Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 đến nay đã được sửa đổi 3 lần. Tuy nhiên trên thực tế, một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc khi xác định thuế Thu nhập cá nhân đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Đóng góp cho việc sửa đổi Luật Thuế TNCN dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2025, dưới đây là một số kiến nghị của nhóm nghiên cứu và tư vấn chính sách thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Điều chỉnh biểu thuế và thuế suất thuế TNCN để đảm bảo mức độ lũy tiến hợp lý

Theo dữ liệu tổng hợp từ PwC năm 2020, so với các nước ASEAN-5, thuế suất thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam đang ở mức cao. Mức thuế suất cao nhất của Việt Nam là 35%, bằng với Thái Lan và Philippines, nhưng cao hơn những nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam như Indonesia (30%), Malaysia (28%) và Singapore (22%). Mức thuế suất thấp nhất của Việt Nam là 5%, bằng với Indonesia, nhưng cao hơn tất cả các nước trong khu vực. Hầu hết các nước trong khu vực đều áp mức thuế suất 0% đối với nhóm thu nhập thấp.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Thuế thu nhập cá nhân ở Việt nam chủ yếu thu được từ nhóm làm công ăn lương (chiếm khoảng 50% lực lượng lao động, nhưng đóng góp tới 70% trong tổng số thu thuế thu nhập cá nhân), tức là thuế này chủ yếu là thuế đánh vào lao động.

Các nguồn thu nhập khác như thu nhập từ kinh doanh (tự doanh, kinh doanh online, chuyển nhượng bất động sản, v.v.) đóng góp vào thuế ít hơn là do những đối tượng nộp thuế này vẫn nằm trong diện “khó nắm” với cơ quan quản lý thuế. Về lý thuyết, mối quan hệ giữa thuế suất và số thu thuế được mô tả bằng hình chữ U ngược (còn gọi là đường cong Laffer). Đồng thời, rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng kết luận rằng đánh thuế cao vào lao động, đặc biệt đối với nhóm lao động có kỹ năng, sẽ làm giảm động lực lao động đáng kể. Mức giảm tổng thu nhập do giảm nỗ lực lao động làm giảm tổng số thu thuế TNCN có khả năng lấn át mức tăng số thu thuế TNCN do áp mức thuế suất cao.

Hơn nữa, mức thuế suất áp trên các loại thu nhập tính thuế khác nhau còn rất bất hợp lý. Thuế đánh vào lao động thì nặng và triệt để, trong khi thuế đánh vào các khoản thu nhập khác, đặc biệt là các khoản thu “trời ban” như thu từ trúng thưởng thì lại quá thấp (chỉ 10% như hiện nay) là không hiệu quả và không công bằng. Vì thuế thu nhập từ trúng thưởng là loại thuế không bóp méo nên lẽ ra cần phải áp mức thuế suất cao.

Qua tìm hiểu thực trạng về biểu thuế suất thuế TNCN ở Việt Nam và một số quốc gia, nhóm nghiên cứu đề xuất: 

- Giảm số bậc thuế giúp cho việc kê khai và tính thuế đơn giản hơn, nâng cao ý thức tuân thủ thuế của người dân và tránh thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Nhiều quốc gia có hệ thống thuế đơn giản. Ví dụ, trong ASEAN-5, tính cả bậc 0%, số bậc thuế ở Indonesia là 4 bậc, ở Philippines là 6 bậc; còn ở Anh là 4 bậc; 

- Nới rộng khoang thu nhập tính thuế đối với các nhóm thu nhập thấp và trung bình để hạn chế việc chuyển bậc thuế thường xuyên, giúp giảm áp lực thuế khóa đối với những nhóm này; 

- Thu hẹp khoang thu nhập tính thuế của các nhóm thu nhập khá và cao sao cho đảm bảo tính lũy tiến hợp lý của thuế; Điều chỉnh các mức thuế suất theo hướng đảm bảo tính lũy tiến hợp lý nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhóm lao động kỹ năng thấp mà vẫn không làm giảm động cơ lao động của nhóm lao động có kỹ năng cao và giảm tình trạng gian lận thuế; Điều chỉnh tăng các mức thuế suất áp trên các nguồn thu nhập ngoài lương, đặc biệt là khoản thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ thừa kế.

