
"Trung Quốc là siêu cường sản xuất duy nhất trên thế giới", “sức mạnh sản xuất của Trung Quốc đã đạt đến tầm cao đáng kinh ngạc", "Mỹ là siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới, còn Trung Quốc là siêu cường sản xuất duy nhất trên thế giới”, đây là những nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới.
“Chúng ta không thể làm được nếu không có Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc có thể làm được nếu không có chúng ta”, đây là câu nói của lãnh đạo một doanh nghiệp Mỹ.
Mỹ đã từng là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi trong lĩnh vực sản xuất thế giới. Năm 2000, Mỹ chiếm đến 25% tổng sản lượng sản xuất toàn cầu, còn Trung Quốc chỉ chiếm có 6%. Thế nhưng đến năm 2023, Trung Quốc đã tăng lên 31,6% (5.000 tỷ USD), Mỹ tụt xuống 15,9% thị phần (2.500 tỷ USD). Chưa hết, một báo cáo mới nhất đã đưa ra cảnh báo rằng đến năm 2030, thị phần sản xuất của Trung Quốc sẽ chiếm 45%, Mỹ giảm xuống còn 11% (các con số trên có thể tin cậy bởi hiện tại lĩnh vực sản xuất của Mỹ chỉ đóng góp 10% vào GDP, trái ngược với con số 30% của Trung Quốc).
Vào trung tuần tháng 10/2023, CEO Apple Tim Cook khi đến Chiết Giang, Trung Quốc đã khẳng định rằng: “Hơn 95% sản phẩm của Apple đang được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc, trong đó hơn 95% iPhone, AirPods, Macbook và iPad đang được sản xuất tại Trung Quốc”. Trong khi đó Apple không hề có nhà máy nào tại Mỹ, chỉ có duy nhất một cơ sở sản xuất Mac Pro tại Texas.
Sau nhiều nỗ lực chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc của Apple theo khuyến nghị của chính quyền Mỹ (Apple đã chuyển một số nhà máy sang Việt Nam và Ấn Độ), đến tháng 4/2024, theo ước tính của Evercore ISI, Trung Quốc vẫn chiếm 80% năng lực sản xuất của Apple.
Hiện tại, Trung Quốc đã qua giai đoạn sản xuất gia công cho các hãng phương Tây. Họ không những đã mua lại nhiều hãng công nghệ Mỹ như Lenovo (mua IBM Thinkpad), Lexmark, Smithfield Foods, Ingram Micro, Motorola Mobility (sáp nhập vào Lenovo), Haier (mua lại GE thiết bị), mà còn xây dựng các thương hiệu, sản phẩm có danh tiếng toàn cầu như Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo, TikTok, Alibaba, Tencent, Baidu, JD, Temu, BYD (ô tô), Shein (thời trang). Gần đây nhất là DeepSeek, một hệ AI tổng quát gây chấn động toàn cầu, làm lung lay cả thị trường chứng khoán Mỹ.
Hiểu rõ rằng, sản xuất là xương sống của nền kinh tế, là động lực quan trọng của tăng trưởng và đổi mới, tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia và năng lực cạnh tranh toàn cầu, khi nhận thấy Mỹ đang mất dần sức mạnh trong sản xuất, tháng 2/2025, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Trung Quốc của Mỹ đã tổ chức phiên điều trần đầu tiên và họ đã được nghe một báo cáo "Tương lai của Công nghiệp hóa", trong đó có cảnh báo “Mọi con đường đều hướng về phía Đông”, “phương Tây đang suy tàn và châu Á, do Trung Quốc dẫn đầu, đang trỗi dậy”.
Kết quả là người Mỹ đã nhận ra rằng “cần hạn chế xuất khẩu các công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc”, “sức mạnh lớn nhất của nước Mỹ là công nghệ và thị trường lớn nhất thế giới, nhất định không được làm mất đi sức mạnh đó, nhất định phải hành động nhanh chóng và quyết liệt”.
Có lẽ chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Trump vừa ban hành chính là một trong những bước đi đầu tiên của chiến lược giành lấy vị trí số 1 thế giới về sản xuất đã bị mất vào tay Trung Quốc từ 15 năm qua.
Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT