Với 8 sáng kiến hợp tác lớn bao trùm hầu hết các lĩnh vực cùng khoản cam kết tài chính 60 tỷ USD mà Trung Quốc dành cho châu Phi, kết quả Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) vừa diễn ra tại Bắc Kinh một lần nữa cho thấy Trung Quốc đang khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng tại "lục địa đen".

Qua đó, củng cố “quyền lực mềm” trên phạm vi rộng lớn, thách thức các đối tác – đối thủ phương Tây vốn bị coi là đã chậm chân tại “miền đất hứa” này trong những thập niên tới.

{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Scmp

Sự hiện diện của lãnh đạo 53 quốc gia châu Phi tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi lần thứ 7 cũng là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Trung Quốc và châu Phi.

Không chỉ trở thành đối tác kinh tế và thương mại lớn nhất của châu Phi, Trung Quốc đang ngày càng thể hiện là một đối tác chiến lược về chính trị, ngoại giao, an ninh của nhiều nước trong khu vực này. Nói cách khác, Trung Quốc đang từng bước khẳng định vai trò "cường quốc" hàng đầu trong "cuộc đua" tới châu Phi.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi là bức tranh tổng thể khắc họa rõ chiến lược của Bắc Kinh trên cơ sở tối đa hóa lợi ích của nước này tại châu lục được đánh giá là nhiều tiềm năng song hầu như chưa được khai thác.

Ngoài các chương trình đã triển khai mạnh mẽ trong gần hai thập niên qua trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông chiến lược, thúc đẩy thương mại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ thực hiện 50 chương trình hỗ trợ nông nghiệp, cung cấp viện trợ thực phẩm nhân đạo khẩn cấp trị giá 1 tỷ Nhân dân tệ (147 triệu USD) cho các nước châu Phi bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trung Quốc cũng sẽ thực hiện 50 dự án hỗ trợ phát triển xanh, bảo vệ sinh thái và môi trường, với trọng tâm chống biến đổi khí hậu, đại dương và ngăn chặn, kiểm soát quá trình sa mạc hóa, chống cháy rừng.

Sự hiện diện của Trung Quốc cũng “dày đặc” trong các lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ y tế và chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy giao lưu văn hóa. 50 cũng là số chương trình hỗ trợ an ninh mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết.

Trong số 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đóng góp lớn nhất cho Lực lượng gìn giữ hòa bình ở châu Phi, với hơn 2.000 binh sĩ Trung Quốc được triển khai trong các phái bộ khác nhau trên khắp châu Phi.

Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi sau Liên minh châu Âu (EU), khối lượng thương mại hai bên lớn hơn thương mại giữa Mỹ và châu Phi.

Theo một nghiên cứu do công ty Ernst & Young công bố, Trung Quốc đã trở thành nước đóng góp lớn nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở châu Phi trong năm 2016. Trong giai đoạn 2005 - 2016, Trung Quốc đầu tư vào 293 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ở châu Phi, với tổng số vốn khoảng 66,4 tỷ USD và tạo ra 130.750 việc làm.

Dữ liệu do Vụ châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp cũng cho thấy khối lượng giao dịch Trung Quốc- châu Phi đã tăng 200 lần, từ 765 triệu USD năm 1978 lên 170 tỷ USD trong năm 2017. Trung Quốc cũng duy trì vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi trong 8 năm liên tiếp.

Đầu tư tích lũy của Trung Quốc ở châu Phi đã tăng từ con số 0 lên 110 tỷ USD trong 40 năm qua. Giai đoạn 2009 - 2012, Trung Quốc đã tài trợ 10 tỷ USD cho châu Phi dưới hình thức “các khoản vay ưu đãi”, tăng lên 20 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2015 sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và dự kiến đến năm 2025, Trung Quốc sẽ hỗ trợ châu Phi 1.000 tỷ USD, bao gồm đầu tư trực tiếp, vốn vay ưu đãi và các khoản vay thương mại.

Có thể thấy đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi mang tính toàn diện, trên mọi lĩnh vực và thực sự đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các nước khu vực, bởi vậy, giới chức châu Phi đánh giá đây là mối quan hệ "hợp tác cùng thắng".

Sự hiện diện ngày càng rộng khắp của Trung Quốc tại châu Phi là kết quả trực tiếp của cách tiếp cận ngoại giao chủ động, thực dụng, luôn được điều chỉnh theo tình hình cụ thể mà Bắc Kinh đang theo đuổi, trong đó lợi ích quốc gia luôn được bảo đảm.