Sau đây là hai cách điều chỉnh biểu thuế suất thuế thu nhập cá nhân đánh vào tiền lương, tiền công: 

Cách thứ nhất: Giảm số bậc thuế xuống còn 5 bậc. Áp dụng mức thuế suất 0% đối với nhóm có thu nhập tính thuế dưới 5 triệu đồng để đảm bảo những cá nhân có thu nhập thấp không phải chịu áp lực thuế khóa và có thể trang trải cho một mức sống tối thiểu. Áp mức thuế suất 3–5% đối với nhóm thu nhập trung bình và nới rộng khoang thu nhập tính thuế của nhóm này để tránh hiện tượng chuyển bậc thuế thường xuyên. Các mức thuế suất tăng dần ở các bậc tiếp theo với mức chênh lệch thuế suất giữa nhóm thu nhập tính thuế trung bình và khá nhỏ hơn mức chênh lệch giữa nhóm thu nhập tính thuế khá và cao.

Đồng thời, thu hẹp khoang thu nhập tính thuế của các nhóm thu nhập khá và cao để việc chuyển bậc diễn ra nhanh hơn và do đó mở rộng phần đóng góp của họ vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, mức thuế suất cao nhất chỉ nên ở mức 22% đến 25% vì mức này sẽ cân đối với các sắc thuế trực thu khác và thu hút được nhóm lao động có kỹ năng và năng suất cao, nhóm đóng góp nhiều hơn vào thu nhập quốc gia và ngân sách nhà nước, và giảm hiện tượng trốn thuế. Tuy nhiên, để xác định được chính xác mức thuế suất cao nhất thì tốt nhất là căn cứ vào kết quả nghiên cứu thực nghiệm.  

Cách thứ hai: Giảm số bậc thuế xuống còn 5 bậc. Hạ mức thuế suất của bậc thuế đầu tiên xuống mức 2–3%, đồng thời nới khoang thu nhập tính thuế này đến 10–12 triệu đồng. Bởi vì, cá nhân có mức thu nhập thấp nhất trong khoang này gần như chỉ được tiêu phần thu nhập giảm trừ cho bản thân và một người phụ thuộc cho những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu ở mức tối thiểu. Còn đối với cá nhân có mức thu nhập cao nhất trong khoang này, thu nhập khả dụng của người này cũng chỉ vừa đủ trang trải cho chi phí sinh hoạt cho mình và cho một người phụ thuộc mà chưa có tiết kiệm.

Tương tự như cách thứ nhất, thuế suất sẽ tăng dần ở những bậc tiếp theo, nhưng mức chênh lệch thuế suất giữa nhóm thu nhập tính thuế trung bình và khá nên nhỏ hơn mức chênh lệch giữa nhóm thu nhập tính thuế khá và cao. Thu hẹp khoang thu nhập tính thuế của các nhóm thu nhập khá và cao; đồng thời, hạ mức thuế suất đối với bậc thuế suất cao nhất. Mức này nên được xác định dựa trên kinh nghiệm quốc tế và kết quả nghiên cứu thực nghiệm. 

Nâng mức giảm trừ gia cảnh (hay ngưỡng thu nhập tính thuế) sát với mức chi phí sinh hoạt thực tế

Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay dựa trên mức chi phí sinh hoạt tại năm 2020. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, lạm phát đã liên tục tăng làm tăng chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, lạm phát trung bình giai đoạn 2020–2023 là khoảng 3%/năm. Thực tế là, tốc độ đô thị hóa đã và đang diễn ra ngày càng nhanh khiến cho cầu về các nhóm thực phẩm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông đều tăng mạnh nên lạm phát ở các thành phố lớn cao hơn mức này khá nhiều. Vì thế, cách xác định mốc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là khi CPI biến động trên 20% được đưa ra từ năm 2004, thời điểm lạm phát đang ở mức hai con số, không nên được tiếp tục áp dụng ở thời điểm hiện tại nữa. Điều này làm cho mức giảm trừ gia cảnh hiện tại trở nên không còn phù hợp với thực tế chi tiêu, đặc biệt ở các đô thị và thành phố lớn. 

