LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Mở đầu
Mục tiêu tối thượng của cả dân tộc Việt Nam là đưa nước ta trở thành nước ‘dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh’. Nhắc lại điều này, người viết muốn bày tỏ quan niệm cá nhân rằng, tất cả những gì chúng ta nói, nghe hằng ngày, từ đường lối, chính sách phát triển đất nước trong 10, 20, 30 năm, đến cải cách bộ máy quản trị quốc gia hay cải cách hành chính,… đều là công cụ, phương tiện để đi đến mục tiêu đó.
Nhân dân đồng tình, ủng hộ tất cả những ai đưa ra được công cụ, phương tiện tốt nhất để dân ta dùng nó phấn đấu tiến nhanh hơn đến mục tiêu đã đề ra. Ngược lại, dân sẽ phản đối, không chấp hành, thậm chí tìm cách xóa bỏ những công cụ, phương tiện làm đất nước tiến chậm, hay thụt lùi so mục tiêu đề ra. Trong đời thường, những người thông minh bao giờ cũng thay đổi công cụ, phương tiện nhanh nhất có thể mỗi khi thấy công cụ, phương tiện đang sử dụng không còn thích hợp.
Theo tinh thần đó và nhân trên các diễn đàn chính thức và trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân, trong bài viết này, tôi chỉ nêu những thí dụ cụ thể liên quan đến thành phần kinh tế này để cùng tham khảo.
Phát triển giao thông ở Hà Nội đang gặp nhiều trở ngại |
I. Phát hiện, sửa từ gốc, sửa nhanh, kịp thời những sai lầm về đường lối, chính sách luôn tạo nên bước đột biến trong phát triển đất nước.
Qua quan sát quá trình phát triển đất nước, nhất là từ sau ngày thống nhất đến nay, tôi có nhận xét rằng, khi nào Đảng phát hiện, sửa từ gốc, sửa nhanh, kịp thời những sai lầm về đường lối, chính sách phát triển đất nước đều tạo nên bước đột biến trong phát triển về từng lĩnh vực hoặc tổng thể nền kinh tế, xã hội của nước ta.
Xin dẫn chứng một ví dụ: Hợp tác hóa nông nghiệp theo kiểu cũ, một thời gian dài được xem là một trong những “quy luật cơ bản” theo Tuyên bố của Hội nghị 12 Đảng Cộng sản và Công nhân các nước XHCN tháng 11 năm 1957 và Đảng ta xem đó là “Cương lĩnh chung của chúng ta”, đã tỏ ra không phù hợp, gây nên tình trạng một đất nước nông nghiệp mà thiếu lương thực trầm trọng, Nhà nước phải đi vay bo bo, lúa mì về cho dân ăn.
Đảng đề ra chủ trương “khoán hộ”, mà thực chất là xóa bỏ nhanh hệ thống hợp tác xã nông nghiệp theo kiểu cũ một thời được cho là “quy luật”, là “nguyên lý” xây dựng CNXH ở nước ta. Đó chính là sửa từ gốc. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã chuyển từ nước nhập khẩu lương thực sang nước xuất khẩu lương thực. Và nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong khi mỗi năm dân số tăng thêm trên 1 triệu người, đất canh tác nông nghiệp bị thu hẹp lại do phát triển đường giao thông, công nghiệp và đô thị.
Qua ví dụ trên đây và rất nhiều ví dụ tương tự khác chứng tỏ rõ ràng rằng, Đảng sửa từ gốc và sửa nhanh đường lối sai lầm trước đó thì tạo nên bước ngoặt vô cùng to lớn, mang tính đột biến trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Thiết nghĩ đây cũng là bài học cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp.
II. Kinh tế tư nhân nước ta phát triển chưa như mong muốn có phải là do sửa sai về đường lối quá chậm?
Đảng đã có Nghị quyết về phát triển nền kinh tế đa thành phần sở hữu từ 30 năm trước. Chẳng hạn, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, tháng 6/1991 đã đưa ra nhiều nội dung rất quan trọng, cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân, về đa dạng về hình thức sở hữu, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.
