Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn mới là 8,38%, giảm khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn mới là 8,38%, giảm khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo còn 46,43%, giảm 4%. Những kết quả này có một phần đóng góp của công tác truyền thông về giảm nghèo, trong đó báo chí có vai trò quan trọng.

{keywords}

Tại Hội thảo: “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo” do Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức tại TP Việt Trì (Phú Thọ) trong 2 ngày 17 và 18/5/2017, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã ghi nhận những đóng góp to lớn và và vai trò quan trọng của báo chí, của các phương tiện truyền thông đại chúng trong cuộc chiến với đói nghèo của Việt Nam trong những năm vừa qua. Thứ trưởng cho biết, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội luôn có một tôn chỉ trong công tác xóa đói giảm nghèo là phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như khơi dậy được trách nhiệm, tinh thần của bản thân người nghèo . Trong công tác giảm nghèo, mỗi một giai đoạn mới, lại có cách tiếp cận và những yêu cầu mới; phương châm thực hiện giảm nghèo hiện nay là phải dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, lấy người dân là chủ thể, thực hiện phân cấp triệt để, chính quyền xã không áp đặt, không làm hộ mà người dân phải tự vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, việc tuyên truyền về lĩnh vực giảm nghèo không bao giờ là cũ và đặc biệt cần phải bám sát với những thay đổi của chương trình, của chính sách.
Trong giai đoạn 2016-2020, các phóng viên báo, đài, truyền hình cần đồng hành với Bộ để định hướng, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách về giảm nghèo bền vững, từ đó giúp các địa phương trên cả nước tích cực thực hiện giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều. Với sức hút và thế mạnh lan tỏa nhanh của mình, phóng viên phải có những bài viết tác động và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động được nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng vào công tác giảm nghèo; phổ biến nhưng mô hình giảm nghèo thành công, nêu những gương những hộ nghèo, người nghèo tự lực thoát nghèo để khích lệ tinh thần tham gia của những người chưa thoát nghèo, tạo nên phong trào thi đua đăng ký thoát khỏi nghèo đói sôi nổi. Đồng thời, có những bài viết phản biện, lên án, phê phán những tư duy trì trệ trong thực hiện giảm nghèo, những cách làm chưa đúng, những hành động sai trái để giúp chính quyền cơ sở điều chỉnh, uốn nắn, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả của truyền thông về giảm nghèo, TS. Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ , Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Báo chí còn là diễn đàn của nhân dân. Báo chí không chỉ có chức năng thông tin, giáo dục, mà còn có chức năng tổ chức và quản lí xã hội. Đối với hoạt động truyền thông về giảm nghèo bền vững, báo chí có vai trò quan trọng tác động tới việc hoạch định chính sách. Những vấn đề dư luận quan tâm được thể hiện trên báo chí, đã tạo ra áp lực đến quá trình xây dựng chính sách của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Báo chí có ảnh hưởng gián tiếp xây dựng chính sách. Nhiều đại biểu quốc hội đã nêu ý kiến trong việc xây dựng chính sách, căn cứ vào một vấn đề được phản ánh qua báo chí. Chính vì vậy, trong thực thi chính sách và đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững, cần phát huy vai trò đi đầu của báo chí trong tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến chính sách của Chính phủ tới người dân; giám sát việc thực hiện chính sách, phát hiện những vấn đề bất cập của chính sách, phát hiện việc lợi dụng chính sách, đánh giá hiệu quả chính sách thông qua dư luận công chúng xã hội và thông qua chính sự thăm dò, khảo sát, đánh giá của cơ quan báo chí đối với việc thực hiện chính sách giảm nghèo.

TS. Nguyễn Công Dũng - Phó Tổng Biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nêu cao tầm quan trọng của truyền thông trong việc nâng cao và chuyển biến nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng như cộng đồng người dân đối với công tác giảm nghèo qua quan điểm: Với cách tiếp cận mới về giảm nghèo, điều quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm góp phần thay đổi nhận thức về giảm nghèo của cán bộ, chính quyền các cấp và người dân. Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam là một phương thức để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững và phù hợp với nhận thức chung của thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu. Chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong giảm nghèo đa chiều bền vững. Vượt qua những thách thức ấy, đòi hỏi phải thay đổi nhận thức và hành động của nhiều ngành, nhiều cấp và của chính người dân - đối tượng trực tiếp của các chính sách giảm nghèo. Thay đổi nhận thức là cả một quá trình và không hề đơn giản đối với các cấp chính quyền và người dân.

Có thể nói, các cơ quan báo chí cũng đã thực hiện tốt vai trò và chức năng giám sát, phản biện chính sách, thông qua báo chí. Từ việc xây dựng chính sách, báo chí đã tổ chức lấy ý kiến người dân, chuyên gia, doanh nghiệp…đóng góp ý kiến, hiến kế cũng như phản biện các dự thảo, trước khi hoàn thiện các văn bản chính sách.

Trên thực tế, nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách đầu tư, phát triển kinh tế, chính sách an sinh – xã hội trong đó có chính sách giảm nghèo, đã được người dân góp ý phản biện rộng rãi, tích cực. Nhiều chính sách đi vào thực thi có những bất cập cũng được nhân dân phản biện thông qua báo chí, đã được Nhà nước điều chỉnh kịp thời.

Đồng thời, báo chí cũng là nơi phát hiện những địa chỉ lợi dụng sự sơ hở của chính sách, trong đó có chính sách giảm nghèo, đấu tranh phê phán và đưa ra ánh sáng công luận, ngăn chặn những hậu quả làm thiệt hại lợi ích chung của quốc gia.

Hoàng Oanh