Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khác với trẻ nhỏ dùng sữa làm nguồn thức ăn chủ yếu, loại thực phẩm này chỉ là một phần rất nhỏ (2,7%) trong chế độ ăn của người trưởng thành ở Việt Nam.
Mức tiêu thụ sữa của người Việt Nam chỉ ở mức 27-28 lít/người/năm, ít hơn 7-8 lần so với người Mỹ và Pháp cho nên chưa thể được coi là mặt hàng thiết yếu.
Ngày 17-19/5, hàng loạt Hiệp hội doanh nghiệp gửi công văn lên Chính phủ và Quốc hội kiến nghị không đưa sữa dành cho người cao tuổi vào danh sách bình ổn giá. Bởi theo điều 15 của Luật Giá quy định “Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”.
Ngoài ra, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đề nghị việc đưa mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào danh sách bình ổn giá của Luật Giá sửa đổi cần phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật”.
Do đó, các chuyên gia này cho rằng việc bình ổn giá cho mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi là chưa rõ dựa trên cơ sở nào.
Nói về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã phát biểu: "Chọn đối tượng này là không phù hợp, phải lựa chọn mặt hàng bình ổn là mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, sữa cho trẻ em. Vì đây là những mặt hàng tiêu thụ nhiều hơn, cần bình ổn".
Như vậy, hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị không đưa sữa dành cho người cao tuổi vào danh sách bình ổn giá, do nhận định rằng nội dung này chưa được lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, đồng thời tạo thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, không đúng với định hướng kinh tế thị trường của Chính phủ.
Bên cạnh đó, hậu Covid-19, các doanh nghiệp hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá cả nguyên liệu sữa nhập khẩu tăng rất cao và kéo dài. Việc đưa sản phẩm vào danh mục bình ổn giá sẽ làm tăng thủ tục hành chính đăng ký giá và kê khai giá phiền hà, tốn kém thời gian và công sức của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất - kinh doanh, trong khi doanh nghiệp không nhận được bất cứ hỗ trợ gì.
Các doanh nghiệp cũng sẽ rất ngần ngại khi đầu tư vào nghiên cứu khoa học các công thức mới hoặc cải thiện chất lượng cho những mặt hàng bị kiểm soát giá. Hậu quả là người tiêu dùng Việt Nam mất đi cơ hội được dùng những sản phẩm tốt.
Việc không có báo cáo tác động đầy đủ cũng như không lấy ý kiến đối tượng bị tác động không phù hợp với chủ trương xây dựng một nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng đến các cam kết thị trường tự do của Việt Nam với các nước.
Do đó, các hiệp hội mong muốn các cơ quan quản lý nên giữ ổn định chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đồng thời, đảm bảo ổn định công ăn việc làm cho người lao động.