Đây thực sự là một nghị quyết sửa sai từ gốc rễ trong lĩnh vực kinh tế, bởi “xóa bỏ chế độ tư hữu” đã được ghi ngay trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản: “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu”, bởi Đảng ta xem “thủ tiêu chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa và kiến lập chế độ sở hữu công cộng về những tư liệu sản xuất cơ bản...” là quy luật, là cương lĩnh xây dựng CNXH ở nước ta theo như Tuyên bố của Hội nghị 12 đảng Cộng sản và Công nhân các nước XHCN tháng 11 năm 1957 tại Moscova, mà lãnh đạo Đảng ta có tham gia ký.
Nhưng rất đáng tiếc, việc sửa sai này diễn ra quá chậm, thậm chí có mặt còn thụt lùi. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên tình trạng thành phần kinh tế tư nhân phát triển không như mong muốn.
(i) Kinh tế tư nhân đang bị “teo tóp” trong bối cảnh cạnh tranh diễn ra ngày một gay gắt là điều có thật.
Tại bài viết “Vì sao Việt Nam tụt hậu?” trên cơ sở số liệu của cuộc Tổng điều tra kinh tế 2017 do Tổng cục Thống kê công bố, người viết khẳng định doanh nghiệp nội địa ngày càng teo tóp.
Xin nhắc lại một vài con số từ Báo cáo của Tổng cục thống kê: vào thời điểm tháng 1/2017 cả nước có 517. 924 doanh nghiệp hoạt động; và con số mới nhất là 714000 doanh nghiệp. Trong khi đó, năm 2008 chúng ta đã có 800.000 doanh nghiệp hoạt động.
Đặc biệt, quy mô doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ, số doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh, chiếm trên 98% tổng số doanh nghiệp. Trong số doanh nghiệp vừa và nhỏ thì doanh nghiệp siêu nhỏ là chủ yếu, chiếm đến 74-75%. Số liệu trên đây cũng cho thấy mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 đã trở nên quá xa vời.
Tình hình này dẫn đến sự thua thiệt tất yếu trong cuộc cạnh tranh đang diễn ra ngày một gay gắt. Doanh nghiệp trong nước ngày càng bị đẩy vào tình thế teo tóp vì doanh nghiệp siêu nhỏ thì làm sao tiếp cận được các nguồn vốn vay từ các ngân hàng, dù lãi vay tại các ngân hàng của chúng ta là quá cao, nhưng chưa hạ được. Không vay vốn được từ các ngân hàng, không ít doanh nghiệp siêu nhỏ muốn tồn tại buộc phải vay trên thị trường chợ đen với điều kiện và lãi suất “cắt cổ”. Đây là nguyên nhân trực tiếp đẩy không ít các doanh nghiệp siêu nhỏ đến phá sản…
(ii) Các nguyên nhân gây nên rất nhiều khó khăn, cản trở phát triển kinh tế tư nhân nêu trong các văn kiện chính thức và trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng là điều có thật và phần lớn là rất đúng, nhưng chưa đủ, chưa phải là nguyên nhân cốt lõi.
Đọc các tư liệu đã công bố công khai liên quan đến nguyên nhân gây cản trở phát triển kinh tế tư nhân và các giải pháp tháo gỡ, tôi có nhận xét rằng số lượng nguyên nhân quá nhiều, phần lớn là đúng, nhưng có quá ít người nêu nguyên nhân cốt lõi, nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây cản trở kinh tế tư nhân phát triển.
Từ đó, các giải pháp được đưa để sửa sai, trong đó có những giải pháp đang tổ chức triển khai rầm rộ trong cuộc sống, đương nhiên cũng rất nửa vời, chỉ xử lý cái ngọn. Và vì vậy, cắt “ngọn” này thì ngay lập tức mọc lên hàng chục “ngọn” khác. Xin nêu dẫn chứng cụ thể là điều kiện kinh doanh.
“Điều kiện kinh doanh” hay “giấy phép con” mọc lên như nấm sau mưa, đang trở nên “thịnh thành” ở nước ta. Cơ quan quản lý nhà nước đặt ra các “điều kiện kinh doanh”, tức là người dân muốn làm gì liên quan đến “điều kiện kinh doanh” đều phải xin phép.
Đây là sự thụt lùi đáng sợ, bởi tư duy kinh tế xin- cho, cản trở phát triển đất nước đã bị lên án và chúng ta tìm mọi cách xóa nó từ mấy chục năm trước, sau khi có Luật Doanh nghiệp 1999, thì nay được “khôi phục” lại mạnh mẽ hơn. Ai cũng phải thừa nhận, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây cản trở phát triển kinh tế tư nhân.