Thứ nhất, chính sách của Trung Quốc tại châu Phi là vì lợi ích kinh tế. Châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản có thể giúp Trung Quốc “thỏa cơn khát” năng lượng phục vụ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, với các nền kinh tế còn chậm phát triển và dân số lớn, châu Phi là thị trường lý tưởng đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc, hiện được coi “công xưởng” của thế giới.

Thứ hai, châu Phi là “phương tiện” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị và ngoại giao, củng cố thêm sức mạnh thông qua “quyền lực mềm”. Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng tỷ lệ thuận với các khoản đầu tư tại châu Phi, từ đó phục vụ đắc lực cho các lợi ích chính trị của Bắc Kinh. Hỗ trợ tài chính giúp Trung Quốc triển khai hiệu quả chiến lược xây dựng quan hệ đồng minh với hơn 50 quốc gia châu Phi để có được lợi thế trong nền ngoại giao quốc tế.

Trung Quốc đang cố gắng mở rộng sáng kiến “Vành đai và con đường” tới châu Phi nhằm củng cố vị thế của mình trong các vấn đề toàn cầu. Trên thực tế, Trung Quốc đang gắn kết một cách chặt chẽ sáng kiến “Vành đai và con đường” với chương trình nghị sự châu Phi năm 2063, coi đây là lộ trình dẫn dắt sự hợp tác toàn diện Trung Quốc-châu Phi.

Một biểu hiện sức mạnh của "quyền lực mềm" trong hợp tác với châu Phi là Trung Quốc quốc tế hóa mạnh mẽ đồng Nhân dân tệ (NDT), mở rộng phạm vi và mức độ ảnh hưởng của đồng NDT thông qua giao dịch hoán đổi tiền tệ với nhiều nước châu Phi. Một mặt, bước đi của Trung Quốc cho phép các nước châu Phi thoát khỏi sự chi phối của "đồng bạc xanh", mặc khác, hướng tới mục tiêu "soán ngôi" vị trí thống trị toàn cầu của đồng USD.

Từ góc độ an ninh, Trung Quốc đã chọn Djibouti làm địa điểm đặt căn cứ đầu tiên ở nước ngoài nhằm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc tại khu vực này, trong đó có việc đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển quan trọng.

Hiện toàn cầu hóa đang vấp phải "dòng chảy ngược" khi Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, đang tìm cách tự tách mình ra khỏi “quần thể”, ra sức xây “tường bao” thuế quan phục vụ chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.

Thực tế này là cơ hội để Trung Quốc - với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò dẫn dắt thông qua “quyền lực mềm” với những chính sách đối ngoại cởi mở hơn. Trong bối cảnh đó, châu Phi là một trong những mắt xích quan trọng trong lộ trình đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Theo TTXVN/Baotintuc

Sợ chiến tranh thương mại, dân TQ đổ xô xem bói về ông Trump

Sợ chiến tranh thương mại, dân TQ đổ xô xem bói về ông Trump

Trước diễn tiến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, nhiều người Trung Quốc đã nhờ cậy các thầy bói về Tổng thống Trump.

Lộ 'nhật ký ướt át' của quan tham TQ với nữ cấp dưới

Lộ 'nhật ký ướt át' của quan tham TQ với nữ cấp dưới

Không ít quan chức ở Trung Quốc đã thân bại danh liệt vì chuyện quan hệ yêu đương bất chính với các nữ thuộc cấp.

Lý do bất ngờ một trường TQ bắt học sinh ăn đứng

Lý do bất ngờ một trường TQ bắt học sinh ăn đứng

Sau kỳ nghỉ hè, học sinh tại một trường trung học ở Hà Nam, Trung Quốc kinh ngạc khi thấy mọi ghế trong căng-tin của trường biến mất, buộc các em phải đứng ăn.

Hàn điều tiêm kích xua phi cơ TQ vào vùng cấm

Hàn điều tiêm kích xua phi cơ TQ vào vùng cấm

Nhà chức trách Hàn Quốc tuyên bố đã phải điều các tiêm kích xua máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận nước này sáng nay, 29/8.

Các tập đoàn vũ khí TQ không hề kém cạnh Mỹ

Các tập đoàn vũ khí TQ không hề kém cạnh Mỹ

Trung Quốc có 7 nhà sản xuất vũ khí doanh thu hơn 5 tỷ USD, lọt top 20 tập đoàn quốc phòng hàng đầu thế giới có tiềm năng cạnh tranh với các công ty Mỹ.