- Ba tháng sau bệnh viện gọi điện cho gia đình, họ thăm hỏi, chia buồn một lần nữa và thông báo là gia đình được miễn hoàn toàn viện phí và bệnh viện cũng hỗ trợ tiền mai táng cho cháu.
Việc lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung Ương đối xử với cháu bé ở Nghệ An làm tôi nhớ đến câu chuyện này. Tôi xin chia sẻ cùng bè bạn. Hơi dài một chút nhưng nó lí giải vì sao nước Mỹ lại được gọi là miền đất hứa.
Có lẽ trong suốt cuộc đời làm phiên dịch của mình, gần 20 năm, chưa lần nào tôi thấy khó như lần này và cũng chưa bao giờ tôi không thể dịch được mặc dù tôi hiểu hết bác sỹ nói gì. Một ca hóc búa. Hôm nay là ngày ra đi của bé Lam. Tôi chưa một lần được biết cháu, nhưng tôi có duyên may được đưa tiễn cháu về phía “chân mây cuối trời”. Cuộc đời cháu quá ngắn ngủi, chỉ có 4 tháng, nhưng cháu đã mang đến biết bao cảm xúc, nỗi niềm và cháu đã nối bao người xa lạ với nhau.
Bé Lam là một ca tôi khó quên. Tôi đang ngồi làm việc thì chuông điện thoại reo. Một ca cấp cứu cần tôi phải đến bệnh viện ngay. Lúc đó là 8 giờ tối. Hình như có một vụ gì đó liên quan đến cảnh sát nên không thể dịch qua điện thoại như tôi vẫn làm khi chuyện xảy ra đột ngột, hoặc vào ban đêm.
Tôi nghĩ, chắc là đánh nhau, hoặc tội phạm đâm chém. Thói quen nghề nghiệp của tôi là đi cho nhanh để kịp giờ, không mảy may lo sợ. Thấy tôi, cô y tá trưởng trực đêm vui mừng kéo ra một góc báo trước sự việc.
Bệnh viện Nhi ở Boston |
Một cháu bé 4 tháng tuổi đã tắt thở, tim ngừng đập, được chuyển từ bệnh viện địa phương bằng máy bay trực thăng lên Bệnh viện Nhi Boston. Cháu đã được các bác sỹ hồi sức cấp cứu cho tim đập trở lại nhưng đang ở trạng thái nguy kịch, khả năng tử vong rất cao. Tôi được đưa vào phòng bệnh nhân.
Bác sỹ trực tiếp cấp cứu cháu với gương mặt mệt mỏi, buồn phiền, thông báo cho tôi biết có nhiều khả năng cháu mắc bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death- SID), hiện nay y học chưa tìm ra nguyên nhân. Bác sỹ đang cố gắng tìm tiếp khả năng khác, liệu có thể cứu chữa cháu được hay không. Nhưng kết luận của ông gần như 99% là cháu không thể qua khỏi.
Bên giường bệnh, người mẹ trẻ khóc lóc, lo âu và hy vọng. Câu hỏi duy nhất ba mẹ cháu hỏi trong tiếng nghẹn ngào là: “Hy vọng được bao nhiêu, thưa bác sỹ?” Câu trả lời của bác sỹ: “Cháu khó lòng qua khỏi, tôi chưa nhìn thấy tương lai”. Mặc dù vậy, hai y tá vẫn miệt mài làm việc, bốn màn hình máy tính treo bốn góc theo dõi toàn bộ hoạt động của cơ thể cháu bé. Mỗi một tiếng kêu “tít, tít”, họ lại liên tục thao tác các họat động chuyên môn để giữ nhịp tim và nhịp thở của bé.
Trên đầu cháu là các loại dây dợ, ống dày đặc, tiếng máy chạy ào ào. Tôi căng hết cả đầu để nghe bác sỹ nói và dịch. Tiếp theo là bác sỹ trực đêm đến hỏi thông tin về hồ sơ bệnh án của cháu. Về sau tôi mới biết họ đã biết hết cái kết cục nhưng họ vẫn hỏi để cho cha mẹ ổn định về tâm lý.
Để giúp đỡ cha mẹ trong hoàn cảnh đó, “nhân viên xã hội"(social workers) đến thăm hỏi, động viên gia đình bệnh nhân. Nhiệm vụ của họ là chăm sóc cả về vật chất và tinh thần cho gia đình nhất là trong hoàn cảnh bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, hiểm nghèo. Họ cung cấp phiếu ăn miễn phí, lo chỗ ngủ cho người nhà bệnh nhân. Lúc đó đã là 10 giờ đêm, nhà ăn trong bệnh viện đã đóng cửa, nên họ cử y tá ra ngoài phố mang đồ ăn về cho bố mẹ cháu bé. Họ hỏi rất kĩ lưỡng là thích ăn món gì và họ tận tình mang đến.
Gần 1 giờ sáng, hai cô ý tá mắt đỏ ngầu, vẫn luôn chân luôn tay chăm sóc toàn bộ hệ thống máy móc đảm bảo cho cháu bé thở được, theo dõi nhịp tim. Ba xét nghiệm về não (chụp cắt lớp, đo điện não đồ và MRI) liên tục được tiến hành. Kết luận thật đáng buồn: cháu bé mắc chứng bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh, y học thế giới bó tay, chưa tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này.
Cuộc họp đầu tiên với bố mẹ để chuẩn bị tâm lý rằng tình thế hết sức nguy kịch. Nhóm y bác sỹ mắt đỏ hoe, đầy cảm thông, ngồi im lặng, lắng nghe một người nói nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng, tình trạng của cháu ngày càng xấu, nhưng chúng tôi không đầu hàng, chúng tôi vẫn chiến đấu để giành giật sự sống cho cháu. Cháu cũng là một "chiến binh dũng cảm" đang đồng hành với chúng tôi”.
