Mường Nhé là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên, là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. 

Toàn huyện có 11 xã, thị trấn; dân số trên địa bàn chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều dân tộc còn giữ những thói quen lạc hậu nên tỷ lệ đói nghèo cao… Bên cạnh đó, giao thông đi lại nhiều khó khăn, hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn lạc hậu. Đây đồng thời cũng là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, tình trạng phá rừng, di cư tự do khó kiểm soát, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm trên 80%).

Do xuất phát điểm nền kinh tế thấp, điều kiện sản xuất, canh tác còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí, nguồn lực, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. 

Bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên. 

Do vị trí địa lý không thuận lợi, nằm cách xa trung tâm hành chính tỉnh Điện Biên hơn 200 km, lại không có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú, không có mặt bằng lý tưởng,… Mường Nhé không phải là địa phương thích hợp cho việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Hiểu rõ được vấn đề này, Huyện đã xác định vẫn phải bằng chính nguồn lực nội tại làm điểm tựa, lấy sản xuất nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn để vươn lên.

Theo đó, Huyện đã tổ chức triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; từng bước xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại có hiệu quả kinh tế cao.

Một góc của Bản Nậm Kè 2, nơi định cư của đồng bào Mông

Về sản xuất nông nghiệp, với việc chỉ đạo các đơn vị tích cực tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, các phương thức phòng trừ sâu bệnh để nâng cao giá trị sản xuất. Nhờ đó, tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 bình quân tăng 4,5%/năm, tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 393.139 triệu đồng, trong đó: Trồng trọt chiếm 59,3%; Chăn nuôi chiếm 19,34%; Lâm nghiệp chiếm 18,07%; Thủy sản và dịch vụ nông nghiệp chiếm 3,29%. Tổng sản lượng cây lương thực đạt 16.462,1 tấn, tăng 1.737 tấn, năng xuất tăng từ 49,6 tạ/ha lên 52,74 tạ/ha; an ninh lương thực của huyện được đảm bảo, lương thực bình quân đầu người đạt gần 350 kg/người/năm. Diện tích khai hoang được mở rộng 529,78 ha ruộng bậc thang; diện tích sản xuất lúa nương giảm 659,8 ha. Tổng đàn gia súc toàn huyện ước đạt 24.348 con, trong đó: Đàn trâu, bò 15.818 con.

Thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM, đến nay, toàn huyện bình quân đạt 9,2 tiêu chí/xã, tăng 4,9 tiêu chí/xã so với năm 2015. Trong đó, xã Sín Thầu cơ bản đạt chuẩn NTM (đạt 18 tiêu chí NTM); trên địa bàn huyện không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí NTM. Thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, ổn định đời sống cho 11.947 hộ, đạt 98% so với phê duyệt của Đề án 79 (12.211 hộ).

Đến nay toàn huyện có 295km đường giao thông nông thôn, các khu dân cư, trục đường xã, bản cơ bản được cứng hoá. 93% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia. 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục THCS mức độ 2. 100% xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. 

Mới đây, Mường Nhé vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày tách lập tỉnh. Mường Nhé ngày hôm nay đã thực sự đổi thay, góp phần vào thành quả chung phát triển kinh tế xã hội của đất nước từ cấp cơ sở.

Văn Hùng, Lê Na, Kiều Oanh, Hồng Khanh, Hà Sơn