Cách sửa sai hiện nay chủ yếu là cơ quan quản lý Nhà nước ra chỉ thị cắt giảm giấy phép con, và lập các đoàn công tác đến bộ này, cơ quan nọ kiểm tra việc thực hiện. Nơi nào làm tốt thì biểu dương, khen thưởng. Nơi nào làm kém thì chê…
Thực ra cách làm này chỉ là sự lặp lại cách làm của Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp năm 1999. Một trong những thay đổi mang tính cách mạng của Luật Doanh nghiệp 1999 là ‘người dân có thể làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm’ thay cho công thức ‘người dân chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép’, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển nhiều chục năm trước đó.
Thủ tướng Phan văn Khải đã quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp với nhiệm vụ hàng đầu đưa thật nhanh Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống. Tổ công tác đi khắp “hang cùng ngõ hẻm” để dọn dẹp giấy phép con và chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn xóa bỏ được khoảng ½ giấy phép con. Thành công này góp phần làm tăng trưởng rất nhanh số lượng doanh nghiệp tư nhân trong khoảng 5-7 năm đầu, kể tư ngày Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực pháp luật. Đến năm 2008, chúng ta đã có 800.000 doanh nghiệp hoạt động.
Đáng tiếc là sau đó vì nhiều lý do, nạn giấy phép con lại mọc lên với tốc độ khá cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Nhắc lại chuyện cũ này để thấy, nên thay đổi từ gốc cách xóa giấy phép con mới mong góp phần cải thiện được môi trường kinh doanh như mong muốn.
Tôi cho rằng, việc các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành tràn lan giấy phép con là vi phạm Hiến pháp, bởi Điều 33, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành giấy phép con tràn lan như hiện nay thì làm gì rộng đất để dân “tự do kinh doanh”?! Vì vây, nếu cơ quan quản lý Nhà nước làm theo quy định của Hiến pháp thì điều họ phải làm là ra các văn bản quy định những ngành nghề cấm kinh doanh. Số lượng các ngành nghề bị cấm này là vô cùng ít.
Ngoài ra, để bảo đảm sự an toàn trong kinh doanh, tránh ảnh hưởng xấu đến các cân đối lớn có liên quan, Nhà nước cần có quy đinh danh mục rất ít ngành nghề cần có “điều kiện kinh doanh”. Chẳng hạn trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, các tổ chức tín dụng không được sử dụng quá 80% số tiền huy động được để cho vay.
Nếu thực thi đúng quy định của Hiến pháp thì cơ quan quản lý nhà nước cấp trên chỉ cần kiểm tra ai vi phạm Hiến pháp thì xử lý người đó và xóa luôn các “sản phẩm” vi Hiến do người đó ban hành, thay cho việc lập đoàn đi đến tận nơi “thương lượng” với người vi phạm Hiến pháp để họ cắt giảm giấy phép con, mà không biết rằng cắt giảm giấy phép con này thì ngay lập tức cũng chính người đó sẽ “sáng tác” ra hàng loạt giấy phép con khác như họ đã từng làm hàng chục năm qua...
Làm như vậy, chúng ta tiết kiệm không biết bao nhiêu công sức, tiền của của dân mà xử lý được tận gốc vấn đề. Đồng thời, nếu thực thi đúng quy định của Hiến pháp thì cơ quan quản lý Nhà nước không bị dân phê phán, thậm chí không bị dân chửi khi ban hành các văn bản đại thể như Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp, phát triển nông thôn “Những sản phẩm được phép lưu hành trong chăn nuôi lợn” ngày 11 tháng 02 năm 2019.
Theo Thông tư 02, ai cho lợn ăn chuối cây, ăn bèo đều có thể bị phạt tù vì vi phạm pháp luật (!?) bởi trong Thông tư này không nhắc đến chuối cây, bèo… Thay vì “chửi”, dân chắc chắn sẽ “khen”, nhất là sẽ “tin” khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư “Những sản phẩm cấm lưu hành trong chăn nuôi lợn”.
Doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được đối xử bình đẳng. |
(iii) Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên tình trạng thành phần kinh tế tư nhân phát triển không như mong muốn là chậm sửa các đường lối chính sách lớn về kinh tế không phù hợp.