Họ lặng lẽ mang giấy lau nước mắt cho người mẹ. Họ cảm thông chia sẻ bằng sự im lặng và sự tận tụy với công việc. Họp xong, họ trở lại chăm sóc cháu bé, với hàng nắm dây rợ, máy móc quanh đầu, quanh người cháu. Lúc đó là 2 giờ sáng.
Cuộc họp thứ hai vào sáng hôm sau, gồm bác sỹ trưởng Khoa Cấp cứu, bác sỹ chuyên về não khoa, bác sỹ và y tá trực tiếp điều trị cho cháu. Cuộc họp này thật là khó khăn. Sau khi giải thích tình trạng của cháu bé, nguyên nhân không xác định, bác sỹ nói: “Mặc dù cháu nằm đó, tim còn đập, nhưng cháu không còn nữa. Khả năng cứu chữa cho cháu là vô vọng. Bệnh viện đề xuất chuyện rút máy thở. Đó sẽ là sự ra đi hoàn toàn của cháu.” Người mẹ bật lên nức nở. Họ lại ngồi yên lặng, cùng bật lên một câu: “Chúng tôi xin chia sẻ với gia đình”.
Cuộc họp cuối cùng sau đó 24 giờ đồng hồ. Vẫn thông tin như cũ. Bác sỹ chỉ trên màn hình hoành đồ của não gần như một đường thẳng cho thấy não bộ đã hoàn toàn tê liệt. Bác sỹ giảng giải kĩ lưỡng về căn bệnh SID và đi đến kết luận: hy vọng chỉ là zero. Tiếp theo là ý kiến gia đình có chấp nhận rút máy thở hay không, nếu có, thì giờ nào sẽ rút máy thở cho cháu để cháu ra đi được thanh thản.
Y tá đã tìm hiểu gia đình theo Đạo Phật, và họ tìm đọc trên mang về Đạo Phật, nghi lễ chôn cất, hoặc mời thày chùa tới làm lễ ngay tại bệnh viện. Rồi bàn đến quy trình rút máy thở, bác sỹ sẽ trao cháu bé cho bố mẹ, cháu sẽ thở hắt ra, hoặc ho lên, rồi tắt hẳn, da sẽ chuyển sang màu tím tái. Có gia đình không muốn chứng kiến cảnh đó, thường đợi bác sỹ làm xong rồi đón nhận cháu bé đã được bọc kín.
Y tá còn đề xuất nếu bố mẹ muốn được nằm cạnh con, họ sẽ tìm cho một cái giường, để có thể nằm ôm cháu. Nghe đến đó, dịch đến đó, tôi nghẹn ngào, vì chỉ mới 4 tháng trước, mẹ cháu cũng đón cháu từ tay bác sỹ, nhưng là lúc cháu chào đời, còn nay, bác sỹ đưa cháu để bố mẹ được ôm cháu những giây phút cuối. Bố mẹ cháu đã từ chối vì không thể chịu nổi.
Bác sỹ dành cho gia đình mọi sự ưu ái. Khi nào gia đình sẵn sàng thì rút máy, cần hỏi gì thì bác sỹ ở xung quanh, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi. Việc rút máy thở có thể tiến hành trong buổi chiều hoặc đêm, hoặc đến sáng hôm sau. Gia đình có nhiều thời gian để bàn tính và định liệu.
Cuối cùng, giờ tốt đã chọn, thầy chùa của gia đình cũng được mời tới. Thời gian chỉ tình bằng phút và bằng giây. Tôi ra về khi mọi việc đã bàn định xong xuôi.
Tôi nhìn cháu bé lần cuối, nói với cháu rằng: “Lam ơi, cháu ở trên đời quá ngắn, nhưng cháu đã làm một sứ mạng lớn lao là gắn kết mọi người với nhau, cháu làm tôi yêu quý cuộc sống này, cháu là lí do để tôi nhìn thấy những điều tốt đẹp còn hiển hiện quanh tôi, để tôi thấy rõ tính chuyên nghiệp trong công việc, tính nhân văn trong lời nói và cách ứng xử của các bác sỹ, y tá, và tình người tồn tại trong mỗi chúng ta. Cám ơn cháu, cầu mong cháu được siêu thoát. Cháu hãy phù hộ cho bố mẹ cháu, và những người thân của cháu”.
Tôi bị ám ảnh với biết bao nhiêu phức cảm: đau thương, ưu phiền, thánh thiện, tình người và một phong cách làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp đến mức khó tin của tập thể y bác sỹ trong một bệnh viện có lẽ tốt nhất thế giới. Tôi cứ suy ngẫm làm sao họ có thể có được cách ứng xử như thế đối với đồng loại. Tôi cứ tần ngần nghĩ đến những lần đi bệnh viện ở nhà, bị bác sỹ, y tá đối xử rất thiếu tôn trọng. Tôi băn khoăn không biết bao giờ xã hội mình, nhất là những nơi cung cấp dịch vụ giáo dục và y tế, có được cái tính chuyên nghiệp như thế này.
Ba tháng sau, bệnh viện gọi điện cho tôi, nhờ tôi dịch qua điện thoại cho họ với cha của bé Lam. Họ thăm hỏi, chia buồn một lần nữa và thông báo là gia đình được miễn hoàn toàn viện phí và bệnh viện cũng hỗ trợ tiền mai táng cho cháu. Họ cầu chúc cháu an nghỉ và chia buồn cùng cha cháu.
Nguyễn Thị Minh Phương (Giảng viên Bộ môn Tiếng Việt, Khoa Ngôn ngữ đương đại, Đại học Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ)