ sớm có kết quả. Nhưng có điều chắc chắn rằng, nếu đạt được thỏa thuận trước ngày bầu cử 3/11 thì cũng chưa thể có cứu trợ ngay bởi lịch trình quá gấp gáp. Sự chậm trễ của gói cứu trợ ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới ông Trump.

Dù vậy, phản ứng của phố Wall trước tin đàm phán về gói kích thích có tiến triển là khá tích cực. Giới đầu tư tin chắc không sớm thì muộn gói cứu trợ sẽ được thông qua, có thể ngay sau cuộc bầu cử, tiền lại được bơm ra và đây là một tin tốt đối với các thị trường chứng khoán.

Về cơ bản, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang ở trong thời kỳ hoàng kim, giá cổ phiếu lên cao nhờ dòng tiền tốt và nhiều doanh nghiệp Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ như Tesla, Alphabet, Microsoft,... vẫn tỏa sáng.

Thị trường lao động cũng có những tín hiệu tích cực. Bộ Lao động Mỹ cho biết số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống 787 nghìn người trong tuần kết thúc vào ngày 17/10, thấp hơn dự báo 875 nghìn người thất nghiệp từ thăm dò của Dow Jones. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 3, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp hơn 800.000.

{keywords}
Ông Trump đang bị ông Biden bỏ xa theo các cuộc khảo sát.

Biden áp đảo, ông Donald Trump vẫn còn cơ hội

Hầu hết các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn xa đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ mới. Ông Biden cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ truyền thông Mỹ, giới giàu có Mỹ mà biểu hiện là qua số tiền quyên góp vượt trội trong đợt cuối.

Tuy nhiên, cơ hội đối với ông Trump còn khá lớn. Sự chuyển biến tích cực trở lại của nền kinh tế Mỹ sau cú suy sụp vì đại dịch Covid-19 và sự hồi phục nhanh chóng của thị trường chứng khoán... đem đến tín hiệu tích cực cho ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Mặc dù dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp, số người nhiễm gia tăng trở lại ở nhiều nơi trong đó có châu Âu và Mỹ nhưng sự lo sợ đã giảm nhiều. Nước Mỹ đón nhận những tín hiệu tích cực về cả thuốc điều trị lẫn vaccine ngừa Covid.

Ngay trước cuộc tranh luận thứ 3 diễn ra sáng 23/10 (giờ Việt Nam), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận thuốc Remdesivir của công ty dược Gilead dùng để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Mỹ. Loại thuốc này được tiêm thẳng vào tĩnh mạch và đã được sử dụng điều trị cho ông Donald Trump trong thời gian mắc Covid-19.

Tổng thống Trump cũng có thêm thuận lợi về mặt uy tín sau khi Ủy ban Thượng viện Mỹ phê chuẩn đề cử thẩm phán Amy Barrett vào tòa án tối cao, bất chấp việc bị đảng Dân chủ tẩy chay, phản đối vì cho rằng việc bổ nhiệm bà Barrett quá sát ngày bầu cử tổng thống.

{keywords}
Ông Joe Biden được truyền thông Mỹ ủng hộ mạnh mẽ.

Cho đến nay, điều mà ông Trump vẫn tin tưởng là một bộ phận người dân Mỹ im lặng, không thể hiện quan điểm của mình. Đây được cho phần lớn là tầng lớp người dân lao động bình dân mà nhiều chính sách của ông Trump hướng tới. Sự có việc làm trở lại cũng như tài sản của người dân gia tăng thông qua các thị trường chứng khoán... có thể giúp ông Trump lật lại thế cờ. Ông Trump cũng có lợi thế về các chính sách kinh tế rõ ràng, một loạt những thành tựu đối ngoại trong 3 năm rưỡi điều hành nước Mỹ.

Dù vậy, về cơ bản ông Trump vẫn đang ở tình cảnh khó khăn chưa từng có vì tác động của đại dịch Covid-19, vì sự thiếu ủng hộ từ truyền thông và giới giàu có tại Mỹ, hay cả sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ông Trump đã không có một gói giải cứu tài khóa trước bầu cử Mỹ để “ghi điểm” với cử tri. Hơn 45 triệu người Mỹ, tức khoảng 1/3 cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016, đã hoàn thành việc bỏ phiếu trước cuộc tranh luận vòng cuối cùng sáng 23/10 (giờ Việt Nam). Khả năng đảo chiều vào lúc này không nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ thực sự đa số người dân Mỹ muốn ai làm tổng thống, ông Trump hay ông Biden.

M. Hà