Trong bài trước "Sự thật về loại 'nước thần kỳ xuất xứ từ Nhật Bản' được bán đầy rẫy trên mạng: Chém gió!", tôi đã viết về nước Izumio, một loại uống được quảng cáo như thần dược tại Việt Nam, với "công dụng chữa khỏi hàng chục bệnh nặng, trong đó có ung thư".
Quảng cáo bán "nước thần Izumio" trên một trang thương mại điện tử ở Việt Nam
Trong bài, dựa theo các căn cứ được kiểm định từ công ty mẹ ở Nhật Bản, cũng như chi nhánh của họ tại Việt Nam, tôi khẳng định nước Izumio không hề được quảng cáo như nước thánh chữa mọi bệnh tại Nhật Bản, chỉ vì nó không hề có công dụng như được quảng cáo bơm thổi ở Việt Nam. Nhiều người quen của tôi đã tốn đến 40-60 triệu đồng để mua nước này cho cha mẹ uống nhưng chẳng hề thấy có lợi ích rõ ràng.
Sau khi báo đăng, nhiều người kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam đã tích cực phản biện bằng những thông tin họ có được. Nội dung nói chung đều bênh vực "nước thánh" này, với luận điểm lớn và phổ biến nhất là "rất nhiều người đã tin, đã uống và khỏi bệnh, khỏe mạnh".
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin cung cấp thêm cái nhìn khách quan với các thông tin từ Canada và Mỹ về loại nước uống nói trên.
Có thật nước Izumio được FDA công nhận?
Đầu tiên, những người bán hàng cho biết "Nước Izumio đã được FDA công nhận", từ đó khẳng định tính chính danh của công dụng của nó.
Tuy nhiên, luận điểm này sai lầm. Không hề có thông tin nào cho thấy FDA công nhận nước Izumio có tác dụng trị liệu hay ngăn ngừa bệnh tật mà đây chỉ là chứng chỉ phân tích nước uống cho thấy Izumio đạt tiêu chuẩn của nước... đóng chai.
Xin nhắc lại một xu hướng hay gặp của người tiêu dùng, đó là dễ bị "rung động" bởi các tuyên bố như "Đã được FDA công nhận" hay "Có văn phòng ở Hoa Kỳ"... mà chẳng cần biết công nhận với nội dung gì, hay văn phòng đó làm việc gì.
Trong quá khứ, chính tại Việt Nam đã có hàng nghìn người bị lừa dùng thực phẩm chức năng (thật ra là từ bột than tre!) chữa ung thư (thật ra chỉ được cấp phép dưới dạng sản phẩm làm đẹp). Vì thế, chúng ta cần phải cực kỳ thận trọng với thông tin lấp lửng do bên kinh doanh đưa ra.
FDA chỉ công nhận Izumio đạt tiêu chuẩn của nước đóng chai.
Có thật "hiệu quả được xác nhận bởi Viện Phân tử Hydrogen"?
Chúng tôi tìm hiểu về chức năng của Viện này cũng như xem cơ quan nào quản lý thì được biết nó chỉ là một website chủ yếu do một người lập ra và quản lý để cung cấp thông tin về phân tử Hydrogen, sau đó chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận chứ không hề có chức năng nghiên cứu. Điều này có nghĩa là nó hoàn toàn không phải là Viện nghiên cứu, và cũng không phải do cơ quan uy tín nào quản lý.
Viện Phân tử Hydrogen thật ra không phải là viện nghiên cứu mà chỉ là tên... tự xưng.
Cũng xin nói thêm rằng ở Nhật Bản, có rất nhiều Hội NPO được lập ra để hoạt động đa dạng (miễn là thỏa mãn một số quy định luật pháp), nhưng tuyên bố của các hội này không phải là bảo chứng cho thông tin khoa học hay thông tin về sức khỏe. Các tổ chức NPO này hoàn toàn không phải là đơn vị có thẩm quyền cao nhất trong việc quyết định về công hiệu của sản phẩm.
Tìm một cơ quan uy tín hơn là Viện Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Nhật Bản, tôi được chỉ tới thông tin về nước có Hydrogen, được ghi rõ trên website của Viện: "Không tìm thấy bằng chứng đầy đủ, đáng tin cậy để khẳng định về công hiệu phòng/chữa bệnh hay về sự an toàn của nước chứa Hydrogen trên người" ( https://hfnet.nibiohn.go.jp/contents/detail3259.html ).
Kết luận: như chia sẻ ở bài trước, sản phẩm Izumio hay tất cả các loại nước chứa Hydrogen đều không được cơ quan chức năng cho phép tuyên bố về khả năng chữa bệnh hay phòng bệnh khi bày bán tại Nhật Bản.
Có thật "có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng tốt lên sức khỏe"?
Trong khi các cơ quan quản lý chính thống và uy tín tại Nhật Bản đã đưa ra kết luận như vậy thì tại Việt Nam, một số nhóm kinh doanh vẫn liên tục "tung hỏa mù" bằng việc nói tới các kết quả của nhiều nghiên cứu về nước chứa Hydrogen.
Như bài học từ luận điểm đầu tiên, chúng tôi khuyến cáo việc thẩm định nội dung cụ thể của từng nghiên cứu đó và xin đưa ra vài quy tắc chung để độc giả được rõ.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhưng hầu hết là trên động vật, không phải trên người. Kết quả của các thí nghiệm trong một điều kiện được kiểm soát nghiêm ngặt có thể không đúng khi áp dụng lên người vì tình huống thực tế trong đời sống con người thường đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.
