Đừng làm mẹ cáu đang đi đến những tập cuối và dần mở những nút thắt trong mối quan hệ của các nhân vật. Trái với những bộ phim gây chú ý bằng nội dung ồn ào hay những tình huống gây ức chế, thậm chí gây sốc bằng những cảnh nóng hay đánh ghen, Đừng làm mẹ cáu chinh phục người xem bởi những tình huống nhẹ nhàng len lỏi vào cảm xúc của khán giả. 

Một trong những biên kịch của phim là mẹ đơn thân và có lẽ chính những trải nghiệm cá nhân của tác giả đã mang đến cho phim những tình huống chân thực, đời thường, không lên gân cốt nhưng gần gũi với người xem. 

Đừng làm mẹ cáu là hành trình chinh phục khó khăn của Hạnh - một người mẹ đơn thân bất đắc dĩ. Cô phải từ bỏ ước mơ du học, từ bỏ cả tình yêu đầu đời, hứng chịu nhiều điều tiếng và cả sự hiểu lầm để nuôi con gái của người chị không cùng huyết thống. Khó khăn bủa vây Hạnh suốt 7 năm tuổi trẻ nhưng cô ngẩng cao đầu trong mọi hoàn cảnh, không khi nào bỏ cuộc.

Sự hy sinh của Hạnh không vô ích khi cô có Happi, bé gái tình cảm và thông minh được mọi người yêu mến. Và cũng từ Happi, Hạnh dần chinh phục được Quân - chàng giám đốc điển trai có phần lạnh lùng nhưng lại mang trái tim ấm áp.

Quân cũng như Hạnh từng bị tổn thương trong tình cảm, sống trong hiểu lầm với người mẹ đẻ anh cứ ngỡ đã bỏ rơi mình. Nhưng rồi khoảnh cách giữa họ dần nhỏ lại, hiểu lầm được hóa giải và chỉ còn tình yêu thương ở lại. 

Trong phim, khán giả còn yêu thích nhân vật Thêu, một anh chàng mồ côi thích màu hồng được mẹ Quân bao bọc và coi bà như người thân. 

Đó còn là tình bạn thân thiết của Happi và Voi qua diễn xuất đáng yêu của hai bạn nhỏ mới 6-7 tuổi là An Nhiên và Tuấn Phong. Trong phim, người xem còn thích thú với mối quan hệ của Vy và Khôi. Họ ràng buộc với nhau bằng bé Voi và bản hợp đồng hôn nhân. Dù ban đầu không đến với nhau bằng tình yêu thực sự nhưng Vy và Khôi luôn có trách nhiệm với con, dành cho Voi mái ấm hạnh phúc.  

Khác với những bộ phim khai thác nhân vật mẹ chồng khó ưa để gây chú ý, Đừng làm mẹ cáu xây dựng nhân vật mẹ chồng Vy vô cùng thú vị, luôn đứng ra bảo vệ gia đình con trai. Bà sẵn sàng thay mặt con dâu đi đánh ghen và tìm mọi cách để Vy và Khôi ở bên nhau. Có lẽ chính vì những lý do này mà lượng fan của Đừng làm mẹ cáu ngày càng đông đảo, giúp phim dẫn đầu tỷ suất người xem trong nước. 

Nửa cuối phim, Đừng làm mẹ cáu tạo kịch tính với sự trở về của người yêu cũ của Hạnh và Khôi như một phép thử cho mối quan hệ giữa họ, để Vy nhận ra mình đã yêu Khôi và Quân biết mình có tình cảm thực sự với Hạnh. 

Ngoại trừ nhân vật Mai Anh - kẻ luôn đố kỵ với Hạnh và Yến - cô người yêu cũ đáng ghét của Khôi, tất cả các nhân vật đều là người tốt. Đặc biệt, Happi, Voi cùng Thêu xuất hiện có ý nghĩa kết nối các nhân vật trong phim, giúp họ chữa lành và hóa giải những mâu thuẫn tình cảm khó nói ra. 

Chính vì không nhồi vào phim những nhân vật gây ức chế người xem, Đừng làm mẹ cáu được khán giả đón nhận nhiệt liệt như một cách giải trí nhẹ nhàng sau những giờ phút làm việc hay học hành căng thẳng. 

Đừng làm mẹ cáu rất ít tình huống lên gân, không có những lời thoại đao to búa lớn, những tuyên ngôn "dạy đời" của các nhân vật hay những hình ảnh hào nhoáng. Bộ phim chinh phục người xem bởi sự nhẹ nhàng, những tình tiết và lời thoại đời thường. Đặc biệt, diễn xuất của các diễn viên đều rất tự nhiên và hợp vai. 

Quỳnh Kool, Nhan Phúc Vinh, Bình An, Quỳnh Lương, Hương Giang, Anh Đức và hai diễn viên nhí An Nhiên, Tuấn Phong đều đã có những vai diễn thành công. Chính họ cùng kịch bản hấp dẫn giúp phim càng về cuối càng được yêu thích và không ai muốn nói lời chia tay với bộ phim. 

Hoàng Anh

Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm bài viết đã đăng trên VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!