Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng sáng nay trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư công sửa đổi.

Theo ông, lần sửa đổi này thể hiện tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.

Việc sửa đổi cũng nhằm bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế xin - cho.

nguyen chi dung
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư công sửa đổi. Ảnh: QH

Đáng lưu ý, lần sửa đổi này đưa ra chủ trương nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên.

Chính phủ cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng.

Dự án nhóm A từ 10.000 - 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Lần sửa đổi này dự kiến phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách từ Thủ tướng cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho chủ tịch UBND các cấp.

Theo đó, đối với vốn ngân sách trung ương, các dự án nhóm A, B và C có tổng mức đầu tư dưới 10.000 tỷ đồng thì gia hạn thời gian bố trí vốn không quá 1 năm.

Đối với nhóm A từ 10.000 - 30.000 tỷ, gia hạn thời gian bố trí vốn không quá 2 năm.

Ngoài ra, Thủ tướng sẽ quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến cho rằng việc đổi mới để tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết và phù hợp.

Tuy nhiên, ông Mạnh lưu ý, các nội dung này mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, áp dụng cho một số công trình, dự án cụ thể. Do vậy, cần có báo cáo bổ sung, đánh giá kỹ tác động của chính sách để Quốc hội xem xét quyết định. 

Tương tự, theo cơ quan thẩm tra, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án (thực chất là đẩy mạnh phân cấp) là cần thiết, song việc điều chỉnh cần được tính toán theo một tỷ lệ thống nhất giữa các loại dự án. 

“Đề nghị xem xét thêm mức tăng quy mô vốn của các nhóm dự án so với quy định hiện hành để phù hợp với mức tăng trưởng GDP, năng lực quản lý dự án của các bộ, ngành, địa phương và chỉ số giá xây dựng quốc gia đã được ban hành qua các năm”, ông Mạnh nêu.