- Người dân bức xúc không phải là vì tình trạng cá chết, mà tác động của những thông tin sai lệch này khiến nhiều khách hàng từ chối không thu mua hải sản có nguồn gốc từ Phú Quý.

Ngày 10/5, trên một số tờ báo có thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và kinh doanh hải sản của người dân trên đảo.

Theo thông tin trước đó, ngày 9/5 đã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra tại 5 hộ nuôi trồng thủy sản tại khu vực Lạch Dù, ước tính khoảng 7.200 con cá mú đỏ và cá mú cọp là cá giống và cá thịt chuẩn bị thu hoạch, tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

{keywords}

{keywords}

Hình ảnh cá trong ngày 9/5 tại đảo Phú Quý

Đáng nói, 5 cơ sở này đều nằm trong cùng 1 khu vực. Đây là khu vực có rạn san hô vây quanh, nước tù, không thông thoáng.

Theo ông Nguyễn Văn Linh - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý, toàn huyện có 70 cơ sở nuôi hải sản bằng lồng bè. Tại khu vực Lạch Dù nơi xảy ra hiện tượng cá chết có 55 lồng bè đang hoạt động, nhưng chỉ có 5 lồng bè ở phía gần bờ bị hiện tượng này, còn các lồng bè khác gần đó cá vẫn sinh trưởng bình thường.

“Hiện tượng cá chết chỉ xảy ra cục bộ ở 5 bè trên phần diện tích mặt biển khoảng 1.000 m2, chứ không phải xảy ra hàng loạt ở Phú Quý. Khi vụ việc xảy ra, chúng tôi cho rằng có thể cá chết do thiếu oxy cục bộ nên đã vận động bà con di dời bè cá ra vùng nước sâu. Sau đợt cá chết ngày 9/5 đến nay không có trường hợp nào cá nuôi lồng bè bị chết thêm”, ông Linh cho hay.

Ngư dân điêu đứng vì tin cá chết

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận khẳng định nguyên nhân cá chết là do hiện tượng tự nhiên.

"Tại vùng biển Phú Quý, thường có hiện tượng rong rêu, đặc biệt là rêu xanh thường bám vào rạn đá và san hô ở khu vực người dân nuôi thủy sản, khi vào mùa nắng nóng rong rêu bị chết đi sẽ tạo ra một thảm thực vật bị ô nhiễm, đặc biệt sinh khí độc làm ô nhiễm vùng nước trong một thời gian ngắn.

{keywords}

Theo cơ quan chức năng, có 5 cơ sở có cá chết bị thiệt hại, tuy nhiên thông tin về cá chết tại Phú Quý đã làm nhiều chủ lồng bè điêu đứng

Các năm trước thì hiện tượng này vẫn xảy ra nhưng không đáng kể vì có luồng nước chảy cuốn đi và người dân trực ứng phó kịp thời. Nhưng riêng năm nay nhiệt độ cao, rong rảo phát tán nhiều, khi rong tảo chết đúng thời điểm tại khu vực 5 lồng bè này chỉ có gió nhẹ, nước bị tù đọng, thiếu oxy, cộng với thời gian xảy ra sự việc các lồng bè này không có người ứng trực để bơm oxy kịp thời nên đã xảy ra hiện tượng cá mú chết. Những lồng bè nằm trong khu vực có luồng nước chảy thì không bị ảnh hưởng", ông Huỳnh Quang Huy lý giải.

Ông Huy cũng cho biết thêm: Tháng 4/2016, đã trực tiếp ra Phú Quý kiểm tra, thời điểm này rong, tảo đang phát triển nên đã tuyên truyền, yêu cầu bà con cho người trực 24/24, khi thấy cá mệt phải sục oxy, thấy nước chuyển màu phải dời cá, dời bè.

Vào thời điểm rạng sáng ngày 9/5 khi có hiện tượng cá bị sốc lại không có người trực, có bè có người nhưng không đủ sức khỏe thao tác sục khí oxy và không có cano để quạt nước kịp thời nên xảy ra tình trạng cá chết, gây thiệt hại cho bà con.

Không chỉ 5 cơ sở có cá chết bị thiệt hại, thông tin về cá chết tại Phú Quý đã làm nhiều chủ lồng bè điêu đứng. Ông Ba Ngợi là chủ nuôi lồng bè lâu năm tại Phú Quý cho biết những ngày qua những cơ sở nuôi lồng bè có cá xuất bán đều bị khách hàng từ chối vì e ngại cá bị nhiễm độc.

Chị Trần Thị Thung là chủ vựa thu mua cá biển của ngư dân buồn bực nói: thông tin cá chết làm cá biển đánh bắt của ngư dân Phú Quý rớt chỉ còn một nửa giá nhưng không ai mua, nhiều tàu đánh bắt hải sản của ngư dân phải quay về vì không biết bán cho ai.

Anh Nguyễn Văn Giỏi là người cung cấp các loại hải đặc sản của Phú Quý cho một số cơ sở tại TPHCM cho biết các đầu mối mua hàng của anh đều thông báo tạm ngưng lấy hàng vì sợ cá độc trong khi cá tại đảo hiện nay đều là cá sạch do ngư dân khai thác từ biển khơi.

"Tôi mong cơ quan báo chí sớm thông tin lại việc này để người dân biết hải sản Phú Quý là hải sản sạch", anh Giỏi nói.

Lê Huân