Xin được nhắc lại, nhờ có cuộc cách mạng trong thay đổi tư duy, năm 1986 Đảng mới ra Nghị quyết chuyển nền kinh tế nước ta từ thực chất là đơn thành phần sở hữu sang nền kinh tế với đa thành phần sở hữu, trong đó thừa nhận kinh tế tư nhân: “Sử dụng kinh tế tư bản tư nhân (tư sản nhỏ) trong một số ngành, nghề”.
Từ chỗ bằng mọi cách “tiêu diệt” kinh tế tư bản tư nhân đến chỗ thừa nhận sự tồn tại và “Sử dụng kinh tế tư bản tư nhân” thực sự là một bước nhảy vọt về đường lối. Tuy nhiên, từ bước “nhảy vọt” hơn 30 năm trước, cho đến nay chúng ta vẫn còn loay hoay xác định vị trí của các thành phần kinh tế trong quá trình phát triển đất nước. Và đây, theo quan điểm của cá nhân tôi, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho kinh tế tư nhân chưa phát triển như mong muốn.
(i). Về thành phần kinh tế nhà nước: Ngay từ ngày đầu thời kỳ đổi mới cho đến nay, kinh tế nhà nước luôn ở vị trí “chủ đạo”; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể luôn ở vị trí “nền tảng vững chắc” của nền kinh tế quốc dân. Cương lĩnh 2011 ghi rõ: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”; “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”, bất chấp trong hơn 30 năm đổi mới các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế diễn biến thế nào và theo hướng nào.
Có thể trong một số năm đầu của thời kỳ đổi mới, điều khẳng định trên đây là có cơ sở, nhưng ít nhất là từ giữa những năm 90, nhận định này đã trở nên lỗi thời. Doanh nghiệp nhà nước dần dần không còn là đầu tàu của phát triển kinh tế, không còn là “tấm gương” để doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác noi theo, đó là chưa kể đến những “tấm gương” rất xấu… Giá như, chúng ta thay đổi sự đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân ngay khi sự khẳng định trước đó đã không còn phù hợp với thực tế cuộc sống thì tình hình hiện có thể đã khác hơn nhiều.
(ii). Về thành phần kinh tế tư nhân: Trước hết, cần phải khẳng định, trong các văn kiện chính thức, vai trò và vị trí của thành phần kinh tế tư nhân cũng có thay đổi theo thời gian và chính sách của Nhà nước đối với thành phần kinh tế này cũng có sự thay đổi theo.
Tuy nhiên, sự thay đổi đó là quá chậm. Tôi xin trích dẫn đường lối của Đảng qua các kỳ Đại hội để cùng tham khảo.
Đại hội VI, 1986: “Sử dụng kinh tế tư bản tư nhân (tư sản nhỏ) trong một số ngành, nghề”. Đại hội VII, 1991: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”. Đại hội VIII, 1996: “Kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước”. Đại hội IX, 2001: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm”. Đại hội X, 2006: “Xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”.
Gần đây, Đại hội XI, 2011: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Đại hội XII, 2016: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Như vậy, kinh tế tư nhân được khẳng định là “một trong những động lực” hay “một động lực quan trọng” thì làm sao sánh được với “nền tảng” hay “nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Xin có thêm vài bình luận về 2 nội dung vừa nêu:
Thứ nhất, như đã nêu, thành phần kinh tế nhà nước, mà nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước luôn có vai trò quan trọng, nhất là giai đoạn đầu của quá trình đổi mới. Đến nay, nhiều “mặt trận” vẫn còn cần sự có mặt của doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn, nhiều ngành, lĩnh vực rất cần cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng kinh tế tư nhân không thể làm hoặc không muốn làm. Đó là những lĩnh vực cần vốn đầu tư quá lớn, nhưng thu hồi vốn quá chậm; đó là lĩnh vực ứng dụng khoa học, công nghệ đầu nguồn, mang tính chất thử nghiệm, rủi ro cao, nhưng nếu thành công thì áp dụng chung cho cả nền kinh tế; đó là lĩnh vực quốc phòng an ninh. Việc doanh nghiệp nhà nước còn giữ vị trí quan trọng trong một thời gian không ngắn là tất yếu khách quan. Nhưng từ vị trí “quan trọng” được nâng lên thành “chủ đạo”; “nền tảng” hoặc “nền tảng ngày càng vững chắc” là không thỏa đáng, để lại không ít hệ lụy:
- Gây khó khăn quá lớn cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Vài chục năm nay, mục tiêu, chỉ tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm, 5 năm luôn bị phá vỡ. Ai cũng biết, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là công việc không dễ dàng. Chẳng hạn, xác định đúng giá trị doanh nghiệp cả phần vật thể lẫn phi vật thể (thương hiệu của doanh nghiệp...) là rất khó, cần nhiều thời gian. Khó nhưng không thể không làm, kinh nghiệm của các nước cũng vậy. Nhưng ở nước ta, bởi có thêm cụm từ “nền tảng”, nên các cơ quan quản lý bao giờ cũng quy định giữ lại lợi thế cho phía nhà nước. Chẳng hạn chỉ cổ phần hóa dưới 50% giá trị doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò điều hành. Điều đó làm các nhà đầu tư ngoài nhà nước không muốn mua. Vì vậy, không ít trường hợp bán cổ phần khá rẻ cũng không ai mua.
- Hạn chế kinh tế tư nhân phát triển. Nhiều nghị quyết gần đây có nêu chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, nhất là kinh tế tư nhân trong nước, nhưng họ còn “đất” đâu để phát triển. Những ngành nghề, lĩnh vực “ngon” thì doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI nắm giữ hết rồi, làm gì còn phần cho kinh tế tư nhân trong nước?! Đó là chưa kể chủ trương thành lập Tập đoàn kinh tế nhà nước “kinh doanh đa ngành”, việc làm này thực chất là đẻ ra các công ty con để tranh phần với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong nước, càng đẩy khối doanh nghiệp này đến “teo tóp”.
Thứ hai, trên thực tế chúng ta có sự phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân ngay trong đường lối, chính sách. Điều đó, xin được nhắc lại, thể hiện qua hai mệnh đề sau đây: (i) “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.”. Và (ii) Kinh tế tư nhân “trở thành một trong những động lực của nền kinh tế” hay “trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Từ đó, các cơ quan quản lý đảng và nhà nước, dù ở cấp nào, bao giờ cũng dành “phần hơn” cho thành phần kinh tế “chủ đạo”; “nền tảng” là điều đương nhiên.
Hình như những người làm chính sách có sự nhầm lẫn trong việc sử dụng các tiêu chí để xác định vai trò của các thành phần kinh tế? Cụ thể, nếu như xét theo khía cạnh đóng góp vào tăng trưởng GDP, đóng góp vào thu ngân sách..., nhất là thời kỳ đầu thì nhận định trên về kinh tế nhà nước có thể đúng phần nào. Nhưng xét theo tiêu chí “giải quyết việc làm”, tức ai là người làm giàu cho đất nước thì đánh giá như trên ngày càng không phù hợp với thực tế cuộc sống.
Từ đó, tôi xin kiến nghị các cơ quan quản lý cần đưa tiêu chí “giải quyết việc làm” lên hàng đầu, khi xem xét vai trò của các thành phần kinh tế. Bởi làm như kiến nghị này là phù hợp với Điều 57, Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động”; phù hợp với thực tế khách quan của nước ta là khoảng 92% người lao động (khoảng 45 triệu người) làm việc trong các doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân. Không ai khác, chính 45 triệu con người này đang từng ngày, từng giờ làm giàu cho đất nước. Chỉ tiêu tạo việc làm là thông lệ chung của nhiều nước phát triển. Các nước này thưởng lấy “chỉ số việc làm” để đo sức khỏe nền kinh tế; để làm một trong những căn cứ quan trọng trong việc xử lý nhiều yếu tố liên quan đến kinh tế vĩ mô.
Nói đến đây, tôi cảm thấy buồn khi nghe mỗi năm có cả trăm nghìn người Việt Nam được “xuất khẩu” đi lao động nước này, nước nọ. Buồn bởi chúng ta chưa tạo đủ việc làm cho dân, buộc một bộ phận lao động có chất lượng phải “tha phương cầu thực”, làm giàu cho những nước vốn đã rất giàu.
Từ những điều vừa nêu, xin có một kiến nghị nhỏ: tại Đại hội XIII tới đây, Đảng cần có nghị quyết thay đổi cơ bản cách đánh giá vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, xóa mọi đánh giá mang tính phân biệt đối xử, gây cản trở sự phát triển kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đó, có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển mạnh khu vực kinh tế này.
Hải Lộc