Quân đội Mỹ trong khu vực đã hỗ trợ Israel đánh chặn các cuộc tấn công từ Iran tới 2 lần trong năm nay. Gần đây nhất, hai tàu khu trục của Hải quân Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải đã phóng khoảng 12 quả tên lửa nhằm bắn hạ các quả đạn do Iran nã về phía Israel trong vụ tấn công quy mô lớn chưa từng thấy vào tối 1/10.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ra tuyên bố bày tỏ "tự hào về kỹ năng và lòng dũng cảm" của các lực lượng Washington đã tham gia ứng phó với cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nói trên của Iran.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ ngần ngại bảo vệ lực lượng và các lợi ích của mình ở Trung Đông, đồng thời hỗ trợ phòng thủ cho Israel và các đối tác của chúng tôi trong khu vực", ông Austin nhấn mạnh.
Theo CNN, tính đến tháng 8 năm nay, Mỹ đang duy trì tổng cộng khoảng 40.000 quân nhân ở Trung Đông. Sự hiện diện quân sự của cường quốc số 1 thế giới trong khu vực nhằm mục đích gửi thông điệp răn đe rõ ràng cũng như bảo vệ Israel, nước đồng minh then chốt của Washington tại Trung Đông và các lực lượng Mỹ khi cần thiết.
Trong năm qua, các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn đã thực hiện nhiều vụ tấn công lẻ tẻ, quy mô nhỏ nhằm vào binh lính Mỹ đồn trú ở Iraq và Syria. Song, những động thái như vậy có xu hướng chậm lại trong vài tháng gần đây.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn muốn cảnh báo rằng, các vụ tập kích diện rộng hơn sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ hơn.
Đầu tháng 8, ông Austin thông báo sẽ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đến Trung Đông và kế hoạch đã được hiện thực hóa ngay cuối tháng đó.
Nhóm tác chiến bao gồm hàng nghìn thủy thủ và lính thủy đánh bộ, làm nhiệm vụ trên 3 tàu khu trục và lực lượng không quân trên hàng không mẫu hạm. Tính đến đầu tháng 10, hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln cùng lực lượng không quân trên tàu (gồm 8 phi đội chiến đấu cơ) và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS O’Kane đã có mặt ở Vịnh Oman. Hai tàu khu trục USS Spruance và USS Frank E. Petersen Jr. đã tập kết và hoạt động ở Biển Đỏ.
Ngoài hỏa lực của nhóm tác chiến USS Abraham Lincoln mang lại, Hải quân Mỹ còn có một số tàu khu trục và sức mạnh khác trong khu vực.
Nhóm tác chiến tàu đổ bộ (ARG) USS Wasp và đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến (MEU) tác chiến đặc biệt số 24 của Mỹ quy tụ khoảng 4.500 thủy thủ và lính thủy đánh bộ. Ngoài tàu tấn công đổ bộ USS Wasp, nhóm này còn có tàu vận tải đổ bộ USS New York và tàu đổ bộ USS Oak Hill.
MEU là một trong các lực lượng ứng phó khủng hoảng then chốt của Mỹ. Một nhiệm vụ thiết yếu của lực lượng này là triển khai hoạt động sơ tán các công dân Mỹ không tham gia chiến đấu. MEU số 24 đã tiến hành sứ mệnh như vậy cách đây nhiều năm, khi đưa hàng nghìn người Mỹ rời khỏi Lebanon trong cuộc xung đột Israel – Hezbollah vào năm 2006.
Tính đến đầu tháng 10, ARG MEU cùng các tàu khu trục USS Bulkeley, USS Cole và USS Arleigh Burke đang cắm chốt ở phía đông Địa Trung Hải. Các tàu khu trục USS Murphy, USS Indianapolis và USS Stockdale nhận lệnh bám trụ ở Biển Đỏ.
Bên cạnh các lực lượng không quân đã được triển khai trong khu vực, như máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và máy bay tiếp nhiên liệu, Lầu Năm Góc hôm 6/10 tiết lộ, thêm nhiều đơn vị hỗ trợ trên không của Mỹ đang trên đường đến Trung Đông. Theo Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh, lực lượng sắp đến sẽ bao gồm các tiêm kích F-22, F-16, F-15E cũng như máy bay tấn công A-10 cùng nhân sự liên quan, tổng cộng lên tới "vài nghìn" binh sĩ nữa.
Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ thông báo, một phi đội máy bay quân sự đã đến khu vực này tuần trước và 3 phi đội nữa đang trên đường đến.
Trong khi đó, Lục quân Mỹ hiện duy trì hàng nghìn lính ở Trung Đông cùng các khí tài phòng không và pháo binh khác nhau, bao gồm cả hệ thống tên lửa Patriot, hệ thống chống máy bay không người lái và hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS).