- Hơn 14 tỷ USD ra nước ngoài trong năm 2015 không hoàn toàn là tiền gửi ở nước ngoài của các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng trong nước, các chuyên gia nhận định.
Không phải tất cả đều gửi tiền, lấy lãi
Tính toán dựa trên bảng cán cân thanh toán quốc tế được Ngân hàng Nhà nước cập nhật từng quý trên website, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam, cho biết: Trong cả năm năm 2015, dòng tiền và tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam (bao gồm các tổ chức tín dụng, khu vực khác) ra nước ngoài đã ở mức hơn 14 tỷ đô la, trong đó của tổ chức tín dụng là hơn 4,6 tỷ đô la và các tổ chức/cá nhân khác là hơn 9,5 tỷ đô la.
Ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý: Số liệu trong cán cân thanh toán quốc tế là lưu lượng chứ không phải trữ lượng. Như vậy, con số gần 14,2 tỷ đô la phải được hiểu là cộng bốn quý của năm 2015, tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng, cá nhân/tổ chức khác ở Việt Nam ra nước ngoài đã tăng thêm 14,2 tỷ đô la, chứ không phải là vào cuối năm 2015 có số dư là 14,2 tỷ đô la.
Dòng tiền và tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam (bao gồm các tổ chức tín dụng, khu vực khác) ra nước ngoài đã ở mức hơn 14 tỷ đô la |
Trước đó, khi tính toán dựa trên số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) quý III/2015 đã thấy có 7,3 tỷ đô la tiền và tiền gửi ra nước ngoài (số liệu quý IV/2015 mới vừa được NHNN cập nhật - PV). Con số này lập tức gây sự chú ý của dư luận.
Trả lời PV.VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng đang có sự hiểu nhầm của dư luận về con số 7,3 tỷ đô la trong quý III/2015 hay gần 14,2 tỷ đô la đi ra nước ngoài của cả năm 2015.
“Đó không phải là tiền gửi đơn thuần của các tổ chức tín dụng, hay các tổ chức cá nhân khác, mà là bao gồm cả những phần khác như tín dụng thương mại và ứng trước” - ông Minh cho biết.
Khi một DN có nhu cầu nhập khẩu, ngân hàng thương mại sẽ phải có khoản tiền bảo lãnh tín dụng cho đơn vị nhập khẩu ấy. Số tiền đó sẽ phải chuyển sang nước ngoài và giữ ở một tài khoản ở nước ngoài. Khi hàng hóa nhập khẩu vào đến Việt Nam thì khoản tiền được thanh toán.
“Về nghiệp vụ Ngân hàng Nhà nước, phải tách tiền gửi và tín dụng thương mại riêng, nhưng thường không thể bóc tách được, hoặc nếu tách ra không có độ chính xác cao. Cho nên Ngân hàng Nhà nước bỏ chung vào mục “tiền và tiền gửi”. Con số bảo lãnh tín dụng mới là đáng kể trong số 14,2 tỷ đô la này”, ông Đinh Tuấn Minh nhận định.
Do không bóc tách rõ ràng giữa tiền gửi và tiền bảo lãnh thương mại, cho nên vị chuyên gia này cũng cho rằng không có đủ cơ sở để đánh giá “tiền gửi tăng nhiều hay ít, đột biến hay không”, “bình thường hay bất thường”.
Theo giải thích của ông Nguyễn Xuân Thành thì tại Việt Nam, dòng tiền và tiền gửi xuyên biên giới là dòng tiền mà các tổ chức/cá nhân trong nước gửi ra nước ngoài không có hoặc có kỳ hạn rất ngắn.
“Tiền và tiền gửi không phải là tiền chuyển ra nước ngoài để thanh toán dịch vụ (du lịch, y tế, giáo dục); không phải là tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; không phải là tiền đầu tư chứng khoán nước ngoài; không phải là tiền cho vay có kỳ hạn” - ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý.
Đâu là sự bất thường?
Khi tính toán con số tiền và tiền gửi 7,3 tỷ đô la đi ra nước ngoài trong quý III/2015, các chuyên gia của VEPR nhận định rằng đây là con số bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo xu hướng chặt chẽ.
Theo giả thuyết của VEPR, diễn biến bất thường này một phần có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng.
Lãi suất huy động và cho vay USD vốn ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá, khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng. Hệ quả là, ngân hàng thương mại không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu.
Nếu giả thuyết là đúng, theo VEPR, "việc đưa lãi suất huy động về 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn, do đó phần lớn các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ ở dưới dạng không kỳ hạn. Các ngân hàng thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho DN, và do đó tiếp tục lựa chọn giải pháp gửi tiền ở nước ngoài” - VEPR đánh giá.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng ngân hàng thương mại sẽ gặp khó khăn trong thanh khoản ngoại tệ là hơi vội vàng. Việc tiền gửi ở nước ngoài tăng lên cho thấy nhu cầu vay ngoại tệ của DN không cao, và dẫn đến dư thừa thanh khoản về ngoại tệ chứ không phải là khó khăn thanh khoản.
Khi có thể huy động tiền nhàn rỗi ở trong nước với lãi suất 0%, và dư thừa tiền nhàn rỗi, ngân hàng thương mại có thể tối ưu hóa khoản tiền ấy bằng cách đem gửi ở ngân hàng nước ngoài với cơ cấu hợp lí để làm sao đảm bảo được an toàn trong việc thanh khoản cũng như đảm bảo đồng tiền sinh lời.
Thêm vào đó, ngân hàng thương mại không chỉ có mỗi một kênh huy động ngoại tệ để cho vay ngoại tệ mà còn một kênh quan trọng nữa là dùng nội tệ mua giao ngay hoặc mua trả sau với Ngân hàng Nhà nước.
“Điều đó hoàn toàn không có gì lo ngại”, ông Nguyễn Tú Anh đánh giá.
Hà Duy