Trong giai đoạn 2020–2023, theo tính toán từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam là 4,64%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng dân số trung bình là khoảng 0,98%/năm. Điều đó có nghĩa là, mức sống trung bình của cả nước trong giai đoạn này đã tăng khoảng 3,7%/năm. Trên thực tế, mức sống ở những vùng đô thị thường tăng nhanh hơn đáng kể so với những vùng nông thôn. Điều đó kéo tăng mức chi phí sinh hoạt, đặc biệt ở các đô thị và thành phố lớn khiến cho mức giảm trừ gia cảnh lại càng trở nên lạc hậu.    

Nói tóm lại, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc ở Việt Nam hiện nay là quá thấp, còn mang tính chất cào bằng mà chưa tính đến các yếu tố đặc thù.  

Trên cơ sở phân tích thực trạng về mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc ở Việt Nam kể từ năm 2020 đến nay, nhóm nghiên cứu xin có một số đề xuất sau đây nhằm điều chỉnh các mức giảm trừ gia cảnh theo hướng hợp lý hơn để đảm bảo công bằng. 

Thứ nhất, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Mức giảm trừ phù hợp cần được xác định dựa trên mức chi phí sinh hoạt sát với thực tế hơn. Nhóm nghiên cứu cho rằng nên áp dụng mức giảm trừ 2 phần: mức cơ bản áp dụng chung cho tất cả các vùng và mức bổ sung thì đa dạng theo vùng/khu vực mà người nộp thuế sinh sống và tạo ra thu nhập. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên bao nhiêu thì cần phải dựa trên các nghiên cứu thực tế khách quan. 

Thứ hai, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là bao nhiêu cũng phải dựa trên các nghiên cứu thực tế khách quan. Trên thực tế, không có cơ sở cho rằng mức chi phí cho những người phụ thuộc chỉ bằng 40% mức chi phí cho người nộp thuế. Nếu người phụ thuộc là trẻ nhỏ hoặc người già không có thu nhập và ít ốm đau thì mức chi phí có thể ở mức 70% chi phí cho người nộp thuế. Còn, nếu người phụ thuộc là trẻ đi học thì chi phí không thấp hơn chi phí cho người nộp thuế do chi phí cho giáo dục và giao thông cao. Vì thế, đối với đối tượng phụ thuộc là trẻ đi học, có thể có khoản giảm trừ bổ sung để bù đắp như được trình bày ở phần sau.      

Thứ ba, bổ sung một số khoản giảm trừ theo đối tượng để tính đến các yếu tố đặc thù. Giảm trừ bổ sung có thể bao gồm: giảm trừ theo vùng/khu vực, học phí đại học, lãi vay học đại học, giảm trừ cho người phụ thuộc là người già không có lương hưu hoặc lương lưu thấp sống cùng hoặc không sống cùng con, v.v.   

Thứ tư, để có cơ sở xác định mức giảm trừ gia cảnh hợp lý, cần: điều chỉnh cách tính chi phí sinh hoạt bằng cách điều chỉnh giỏ hàng tính CPI để giỏ hàng bao gồm đầy đủ những thứ hàng hóa và dịch vụ mà một người tiêu dùng điển hình mua một tháng. Việc sử dụng giỏ hàng quá cũ không phản ánh đúng thực tế sinh hoạt của người dân; điều chỉnh mức giảm trừ theo kịp với diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Thuế TNCN được nộp theo năm nên việc điều chỉnh tốt nhất nên được thực hiện hàng năm để phản ánh đúng sức mua thực tế của thu nhập theo lạm phát và giảm áp lực tài chính đối với người lao động. Thu nhập tính thuế là thu nhập danh nghĩa nên mức điều chỉnh phải là tổng của mức tăng của giá cả (lạm phát) và mức tăng của GDP thực (tăng trưởng kinh tế).

