Tuyến tụy là một bộ phận của cơ quan tiêu hóa, có chức năng phân hủy thức ăn để các tế bào trong cơ thể có thể hấp thụ và sử dụng. Một ống có tên gọi ống tụy nối tuyến tụy với đoạn đầu của ruột non (tá tràng). Tuyến tụy chứa hai loại tuyến: tuyến ngoại tiết và tuyến nội tiết.
Ung thư tụy là gì?
Ung thư tụy xảy ra khi các tế bào trong tuyến tụy bắt đầu sản sinh quá mức vượt quá tầm kiểm soát và tạo thành một khối u.
Các loại ung thư tụy phổ biến nhất thường phát sinh từ tuyến ngoại tiết và được gọi là carcinom tuyến của tụy. Carcinom tuyến của tụy là một trong những loại ung thư xâm lấn nhất. Vào thời điểm chẩn đoán, hầu hết các trường hợp ung thư đều đã di căn đến các vị trí khác của cơ thể. Ung thư tuyến của tụy cũng đề kháng tương đối với điều trị nội khoa, và điều trị duy nhất có khả năng chữa khỏi hẳn là phẫu thuật.
Ung thư tụy là căn bệnh ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm bởi khó phát hiện, khó điều trị và tỉ lệ tử vong cực cao. Hầu hết bệnh nhân ung thư tụy sau khi điều trị bằng phẫu thuật chỉ sống được khoảng 2-3 năm, tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật cũng khá lớn. Còn với những bệnh nhân bị ung thư tụy giai đoạn cuối không thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật thì đa số người bệnh đều không sống quá 1 năm sau khi phát hiện bệnh.
Ung thư tụy chia làm 4 giai đoạn:
-
Ung thư tụy giai đoạn 1: Xuất hiện khối u nằm khu trú trong tuyến tụy, kích thước chỉ dưới 2cm, hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên bệnh nhân rất khó phát hiện bệnh.
-
Ung thư tụy giai đoạn 2: Khối u đã có kích thước > 2cm và < 4cm, xâm lấn đến các mô lân cận tuyến tụy nhưng chưa ảnh hưởng đến các mạch máu
-
Ung thư tụy giai đoạn 3: Khối u có thể đạt kích thước trên 6cm, tế bào ung thư xâm lấn vào các mạch máu và di căn tới nhiều hạch bạch huyết cũng như các cơ quan lân cận.
-
Ung thư tụy giai đoạn 4: Khối u có thể đạt bất kỳ kích thước nào, xâm lấn đến những bộ phận xa hơn như gan, phổi…