Một thông tin lý thú khác là khí hydrogen cũng được nhiều vi khuẩn sản sinh ra trong ruột người với hàm lượng tăng theo lượng chất xơ trong khẩu phần ăn. Vì thế, công hiệu hay đóng góp thật sự của các sản phẩm chứa Hydrogen cần phải được phân tích cẩn trọng khi cân nhắc với lượng Hydrogen tự nhiên sinh ra trong cơ thể.
Các nghiên cứu đã được thực hiện trên người thường có quy mô khá nhỏ nên không đủ độ tin cậy để tuyên bố, khuyên dùng cho tình huống bệnh đó, lẫn áp dụng sang bệnh khác. Theo dòng thời sự về Vaccine phòng COVID-19, có lẽ nhiều độc giả đã hiểu lý do vì sao nghiên cứu khoa học từ phòng thí nghiệm đến nghiên cứu trên người là một khoảng cách lớn. Ngay cả khi nghiên cứu trên người cho thấy tác dụng thì vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để lặp lại và kiểm định. Tiến hành nghiên cứu khách quan với quy trình chặt chẽ, trên số đông người tham gia là rất quan trọng để loại bỏ những yếu tố vô tình hay cố tình làm sai lệch kết quả.
Trên thực tế, đã có một số nghiên cứu về hiệu quả của nước chứa Hydrogen trên người có nhóm đối chứng (tức nhóm dùng giả dược/nước thường), chia nhóm ngẫu nhiên (để hạn chế ảnh hưởng của việc ăn may) và tiến hành mù đôi (cả bác sĩ lẫn bệnh nhân không biết bệnh nhân đang dùng nước gì nhằm giảm thiểu hiệu ứng tinh thần hay tác dụng giả dược). Những nghiên cứu dạng này, dù cỡ mẫu nhỏ nhưng vẫn được cho là có độ tin cậy cao hơn những báo cáo chỉ dựa trên một nhóm người dùng sản phẩm rồi "ai uống thấy tốt khen hay thật nhiều". Trong khoa học, "tốt khoe, xấu che" là yếu tố chính dẫn đến sai lệch báo cáo, sai lầm nhận thức mà chúng ta cần lưu ý.
Năm chữ "Không"
Cũng theo thông tin trên website của Viện Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Nhật Bản, nước chứa Hydrogen đã được nghiên cứu trong một số tình huống với kết luận:
- KHÔNG có tác dụng cải thiện chỉ số LDL Cholesterol ở người bị cao mỡ máu (cỡ mẫu 68 người).
- KHÔNG có tác dụng giảm tải lượng virus HBV ở bẹnh nhân bị viêm gan B mạn tính (cỡ mẫu 60 người).
DS. Phạm Phương Hạnh
Nhà thuốc BH Pharmacy, Ontarion, Toronto, Canada
- KHÔNG có tác dụng cải thiện chức năng vận động ở những người bệnh Parkinson (cỡ mẫu 17 người).
- KHÔNG có tác dụng cải thiện triệu chứng ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm bàng quang (cỡ mẫu 28 người).
- KHÔNG thay đổi các chỉ số về chức năng cơ trên các cầu thủ bóng đá (cỡ mẫu 10 người).
Như vậy, có thể thấy rằng không phải chính phủ hay Viện quốc Gia Nhật Bản "gây khó dễ" gì với nước chứa Hydrogen, mà thật sự là chưa hề có nghiên cứu khả tín cho thấy thành tích khả dĩ của loại nước này trong việc điều trị hay phòng ngừa bệnh tật, ở bất cứ tình huống nào.
Có thật "rất nhiều người đã dùng và tự kiểm chứng hiệu quả"?
Như phân tích ở trên, y học chính thống không vận hành dựa trên đánh giá cá nhân, vốn mang tính chủ quan và dễ bị chi phối bởi nhiều yếu tố trong đó có vấn đề ràng buộc lợi ích. Người bán hàng thường có xu hướng nói tốt về hiệu quả của sản phẩm để bán hàng. Đây cũng là điều cần lưu ý với những sản phẩm của nước ngoài, khi mà người tiêu dùng không thể kiểm chứng thông tin bằng ngôn ngữ khác.
Lý giải về hiện tượng nhiều người sử dụng và "tự thấy tốt", chuyên gia dinh dưỡng Bonnie Taub-Dix, tác giả cuốn sách "Hãy đọc trước khi ăn" cho biết lượng nước nạp vào cơ thể thường quan trọng hơn loại nước uống.
Đó là vì rất nhiều người trong chúng ta không uống đủ nước.
Nhiều người cảm thấy bơ phờ, mệt mỏi, khó chịu và dễ cáu gắt mà không nhận ra rằng đó có thể là do mất nước. Chính vì thế, nếu uống nước có thành phần gì đó mà cảm thấy khỏe hơn, chúng ta nên hỏi lại xem đó là nhờ chất đặc biệt đó hay chỉ nhờ việc giúp cơ thể bù nước. Nếu việc bù nước bằng những loại nước thường, rẻ tiền có hiệu quả tương đương, có thể bài viết này đã giúp bạn tiết kiệm thêm một khoản tiền nho nhỏ trong dịp Tết.
BS. TS. Phạm Nguyên Quý, DS. Phạm Phương Hạnh
* Về tác giả:
BS. TS. Phạm Nguyên Quý (Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản)
DS. Phạm Phương Hạnh (Nhà thuốc BH Pharmacy, Ontarion, Toronto, Canada)
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị