Cái xảy nảy cái ung, thành ngữ của nước Việt những ngày này đang ứng nghiệm với UA của nước Mỹ.

Những ngày này, xã hội Việt Nam sửng sốt bởi một hình ảnh xảy ra tại nước Mỹ, một quốc gia mạnh nhất nhì, và được tiếng văn minh. Đó là vụ việc ông David Dao, một bác sĩ gốc Việt, 69 tuổi, cũng là một hành khách của chuyến bay đêm mang số hiệu 3411 của hãng hàng không United Airlines (UA) hôm 9/4, bị các nhân viên an ninh Mỹ kéo lê khỏi chiếc máy bay đang đậu trên sân bay quốc tế O'Hare, thành phố Chicago, bang Illinois. Chiếc máy bay này sẽ bay tới Louisville, bang Kentucky, cũng là nơi bác sĩ Dao tới để gặp bệnh nhân của mình như đã hẹn. Được biết, bác sĩ Dao còn là tác giả nhiều ca khúc ở hải ngoại, trong đó có ca khúc nổi tiếng “Tát nước đầu đình”, và là thành viên của nhóm Bách Việt một thời.

Hành khách hay khách bị… hành?

Có câu khách hàng là Thượng đế, nhưng hình ảnh ông Dao, với máu me đầy miệng, khuôn mặt thất thần, bị kéo lê đi dọc máy bay như một chiếc bao tải, cho thấy lúc đó ông chỉ còn là khách bị… hành. Chuyến bay khởi hành chậm 02 tiếng so với dự định và rút cục, bác sĩ Dao giờ đây trở thành người bệnh đang được điều trị ở một bệnh viện tại thành phố Chicago vì những vết thương xảy ra trong quá trình bị cưỡng chế.

Sau phút choáng váng, chỉ còn lại sự bất bình và phẫn nộ. Của chính nước Mỹ.

Vụ việc lẽ ra không đến nỗi ầm ĩ thế. Bởi lợi ích kinh doanh, có một thường lệ lâu nay, theo VietNamNet (ngày 12/4), các hãng hàng không ở Mỹ được phép bán nhiều vé hơn số chỗ có trên máy, vì trong thực tế vẫn luôn có một số hành khách sẽ huỷ vé. Còn Luật liên bang Mỹ quy định, khi một máy bay thiếu chỗ, hãng hàng không có quyền kêu gọi hành khách tình nguyện nhường chỗ. Đổi lại, hãng bồi thường cho họ phiếu quà tặng và xếp cho họ chỗ ở chuyến bay kế tiếp. Cũng là có đi có lại mới toại lòng nhau

Con số khách phải có đi có lại bất đắc dĩ không hề nhỏ. Thống kê cho thấy năm qua có tới 434,000 hành khách diện này, trong số 12 hãng hàng không, riêng UA có 63,000 người. Như vậy trường hợp bác sĩ Dao không phải người đầu tiên và cũng không phải người cuối cùng. Trong danh sách của chuyến bay đêm đó, bác sĩ Dao là người thứ 04 phải “tình nguyện” bất đắc dĩ, cho 04 thành viên tổ bay cần ghế.

Nhưng vì sao mà vụ việc này dù hứa hẹn có đi có lại, bác sĩ Dao đã không toại lòng, mà còn bị cưỡng chế một cách phản cảm? Theo các chuyên gia, chính bởi cách xử lý mắc đầy lỗi của UA: Thứ nhất, việc yêu cầu hành khách nhường chỗ phải diễn ra tại cửa ra vào, trước khi họ lên máy bay. Thứ hai, cách ép hành khách rời máy bay thông qua hành vi cưỡng chế của các nhân viên anh ninh của hãng quá thô bạo, khiến bác sĩ Dao bị chấn thương. Thứ ba, hãng UA vi phạm quy định của Luật liên bang Mỹ, không cho phép lôi khách ra khỏi máy bay khi họ đã an tọa. Dù các hãng có quyền đặt vé nhiều hơn số ghế thực tế có trên một chuyến bay, có quyền đề nghị hành khách chuyển chuyến bay.

{keywords}
Vụ bác sĩ David Dao gây ầm ĩ suốt những ngày qua

Chưa biết, UA lãi lời ra sao, nhưng riêng trong vụ win-win bất đắc dĩ này, UA lập tức hứng chịu rất nhiều tổn thất.

Về vật chất, theo nhiều tờ báo, khi hình ảnh cưỡng chế bác sĩ Dao được đăng tải, cổ phiếu của UA rớt giá gần 5%, khiến giá trị của hãng mất hơn 01 tỷ USD.

