Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta sẽ làm được những điều nhỏ bé với một tình yêu vĩ đại. Tôi cứ nghĩ về điều đó khi nghe câu chuyện giản dị của cô giáo Nguyễn Phương Lan, giáo viên dạy môn tiếng Anh của Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình) trong việc giúp đỡ những số phận không may mắn.
Khởi nguồn từ hành động đẹp ấy bắt đầu từ chuyện buồn của người bạn thân, cũng là một giáo viên tiếng Anh. Căn bệnh ung thư tuyến vú khiến cô bạn kiệt quệ về sức khỏe và tinh thần. Bạn cô nói với nỗi đau chán chường: "Tớ bị cắt hết rồi, cả hai bên, đau lắm! Giờ chẳng dám đi đâu. Sao còn mặc áo dài được nữa".
Thương bạn, cô Lan lặng lẽ đan hai cái vú giả. Cô cẩn thận chọn loại len tốt, mềm, không để mấu nối bên trong, tránh va chạm vào vết thương do bị khoét ngực, bạn bị đau, tạo hình sao cho đẹp, nhồi bông rút sợi. Bạn cô nhận rồi, khóc, cười trong nỗi đau và niềm hạnh phúc được sẻ chia.
Từ hiểu nỗi buồn của bạn, cô Lan gia nhập hội “Câu lạc bộ Đan len”, cùng với những người bạn tâm đức chắp nối với “Câu lạc bộ những người phụ nữ kiên cường” của Bệnh viên K Tân Triều (Hà Nội). Đó là những phụ nữ cũng mắc ung thư vú. Cô cùng người bạn mình đã đến tận nơi trao bọc quà nghĩa tình, rất phụ nữ, rất tinh tế ấy cho các cô, các chị. Họ phấn khởi trong ngậm ngùi. Nhưng vẫn gọi đùa: Đây là quà “sung sướng”. Có chị gọi là quả bưởi, quả cam, quả bòng. Có chị nói, vậy là đại hội phụ nữ xã tới đây, mặc áo dài được rồi.
Cô giáo Nguyễn Phương Lan là giáo viên giỏi môn tiếng Anh cấp Thành phố, có tấm lòng nhân hậu |
Biết được việc làm của cô Nguyễn Phương Lan, nhiều chị em bị bệnh nhắn tin nhờ giúp. Cô giáo lại cần mẫn. Một cô ở Nghệ An bị bệnh nặng muốn có để kịp cưới con, kịp dự ngày 8- 3 với áo dài. Cô Lan gửi tặng. Gần 2 tháng sau, con gái cô thông tin lại, cô ấy đã mất và kịp nhận niềm vui cuối cùng trong ngày cưới của con. Một cô giáo dạy văn đã nghỉ hưu ở Hoà Bình bị bệnh đã ôm lấy cô Phương Lan lặng lẽ khóc. Hai mẹ con cô Lan mang đến tận nhà tặng để cô kịp dự ngày hội trường.
Cô Lan tâm sự: “Ai cũng muốn đẹp chị ạ, dù bệnh nan y. Em nghĩ có thể việc làm của em rất nhỏ thôi nhưng khi thấy họ vui vì được an ủi, em cũng vui. Em thường đan cẩn thận. Từ việc chọn len, loại không gây hại cho da, đến kim đan. Em chọn kim tre chứ không đan kim sắt để tránh nguy hiểm cho các bệnh nhân".
Hỏi rằng, việc dạy học bận thế, cô giáo đan vào lúc nào? "Em thường đan vào buổi trưa chị ạ. Đi dạy về, ăn xong, em thường ngồi đan mà không ngủ. Có lúc gấp quá, muốn các chị ấy được sử dụng khi ngày quan trọng tới gần, quỹ thời gian sống chẳng được bao lâu, em hí hoáy đan trộm trong ngăn bàn khi họp hội đồng, bị phê bình. Lúc ấy em cứ nghĩ bị hối thúc, cuống quít giống người em gái đan áo cho các anh trong truyện ngắn "Bầy chim thiên Nga" của Andecxen. Phải thật nhanh để các anh có thể trở lại thành người", cô Lan cười tươi còn tôi thấy lòng mình se lại.
Tôi biết, những ngày con trai mình nằm viện, cô Nguyễn Phương Lan đã dành phần lớn số tiền mọi người đến thăm cháu để mua len. Cô đan mũ tặng bệnh nhân rụng hết tóc khi trị bệnh bởi hóa chất, đan và móc giầy, tất cho trẻ sơ sinh nghèo trong viện.
Tôi chợt nhớ câu chuyện cô kể về lần cứu chú chim nhỏ bị chết rét. Gắng gỏi với dầu gió, xoa ngực, vận động hai cánh, hô hấp kiên trì để chú chim ấy sống lại. Hay chuyện về đàn gà mới nở, bị đất bùn trên đồi trong cơn mưa trượt xuống vùi lấp. Cô Lan lấy chậu nước ấm, rửa bùn từng con, xoa dầu, lấy máy xì khô lông cánh. Vậy mà cả đàn gà mở mắt, kêu chiêm chiếp và được cứu sống.
Tấm lòng nhân ái, yêu thương con người bắt đầu từ những việc yêu thương muôn loài như vậy. Tôi từng chứng kiến một người phụ nữ nâng nhành cây gẫy mà rưng rưng. Cuộc sống sẽ đẹp ngàn lần khi ở đó chất chứa lòng nhân từ và tình yêu thương.
Cô giáo Nguyễn Phương Lan không chỉ là giáo viên giỏi tiếng Anh cấp thành phố mà còn là một tổng phụ trách đầy năng động và sáng tạo. Cô đã 3 lần được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn về những đóng góp cho công tác đội. Cô cũng rất hay tổ chức các chuyến thiện nguyện đến những vùng học trò, đồng bào còn khó khăn như xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc.
Nói về dự định sắp tới, cô Lan hào hứng: "Em tiếp tục đan chị ạ. Em tính đan khoảng 50 đôi để trao cho bệnh nhân các bệnh viện". Chắc chắn những ngày tới, cuộc sống của cô giáo sẽ bận rộn, khó khăn hơn. Bởi cô đang sống vì người khác. Nhưng tôi tin chắc rằng cuộc sống ấy sẽ đẹp và hạnh phúc hơn rất nhiều.
“Cảm ơn cậu đã giúp tớ có một cơ thể nguyên vẹn lúc ra đi”. Câu nói của người bạn thân trăn trối với cô Lan trước khi ra đi khiến tôi có suy nghĩ, chắc chắn cô bạn ấy và những bệnh nhân khác đều an nhiên khi nhận được chia sẻ đầy yêu thương ấy. Với cuộc sống này, sự tử tế dù nhỏ bé thế nào cũng không bao giờ lãng phí. Và cô giáo Nguyễn Phương Lan đã làm được như vậy.
Bạn đọc Lê Mai Thao (Hoà Bình)
Bé trai 7 tuổi bị xe tông nguy kịch, gia đình nghèo xin giúp đỡ
Công việc bốc vác thuê của người bố chỉ đủ để trang trải học hành cho 3 con. Nay cậu con trai gặp tai nạn, số tiền vay mượn cũng đã cạn, gia đình nghèo ở Hà Tĩnh mong được bạn đọc giúp đỡ, cứu con.