Tăng cường công tác quản lý hiệu quả thuế TNCN 

Thực tế lại cho thấy, thuế thu nhập cá nhân hiện nay chỉ thu được từ những đối tượng mà cơ quan quản lý thuế quản lý được. Cơ quan thuế hiện chủ yếu chỉ nắm được thu nhập của người làm công ăn lương. Thu nhập của nhóm này được báo cáo đầy đủ và khấu trừ tại nguồn, do đó họ thường không thể tránh thuế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thuế TNCN của nhóm làm công ăn lương là một trong những nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, chiếm tới hơn 70% tổng số thuế TNCN thu được từ toàn bộ người nộp thuế. Trong khi đó, các đối tượng khác như cá nhân tự doanh, kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh online, những người chuyển nhượng bất động sản, chiếm đa số, thì vẫn thuộc diện “khó nắm” đối với cơ quan thuế. Chính vì hệ thống thuế chưa theo kịp được sự phát triển của nền kinh tế số và các hình thức kiếm tiền mới nên những đối tượng này không phải chịu mức thuế tương xứng. Số thuế thu được từ các nguồn thu nhập này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số thuế TNCN. Điều này dẫn đến sự bất công bằng trong hệ thống thuế. 

Đối với các loại thu nhập ngoài lương, thuế toàn phần được áp dụng ở những mức khác nhau (Bảng 3). Đáng chú ý là, thuế đánh vào các loại thu nhập bất thường “trời ban” như trúng thưởng lại chỉ chịu mức thuế 10%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới. So với thuế thu nhập đánh vào lao động làm công ăn lương, sắc thuế này là quá thấp.  

Trên cơ sở phân tích thực trạng về việc quản lý thuế TNCN ở Việt Nam hiện nay, nhóm nghiên cứu xin có một số đề xuất như sau: 

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Luật Thuế TNCN ra đời từ 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2009. Mặc dù đã qua hai lần sửa đổi (Luật số 26/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13), nhưng do sự phát triển nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật thuế TNCN và cac Luật sửa đổi, bổ sung của Luật này tiếp tục bộc lộ một số hạn chế và chưa phù hợp với thực tiễn. Việc cải cách thuế cần tập trung vào một số vấn đề như: đơn giản hóa biểu thuế, mở rộng cơ sở tính thuế thông qua mở rộng thu nhập chịu thuế; rà soát các đối tượng được miễn, giảm thuế; giảm thuế TNCN đối với nhân lực công nghệ cao; điều chỉnh quy định về thuế đối với chuyển nhượng vốn; đơn giản hóa thủ tục kê khai và quyết toán thuế; điều chỉnh mức thuế suất đối với thu nhập từ trúng thưởng một cách phù hợp hơn.

Thứ hai, cần tăng cường giám sát các khoản thu nhập ngoài tiền lương, như thu nhập từ kinh doanh trực tuyến, dịch vụ tự do hoặc đầu tư vốn, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế khác nhau.

Thứ ba, cần điều chỉnh chênh lệch thuế suất, cân đối giữa các loại thu nhập và với các loại thuế trực thu khác để giảm thiểu sự phi hiệu quả kinh tế và đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. Hiện nay, thuế đánh vào các khoản ngoài lương như thu nhập từ trúng thưởng và thu nhập từ thừa kế, quà tặng còn đang rất thấp so với thuế đánh vào thu nhập từ tiền lương.

Cần lưu ý rằng, thuế thu nhập đánh vào lao động là loại thuế bóp méo nên nếu bị áp ở mức cao sẽ gây ra sự phi hiệu quả lớn cho nền kinh tế. Trong khi đó, thuế đánh vào các nguồn thu “trời ban” không phải là loại thuế bóp méo. Theo lý thuyết thuế tối ưu thì nên áp những mức thuế suất thấp đối với các loại thuế có tính bóp méo lớn và áp những mức thuế suất cao đối với những loại thuế có tính bóp méo nhỏ. Vì thế, các mức thuế đánh vào những nguồn thu nhập ngoài lương, đặc biệt là các nguồn thu nhập “trời ban” cần được điều chỉnh tăng cao hơn mức thuế suất cao nhất đánh vào lao động để làm giảm tổn thất phúc lợi xã hội và làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.  

Thứ tư, cần tăng cường công tác tuyên truyền về trách nhiệm thuế TNCN và cách thức tuân thủ thuế cho người nộp thuế để đạt được hiệu quả trong công tác thu thuế TNCN. Để thực hiện được việc này, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý thuế với  các cơ quan truyền thông.    

TS. Nguyễn Hoàng Oanh