Báo cáo của Carbon Tracker, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn về tác động của biến đổi khí hậu có trụ sở tại London, Anh và tổ chức tư vấn Nomisma của Ý, cho thấy lượng khí thải ô tô thực tế hàng năm của các nhà sản xuất ô tô khác xa so với những gì họ báo cáo công khai. Nguyên nhân chủ yếu có thể bắt nguồn từ việc đánh giá thấp mức sử dụng trọn đời của chiếc xe. Một chiếc xe khi vòng đời kéo dài chắc chắn sẽ có mức phát thải khác so với lúc mới xuất xưởng.
Trong đó, hãng xe có báo cáo sai lệch tệ nhất là Honda Motor. Carbon Tracker ước tính rằng lượng khí thải carbon dioxide thực tế của Honda cao hơn 172% so với báo cáo công khai.
Ở vị trí thứ hai, lượng khí thải thực tế của tập đoàn Hyundai-Kia ước tính lớn hơn khoảng 113% so với báo cáo công khai. Đứng thứ ba là liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi, với khoảng cách 56% giữa con số công bố và ước tính thực tế. Đối với Toyota, sai lệch là 22% cho năm 2022 và đợt cập nhật dữ liệu gần đây đã cải thiện tốt hơn.
Năm nay, Liên minh châu Âu chuẩn bị bắt đầu áp dụng từng bước các quy tắc yêu cầu tất cả các công ty ô tô có hoạt động ở châu Âu phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính bất kể họ có trụ sở ở đâu. Để đáp ứng điều này, Toyota và nhiều nhà sản xuất ô tô lớn khác đã tự nguyện báo cáo lượng khí thải từ hoạt động của chính họ, cũng như những lượng khí thải liên quan đến nhà cung cấp và người sử dụng xe của họ, trong báo cáo phát triển bền vững hàng năm của công ty.
Phương pháp tính lượng khí thải khác nhau tùy theo nhà sản xuất ô tô, nhưng phần quan trọng của phép tính là quãng đường đi được trong suốt vòng đời của xe. Với cách tính này, Toyota đã cải thiện độ chính xác của báo cáo khí thải trong năm qua. Hãng xe hàng đầu Nhật Bản đã tăng lượng khí thải carbon dioxide tự báo cáo lên 45% bằng cách sử dụng một phương pháp chính xác hơn. Đặc biệt, Toyota đã bắt đầu tính toán lượng khí thải dựa trên ước tính thời gian sử dụng trọn đời cho các phương tiện của mình để phù hợp hơn với những gì họ thông báo với khách hàng.
Để giải quyết vấn đề gian lận, một vài đề xuất cho rằng các nhà sản xuất ô tô phải có báo cáo phát thải được kiểm định độc lập từ các tổ chức thứ 3, áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn tính toán phát thải.
Với áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư tập trung vào môi trường và các quy định mới từ Liên minh Châu Âu, câu hỏi đặt ra là liệu các công ty có thực sự tuân thủ các tiêu chuẩn mới và có khả năng minh bạch hóa quy trình báo cáo khí thải của mình hay không? Việc thiếu minh bạch sẽ ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư, giá trị cổ phiếu,… Và Toyota chính là tấm gương hiện hữu khi phải chịu hậu quả về uy tín, giá trị thương hiệu cũng như doanh số xe bị ảnh hưởng.
Theo Nikkei
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!