
Sữa giả len lỏi vào cơ sở y tế
Trao đổi với PV VietNamNet, Phó Giáo sư Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc cho biết, ông sẽ có ý kiến về việc các bệnh viện nên rà soát lại xem bệnh viện của mình có bán các loại sữa có trong 573 loại sữa giả, sản phẩm của công ty trong đường dây làm sữa giả vừa bị công an triệt phá.
Ông Cơ cho biết, nội dung này được đề cập trong phiên họp chính thức tại hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2025, tổ chức ngày 18-19/4.
Trước đó, chị T.P (Hà Nội) lo lắng khi phát hiện uống phải sữa giả. Chị P. sinh con ngày 15/3 tại một bệnh viện ở Thủ đô và uống một hộp Nitrogen (một sản phẩm thuộc hệ sinh thái trong vụ sữa giả) sau sinh em bé, để mong "sữa về" và khỏe mạnh chăm con.
“Sinh mổ không có sữa cho con bú nên tôi cố uống để có sữa mà ngờ đâu lại uống phải sữa giả", chị P. rầu rĩ.
Tương tự, trên mạng xã hội, chị V.Đ.H. (Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện và hình ảnh hộp sữa được bác sĩ kê kèm đơn thuốc khi người thân của chị bị gãy chân phải vào viện bó bột. Khi được hỏi là "bệnh viện nào kê đơn?", chị H. đã trả lời với tên bệnh viện viết tắt là "VĐ".

Trước đó, ngày 17/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) thừa nhận đã từng cung cấp cho bệnh nhân loại sữa dinh dưỡng y học Hofumil Gold Plus thuộc một đường dây sản xuất sữa giả, khiến dư luận không khỏi rúng động.
Bệnh viện đã chỉ đạo "dừng tư vấn sử dụng sữa Hofumil Gold Plus và thu hồi sản phẩm để trả lại đơn vị cung ứng"; liên hệ với người bệnh đã được tư vấn sử dụng sữa Hofumil Gold Plus để khuyến cáo dừng sử dụng.
Đến ngày 18/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cũng thông báo dừng tư vấn cho người bệnh dùng sản phẩm sữa Hapomil của Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma - một trong những đơn vị bị điều tra trong vụ việc nêu trên.
Nỗi sợ hàng giả trong bệnh viện
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, sữa giả len lỏi vào trong bệnh viện và có thể có ở các cơ sở y tế khác nữa.
Sữa Hofumil Gold Plus giả được trúng thầu vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với hồ sơ đầy đủ, từ nguồn gốc, giấy phép, đến phiếu kiểm định chất lượng chứng tỏ mạng lưới sản xuất – tiếp thị – hợp thức hóa giấy tờ đã hoạt động cực kỳ bài bản và qua mặt được nhiều khâu giám sát.

Bác sĩ Hoàng cho rằng, sữa được bác sĩ kê đơn hay bệnh viện với giá gần 1 triệu đồng, người bệnh tự bỏ tiền túi ra mua nhưng là hàng giả sẽ gây nỗi sợ hàng giả ngay chính cơ sở y tế nơi người bệnh đặt niềm tin về sức khỏe rất lớn.
Một bệnh viện phát hiện sữa giả dẫn tới cả hệ thống bệnh viện công lập bị đặt vào tình trạng “nghi ngờ”.
Theo ông Hoàng, các bệnh viện nên thiết lập quy trình kiểm nghiệm sau nhập hàng, trước khi sử dụng cho bệnh nhân; tăng vai trò hội đồng thuốc và điều trị trong việc xét duyệt sản phẩm. Bệnh viện cần xây dựng hệ thống cảnh báo nội bộ, tiếp nhận nghi ngờ từ y bác sĩ và người bệnh; rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhà cung cấp.
Đối với cơ quan nhà nước, ông Hoàng cho rằng các đơn vị cần:
- Phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ trong quản lý dinh dưỡng y học và thực phẩm chức năng.
- Cải cách Luật Đấu thầu theo hướng linh hoạt hơn, cho phép đánh giá chất lượng vượt lên trên giá cả.
- Tăng cường hậu kiểm, thanh tra định kỳ và công khai kết quả.
- Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại bệnh viện và nhà thuốc.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành rà soát các sản phẩm do 11 công ty nằm trong đường dây sản xuất sữa giả đang bị điều tra để cảnh báo người tiêu dùng.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, liên quan tới sữa giả len lỏi vào bệnh viện, trong ngày 19/4 Cục sẽ ra văn bản yêu cầu các cơ sở y tế rà soát lại các sản phẩm sữa, bổ sung dinh dưỡng.


Sữa giả lọt lưới, bệnh viện nói bị hại, bác sĩ quảng cáo kêu bị lợi dụng, lỗi của ai?