Sau những ngụy biện, những biến báo đổ lỗi cho hành khách Dao, trước áp lực dư luận, mới đây ông Oscar Munoz, giám đốc điều hành của UA đã phải ra thông cáo xin lỗi về vụ việc, tuyên bố mọi hành khách trên chuyến bay 3411 sẽ được hoàn tiền vé. Đó phải chăng là động thái chuộc lỗi nhằm xoa dịu sự bất bình của khách hàng. Và cũng bởi, như một quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường, lập tức các hãng hàng không khác đưa ra những sự chào mời hành khách, nâng uy tín của hãng mình trước scandal của UA.

Đến nay, thêm hai nhân viên an ninh của hãng, tổng cộng là 03 người- bị đình chỉ công việc.

Cái xảy nảy cái ung

Nhưng đau hơn cả sự tổn thất về vật chất, là những tổn thất về thanh danh, uy tín của chính mình. UA đang phải đối mặt với quá nhiều những chỉ trích, phản ứng của các tầng lớp trong xã hội, từ người dân, đến các chính trị gia. Theo các báo VietNamNet, Tuổi trẻ ngày 12/4; 13/4, hơn 37.000 người đã ký tên trực tuyến, đòi giám đốc điều hành (CEO) của UA từ chức. Nhiều người Mỹ gốc Việt đã biểu tình, giăng các biểu ngữ tại sân bay O'Hare phản đối cách hành xử hung bạo của hãng. Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel nhìn nhận vụ việc này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ tuyên bố đang xem xét vụ việc để đánh giá liệu hãng UA có vi phạm các quy định về việc bán vé quá mức hay không.

Trong khi đó, Thống đốc New Jersey, Chris Christie, trong chương trình “New Day” của CNN mô tả hành xử của UA là “khủng khiếp”, kêu gọi cấm tình trạng bán vượt số vé trên các chuyến bay và kêu gọi chính quyền ông Trump hành động. Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal trong một lá thư gửi tới Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao đòi điều tra vụ việc. Còn 04 thành viên Ủy ban Thương mại Thượng viện Hoa Kỳ gồm Chủ tịch John Thune; Chủ tịch tiểu ban hàng không Roy Blunt, hai thượng nghị sĩ Bill Nelson và Maria Cantwell đã ký vào thư yêu cầu UA giải thích rõ ràng vì theo họ, lời giải thích mà hãng đưa ra không thỏa đáng. Một số thành viên Hạ viện nêu rõ, Quốc hội Mỹ cần hành động để đảm bảo rằng UA và các hãng hàng không khác - không bao giờ có thể kéo lê một hành khách ra khỏi máy bay nữa.

Đó không đơn thuần là một hành động thô bạo, mà vô tình, trở thành một biểu tượng xúc phạm nhân quyền trên một đất nước được tiếng có Thần Tự do ngự trị.

Đáng chú ý nhất, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định Tổng thống Donald Trump đã xem video clip cảnh ông Dao bị đối xử thô bạo trên máy bay ngày 9-4 (giờ Mỹ) và khẳng định trong cuộc họp báo ngày 11/4 (giờ Mỹ) nhà chức trách đang xem xét sự việc.

Được biết, đến thời điểm này, gia đình bác sĩ Dao trân trọng cảm ơn những lời cầu nguyện, sự quan tâm, ủng hộ của mọi người, và cho biết, mặc dù UA xin lỗi 03 lần, bác sĩ Dao vẫn quyết khởi kiện. Việc thuê hai luật sư cho thấy, bác sĩ Dao khởi kiện UA không chỉ về cách hành xử thô bạo, mà còn là những vấn đề nằm phía sau sự việc ông không được bay để nhường chỗ cho phi hành đoàn. Những vấn đề phía sau đó là gì? Phải chăng là sự kỳ thị người da màu vẫn tồn tại và hiện hữu một cách tinh vi, dù là ở một xứ sở, có một người da màu từng làm Tổng thống?

Cái xảy nảy cái ung, thành ngữ của nước Việt những ngày này đang ứng nghiệm với UA của nước Mỹ.

Chưa biết chuyện kiện cáo sẽ ra sao, nhưng vụ việc này vô tình gửi thông điệp, rằng, một quốc gia chỉ có thể trở nên mạnh, khi chiếm được niềm tin và sự ủng hộ của người dân, khi thực sự vì dân- cho dù đó là một người già, da màu gốc gác xa lạ. Rằng, trong kinh doanh, không phải lúc nào sự được- mất cũng nằm ở đồng tiền, mà nằm ở chính phẩm giá của doanh nghiệp, ở sự ứng xử với con người- khách hàng- có văn minh, văn hóa không?

Ai thua trong vụ này? Hẳn không phải là bác sĩ Dao, dù ông bị lôi xềnh xệch như một chiếc bao tải ra khỏi máy bay.

Kỳ Duyên